Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Lai Châu: Đánh thức giá trị văn hóa truyền thống (Bài 1)

Trọng Bảo - 10:46, 21/09/2021

Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới, với 20 dân tộc cùng sinh sống; đây là vùng đất còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Văn hóa truyền thống chính là một trong nhũng tiềm năng to lớn để tỉnh phát triển du lịch.

Với sự phong phú và độc đáo của bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc, Lai Châu có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. (Ảnh tư liệu, chụp trước ngày 27/4/2021)
Với sự phong phú và độc đáo của bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc, Lai Châu có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. (Ảnh tư liệu, chụp trước ngày 27/4/2021)

Phong phú bản sắc văn hóa 

Đến thời điểm này, tỉnh Lai Châu có 5 Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghệ thuật múa Xòe, Trò chơi kéo co của dân tộc Thái, Lễ Tủ cải của đồng bào dân tộc Dao, Lễ hội Gầu Tào của người Mông và Nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lự. Bên cạnh đó, di sản hát Then của dân tộc Thái đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 Văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc đã và đang đóng góp lớn cho các hoạt động quảng bá, phục vụ du lịch. Cụ thể như: Lễ cúng Thánh thạch của người Hà Nhì; Lễ mừng cơm mới của người Si La; Lễ hội Hạn khuống và lễ hội nàng Han của đồng bào Thái; Lễ hội Xên Mường; Tết của người Hà Nhì; Nghề thủ công đan lát, chạm, mộc, rèn, dệt và các trò chơi dân gian kéo co, tung còn, ném pao, đu lăng…

Phát huy thế mạnh từ sự phong phú, đa dạng, nét riêng có trong văn hóa truyền thống các dân tộc, tỉnh Lai Châu đã xây dựng thành công các bản văn hóa du lịch cộng đồng như: Bản Vàng Pheo, xã Mường So và bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ); bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường), bản San Thàng, xã San Thàng (TP. Lai Châu)... Các điểm du lịch cộng đồng này, thường xuyên duy trì hoạt động văn nghệ, sinh hoạt văn hóa dân gian và từng bước tạo nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan, tìm hiểu.

Bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ có 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, nên việc bảo tồn khai thác bản sắc văn hóa dân tộc được bà con chú trọng để phục vụ khách du lịch
Bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ có 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, công tác bảo tồn, khai thác bản sắc văn hóa dân tộc được bà con chú trọng để phát triển du lịch

Bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ hiện có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Khai thác tiềm năng, lợi thế, bản sắc văn hóa dân tộc Mông, bản đã xây dựng nhiều sản phẩm phục vụ khách du lịch. Cuối năm 2018, các hộ dân đã thành lập Hợp tác xã Trái tim để liên kết làm du lịch cộng đồng. Từ 12 hộ đứng ra thành lập Hợp tác xã làm du lịch cộng đồng, hiện nay bản có gần 30 hộ tham gia. Hoạt động du lịch của Hợp tác xã Trái tim đáp ứng khoảng 300 - 400 khách du lịch, với mức giá lưu trú 100.000 đồng/khách/đêm.

Anh Trần Văn Tuấn, du khách đến từ TP. Lai Châu cho biết: Mặc dù cách thành phố không xa, nhưng khi đến với bản Sin Suối Hồ anh và mọi người như lạc vào một không gian khác hẳn. Người dân ở đây thân thiện, mến khách. Đặc biệt, anh rất ấn tượng với trang phục sặc sỡ, những nét hoa văn độc đáo của người phụ nữ Mông.

“Tôi rất ấn tượng bởi khung cảnh êm đềm, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, chứ không như mình hình dung với đầy bùn đất, rác thải sinh hoạt và chăn nuôi”, anh Tuấn cho biết.

Nhờ hướng đi đúng, lượng khách du lịch đến với bản Sin Suối Hồ ngày một đông. Cụ thể như năm 2019, khi dịch bệnh Covid-19 chưa bùng phát, bản đón gần 2 vạn lượt khách du lịch đến thăm. Ông Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết: Bây giờ bà con trong bản ai cũng vui vì làm du lịch có thêm thu nhập, nên mọi người đều ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Vì bà con hiểu, nếu không có những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, thì du khách sẽ không đến với bản.

Nghi lễ cúng rừng, nét văn hóa độc đáo lâu đời của dân tộc Lự ở Lai Châu. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Nghi lễ cúng rừng, nét văn hóa độc đáo lâu đời của dân tộc Lự ở Lai Châu. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Hướng phát triển bền vững

Xác định việc quản lý, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, là một trong những nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, tỉnh Lai Châu đã triển khai hiệu quả công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn theo từng giai đoạn. Trong đó, tỉnh đã tổ chức các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc và khóa tập huấn kỹ năng nghề du lịch cho chính những người dân địa phương; phục dựng, bảo tồn 16 lễ hội tiêu biểu và duy trì thường niên 40 lễ hội hàng năm…

Đặc biệt, Đảng bộ tỉnh Lai Châu khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/2/2021 về “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Có thể nói, đây sẽ là nền tảng quan trọng, để địa phương bảo tồn gắn với khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh trong văn hóa của đồng bào các dân tộc phục vụ phát triển du lịch.

Mới đây, Hội thảo đánh giá kết quả khảo sát sản phẩm du lịch được UBND tỉnh Lai Châu tổ chức vào tháng 6/2021, với sự tham gia của gần 100 chuyên gia, cán bộ và doanh nghiệp du lịch trên cả nước, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp, chỉ rõ những hạn chế khách quan, chủ quan trong phát triển du lịch bền vững của địa phương. 

Đồng thời, các đại biểu cũng đã đề xuất với cơ quan chuyên ngành, các cấp chính quyền tỉnh Lai Châu nhiều giải pháp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy ngành du lịch phát triển, qua đó góp phần tăng nguồn thu ngân sách địa phương; giải quyết việc làm, giảm nghèo trong Nhân dân.

Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết thêm: Chủ trương của tỉnh sẽ mở rộng liên kết, hợp tác với các trung tâm du lịch lớn, thu hút thị trường khách quốc tế; tiếp tục quan tâm có chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đơn vị lữ hành khai thác sản phẩm văn hóa độc đáo của từng địa phương. 

Thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, trong 3 tháng đầu năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 chưa bùng phát, lượng du khách đến Lai Châu tăng đột biến, đạt trên 156,5 nghìn lượt khách (tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2020). Đây là tín hiệu đáng mừng, là cơ sở để du lịch Lai Châu có những bước bứt phá, ghi dấu ấn trong bản đồ du lịch Tây Bắc.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.