Mới đây, ông Vi Văn Trung, bản Xốp Cốc, xã Yên Thắng, huyện Tương Dương đã mời bà con trong bản đến dự lễ mừng nhà mới. Căn nhà sàn 3 gian rộng rãi được hoàn thành trong thời gian gần 2 tháng. Để có được ngôi nhà này, ông Trung đã phải chuẩn bị gỗ trong suốt 5 năm. “Mỗi năm mình chỉ kiếm được một vài cái cột, nên phải mất gần 5 năm mới đủ gỗ để làm nhà”, ông Trung cho biết. Với ông Trung, căn nhà kiên cố này, là công trình quan trọng nhất của đời ông có thể để lại cho con cháu, vì thế ông tự hào về căn nhà!
Tương Dương là huyện vùng cao của Nghệ An có các cộng đồng các dân tộc Thái, Khơ-mú, Ơ-đu, Đan Lai chiếm gần 90%. Phần lớn, các làng bản đều vẫn giữ được những ngôi nhà sàn truyền thống. Tuy nhiên, trước thực trạng ngày càng khan hiếm gỗ rừng và để đảm bảo chủ trương bảo vệ rừng, trong tương lai, việc gìn giữ nhà sàn sẽ đứng trước những bài toán khó khăn.
Ông Vi Sắt Son, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện Tương Dương cho biết, hiện nay, huyện không cấp phép khai thác gỗ cho những ngôi nhà sàn làm mới, mà chỉ khuyến khích bà con dùng gỗ khai thác từ những khu rừng do chính người dân trồng để tu sửa nhà sàn. Hoặc xây dựng nhà sàn nhưng hạn chế sử dụng gỗ mà thay thế bằng vật liệu khác như bê tông để làm cột nhà.
Tại bản Nam Đình, xã Chi Khê, huyện Con Cuông có 119 hộ dân, nhưng chỉ có một ngôi nhà xây. Gần đây, những ngôi nhà sàn mới xuất hiện khá nhiều nhưng hầu hết đều dùng cột bê tông. Thậm chí, những kết cấu như xà, hạ, kèo cũng đúc bằng xi măng. Ngoài xã Chi Khê, phong trào làm nhà sàn bằng vật liệu bê tông trên địa bàn có đông đồng bào Thái sinh sống ở các xã như Bồng Khê, Yên Khê, Cam Lâm (Con Cuông) cũng đã rộ lên từ khoảng 10 năm trở lại đây.
Riêng ở huyện Nghĩa Đàn, cũng là một vùng có cộng đồng người Thái sinh sống, tuy nhiên, hiện tại, số nhà sàn chỉ còn đếm trên đầu ngón tây. Theo ông Lương Bá Viễn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thông huyện này, việc bà con người Thái không còn giữ được nhà sàn do các nguyên nhân “chảy máu nhà sàn” diễn ra ồ ạt từ những năm 1990; sự khan hiếm gỗ rừng. Ngoài ra, các địa bàn cư trú của người Thái nơi đây khá gần biển và thường xuyên phải hứng chịu những trận bão nên bà con chủ yếu cư trú bằng nhà xây. Tuy nhiên, bà con vẫn giữ gìn được phong tục, tập quán của dân tộc mình, đặc biệt là ngôn ngữ.