Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xây nhà sàn bê-tông, thân thiện với môi trường

PV - 11:49, 10/08/2018

Nhà sàn gỗ là một nét đẹp truyền thống của người dân tộc Thái ở tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, gỗ rừng ngày càng khan hiếm, việc xây dựng nhà sàn Thái cổ đã dần được thay thế bằng cột bêtông, phù hợp khả năng kinh tế của người dân và thân thiện với môi trường

nhà sàn gỗ Nhà sàn bê-tông bền, đẹp, tiết kiệm chi phí mà vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái-Điện Biên.

Với đồng bào Thái ở Điện Biên, ngôi nhà sàn chính là không gian để đoàn tụ, sinh hoạt của gia đình. Gầm sàn có thể sử dụng là kho để bảo quản nông phẩm, dụng cụ nông nghiệp và là không gian vui chơi của con trẻ… Nếp nhà sàn Thái xưa không chỉ lưu giữ lại những giá trị văn hoá tốt đẹp cho thế hệ mai sau, mà còn góp phần tạo nên sắc màu văn hoá riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số(DTTS).

Tuy nhiên, để làm được ngôi nhà sàn gỗ 4 gian thì cần sử dụng ít nhất từ 20 cây gỗ trở lên, đường kính mỗi cây bằng gần sải tay một người ôm. Đấy là còn chưa kể đến các nguyên liệu khác, như: tre, luồng làm nền nhà. Ngày nay, trước xu thế phát triển của xã hội, dân cư các thôn, bản ngày càng đông đúc hơn, nhu cầu làm nhà mới cũng tăng lên, trong khi rừng tự nhiên lại đang bị suy kiệt. Những cây gỗ quý, tốt, thân cao, dáng thẳng vì thế cũng không còn nhiều. Mọi nguyên vật liệu dùng để dựng nhà sàn gỗ đều trở nên khan hiếm và khó tìm kiếm hơn.

Trước nhu cầu đó, người dân tộc Thái ở Điện Biên đã thay đổi nếp nghĩ và cách làm nhà truyền thống. Đồng bào cách tân ngôi nhà sàn, thay thế bằng khung bê-tông cốt thép, thay đổi một phần thiết kế nhưng vẫn giữ gìn được dáng dấp, kiến trúc của nhà sàn gỗ truyền thống trước đây. Kiểu nhà sàn bê-tông vừa tiện lợi với cuộc sống hiện đại, vừa đáp ứng tiêu chí về nhà ở nông thôn mới.

Anh Lò Văn Lanh, đội 18, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, chia sẻ: “Ngôi nhà sàn gỗ của cụ tôi để lại đến giờ đã được hơn 100 tuổi. Do thời tiết nắng, mưa đã làm các cột gỗ bị mối mọt, xuống cấp. Bây giờ tìm gỗ làm nhà cũng khó lắm, gỗ tạp đã khó kiếm, tìm gỗ tốt càng khó khăn hơn. Nên khi làm nhà, mình quyết định dựng khung cột bằng bê-tông. Nhà ở vừa sạch vừa thoáng mát, mà vẫn giữ được phong tục truyền thống của dân tộc mình” .

Làm nhà sàn bê-tông, ngoài khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu thì việc tiết kiệm chi phí xây dựng cũng là một trong những tiêu chí mà người dân tính đến. Ông Cà Văn Toản, một người chuyên nhận xây dựng nhà sàn bê tông trên địa bàn tỉnh Điện Biên đưa ra một phép so sánh: Với cùng căn nhà có diện tích 100m2, nếu làm nhà sàn bê-tông, sau khi hoàn thiện phần khung, sàn, cầu thang đổ bê-tông, lợp mái tôn, cùng với tiền công chi phí chỉ hết khoảng 350-400 triệu đồng. Nhưng nếu dựng nhà sàn bằng gỗ thì chi phí phải mất ít nhất trên 500 triệu đồng.

Nhà sàn làm bằng bê tông hướng tới nhiều mục tiêu, vừa giữ gìn được nét truyền thống, hạn chế làm ảnh hưởng đến môi trường và những tác động xấu đến rừng tự nhiên. Mô hình nhà sàn bê-tông cũng góp phần cải thiện diện mạo cho các bản, làng nông thôn và vẫn giữ gìn được nét đẹp văn hóa của dân tộc Thái tỉnh Điện Biên.

NAM HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.