Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Mai một những nếp nhà sàn

PV - 11:00, 10/07/2018

Nhà sàn và không gian văn hóa nhà sàn không chỉ đơn thuần là nơi để ở với mục đích che mưa che nắng, phòng chống thú dữ mà còn phản ánh khá toàn diện về đời sống vật chất, tinh thần và văn hóa tâm linh của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng cùng những quan niệm nhân sinh của họ.

Ký ức không gian văn hóa nhà sàn

Bắc Kạn là vùng được đánh giá có nhiều tầng văn hóa còn khá nguyên sơ trong khu vực Việt Bắc. Thế nhưng mươi mười lăm năm trở lại đây, những nếp nhà sàn đã dần vắng bóng, không gian văn hóa nhà sàn cũng bị phá vỡ, sai lệch bố cục. Nhà sàn được coi là biểu tượng văn hóa của đồng bào các dân tộc Tày-Nùng đang lui dần vào ký ức, thay vào đó là những ngôi nhà ngang, nhà tầng hiện đại. Chính cái sự hiện đại đó đã phá vỡ bố cục, thoát ly khỏi chính tiểu vùng văn hóa đang chứa đựng nó.

Những ngôi nhà sàn của đồng bào Tày tại xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm, Bắc Kạn. Những ngôi nhà sàn của đồng bào Tày tại xã Cổ Linh,huyện Pác Nặm, Bắc Kạn.

Ông Nguyễn Tiến Vinh, một trí thức dân tộc Tày vùng Đại Sảo, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn cho biết, sự thay đổi này quá nhanh, nhanh đến độ những người già như chúng tôi không kịp chuẩn bị tâm thế để đón nhận. Chúng tôi cảm thấy hẫng hụt, chênh vênh…

Nhà ngang hay nhà xây mọc lên nhiều phản ánh sự giao thoa văn hóa cùng sự phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhưng sự vắng bóng dần những ngôi nhà sàn tại các thôn bản lại cho thấy những khoảng trống về văn hóa ngày một lớn. Ông Vinh cho biết, trước đây, dọc từ TP. Bắc Kạn vào Chợ Đồn hay lên tuyến Quốc lộ 3 nhìn đâu cũng thấy nhà sàn ẩn hiện trong sương, mờ ảo sau các đồi cọ hay hiền hoà bên những con suối, được tô điểm thêm bằng những gốc đào phai mỗi độ Tết đến, Xuân về. Còn bây giờ chỉ lác đác vài ba ngôi nhà, có lẽ cũng sắp bị dỡ bỏ!

Cụ Nguyễn Thị Cắm (95 tuổi), thôn Pác Lèo, xã Đại Sảo nhớ lại, hồi trẻ, cụ cùng các nam thanh nữ tú sau những giờ lao động vất vả, tối đến, trăng lên lại tụ tập tại một ngôi nhà sàn nào đó trong bản cùng hát sli, lượn, cùng chuyện trò về mùa vụ, tình hình chiến sự lúc bấy giờ, đến mùa cốm thì giã cốm, mùa cơm mới thì giã bánh giày… Ngôi nhà sàn vừa là nơi ở, sinh hoạt của gia đình, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng nên nhà sàn ngày xưa rộng lắm chứ không bé như bây giờ. Ở đó vừa có chỗ cho sli, lượn, vừa có chỗ trà nước chuyện trò lại vừa có chỗ kiêng, hèm, không thể bạ đâu ngồi đấy. Các phòng trong ngôi nhà được ngăn tượng trưng bởi những màn vải chàm đen dài, tai và chân màn có họa tiết khá bắt mắt chứ không phải màn tuyn như bây giờ…

Mô hình làng văn hóa Pác Ngòi

Nhà sàn và không gian văn hóa nhà sàn dần chỉ còn được giữ lại một cách có ý thức như một chỉnh thể văn hóa hoàn chỉnh cả về bố cục lẫn phong thủy từ các dự án về bảo tồn, phát triển làng văn hóa như Làng Văn hóa Pác Ngòi của người Tày ở huyện Ba Bể (Bắc Kạn). Pác Ngòi có hơn 40 nếp nhà sàn truyền thống nằm nép mình bên triền núi, ngay bên hồ Ba Bể. Địa thế của làng mặt hướng ra hồ, lưng dựa vào núi, càng làm tôn thêm vẻ đẹp của vùng du lịch sinh thái vốn nổi tiếng nơi đây.

Một góc làng văn hóa Pác Ngòi huyện Ba Bể, Bắc Kạn. Một góc làng văn hóa Pác Ngòi huyện Ba Bể, Bắc Kạn.

Hiện nay, ngoài thôn Pác Ngòi, số các bản, làng còn lưu giữ được những nếp nhà sàn ở Bắc Kạn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay như ở thôn Khuổi Cườm, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn; thôn Khuổi Sluôn của người Nùng ở xã Dương Sơn, hay ở vùng Kim Hỷ, huyện Na Rì. Nhiều hơn chút thì có xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm và lác đác một vài thôn khác tại xã Nguyên Bình của huyện Bạch Thông. Song, phần lớn nhà sàn nơi đây đều không còn nguyên bản mà đã được cách tân, biến đổi ít nhiều. Khi rừng đã trụi, ngói âm dương hay lá cọ lợp mái nhà cũng không còn phổ biến.

Về mô hình Làng Văn hóa Pác Ngòi, bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu, Ba Bể cho biết: Nhà sàn tại thôn Pác Ngòi tuy ít nhiều có cải tiến, song vẫn giữ được những đặc trưng cơ bản của nhà sàn người Tày. Việc bảo tồn và đưa vào phát triển du lịch từ những ngôi nhà sàn ở Pác Ngòi thuộc xã Nam Mẫu hiện nay rất hiệu quả, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, vừa đẩy lùi đói nghèo cho đồng bào tại địa phương, giúp nâng cao đời sống cho bà con. Nhờ có những nếp nhà sàn để phát triển du lịch cộng đồng, thôn Pác Ngòi hiện chỉ còn 5,26% hộ nghèo.

HOÀNG CHIẾN THẮNG

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.