Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người giữ bí quyết chế tác “pa nếng” của đồng bào Bh’noong

Nguyễn Văn Sơn - 18:14, 17/04/2023

Ông Trần Văn Kiên ở thôn 1, xã Phước Công là người Bh’noong duy nhất (nhóm địa phương thuộc dân tộc Gié Triêng) trên huyện vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam) còn giữ bí quyết chế tác ná của dân tộc mình.

Ông Trần Văn Kiên ở tại thôn 1, xã Phước Công, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) mô phỏng cách bắn ná truyền thống của dân tộc mình.
Ông Trần Văn Kiên ở tại thôn 1, xã Phước Công, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) mô phỏng cách bắn ná truyền thống của dân tộc mình.

Giới thiệu về chiếc ná trên tay, kỷ vật do người cha quá cố để lại, ông Trần Văn Kiên cho biết: Người Bh’noong gọi ná là “pa nếng”. Ngay từ nhỏ, tôi rất mê “pa nếng” nên được cha truyền lại cách sử dụng và bí quyết chế tác “pa nếng”.

Để làm ra một “pa nếng” ưng ý, phải mất cả tháng trời, từ chọn cây gỗ cà chick (gỗ pơ mu) để làm cánh ná. Cây cà chick có thớ gỗ thẳng đều, dẻo, dai có tính đàn hồi, không bị cong vênh, chịu được nắng mưa, không bị mối mọt. Phần thân ná được làm bằng gỗ cây hưh yal, có mùi thơm. Dây ná và mũi tên đều được làm từ cây giang.

Ông Trần Văn Kiên với công đoạn vót dây cho ná.
Ông Trần Văn Kiên với công đoạn vót dây cho ná

Nhìn bề ngoài, một cây ná của người Bh’noong trông có vẻ đơn giản, nhưng khó nhất là phần vót cánh ná làm sao để hai bên cân đối, tạo thành một cánh ná chuẩn. Người thực hiện phải hơ thân ná vào lửa cho nóng rồi cạo, uốn. Từng nhát dao trau chuốt phải đều tay khi vuốt về hai đầu cánh ná nhỏ dần theo hình Elíp.

Tại mỗi đầu của cánh ná, dùng dao khoét sâu vào tạo một mấu gờ, có dáng hình chữ W để khi tra dây ná vào sử dụng mà không bị bung hoặc tụt ra.

Theo ông Kiên, để chế tác ra một “pa nếng” đúng kỹ thuật, có độ chuẩn xác cao, đòi hỏi người đàn ông Bh’noong phải có kinh nghiệm. Phần thân của “pa nếng” được xẻ một rãnh kéo dài tới lẫy ná thật thẳng để làm đường ngắm mục tiêu cho chính xác. 

Lẫy của “pa nếng” còn gọi là cò, được gọt nhỏ mỏng dáng tựa như hình chữ T làm từ móng chân của con trâu, bò hoặc sừng của con sơn dương. Còn dây “pa nếng” được làm từ cây giang chẻ nhỏ, vót tròn rồi se những sợi lại cho săn lại với nhau tựa con tít, tạo thành một vòng nhỏ cài vào hai đầu cánh “pa nếng”. Khi đặt mũi tên lên thân của “pa nếng”, phải đặt chuẩn vị trí rồi mới bấm cò, tạo ra lực đẩy mạnh đưa mũi tên bắn xa hàng chục mét nhằm trúng đích.

Xưa kia, ná được người Bh’noong sử dụng để săn bắn thú rừng. Ngày nay, các loài động vật hoang dã đều được đưa vào danh sách bảo vệ, nên người Bh’noong không dùng ná để săn bắn thú rừng nữa. Chiếc ná được đồng bào sử dụng trong các dịp lễ hội, ngày hội thể thao, với nội dung thi bắn ná để thanh niên trong làng trổ tài với nhau, vừa giáo dục con cháu tự hào về cội nguồn dân tộc.

Ông Trần Văn Kiên hướng dẫn, tập luyện bắn ná cho lớp trẻ nhỏ Bh'noong.
Ông Trần Văn Kiên hướng dẫn, tập luyện bắn ná cho lớp trẻ người Bh'noong

Nhiều năm qua, xã Phước Công đã đưa môn bắn ná vào các giải thể thao phong trào từ thôn đến cấp xã, qua đó tạo sân chơi bổ ích cho con em đồng bào dân tộc Bh'noong, đồng thời là dịp để phát hiện ra những tài năng bắn ná mới để tiếp nối, duy trì môn thể thao truyền thống.

Được biết, để phát triển phong trào thể thao tại địa phương, ông Trần Văn Kiên đã tích cực hướng dẫn, tập luyện cho nhiều thanh niên và các cháu nhỏ trong thôn, trong xã cách bắn ná nhằm bảo tồn một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, những năm qua, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Nhờ đó, các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống được quan tâm hỗ trợ; hệ thống thiết chế văn hóa tại các thôn, xã được đầu tư, xây dựng góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống Nhân dân.