Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Gia đình siêu nỏ

T.An - T.Nhân - 14:47, 20/07/2020

Bắn nỏ là môn thể thao thế mạnh của huyện Tây Sơn (Bình Định). Những tay nỏ người Ba Na đã mang về không ít thành tích cho thể thao địa phương này. Trong đó, các thành viên trong gia đình xạ thủ Đinh Nhin, làng Kon Giang, xã Vĩnh An là những cái tên quen thuộc trong làng bắn nỏ Bình Định. Đặc biệt, xạ thủ Đinh Thép, 33 tuổi được xem là một “siêu nỏ” của người Ba Na.

Cuộc thi bắn nỏ ngày 26/6/2020 tại xã Vĩnh An, Tây Sơn, Bình Định. (Ảnh: Đinh Thép là huấn luyện viên cho đội bắn nỏ của huyện)
Cuộc thi bắn nỏ ngày 26/6/2020 tại xã Vĩnh An, Tây Sơn, Bình Định. (Ảnh: Đinh Thép là huấn luyện viên cho đội bắn nỏ của huyện)

Gia đình xạ thủ Đinh Nhin và các con trai, con gái Đinh Thưa, Đinh Thai, Đinh Thép, Đinh Rum, Đinh Thị Rêu… đều nổi tiếng về tài bắn nỏ. Huyện Tây Sơn phát hiện ra xạ thủ Đinh Nhin qua những lần tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao miền núi cấp huyện, Ngày hội Văn hóa - Thể thao xã Vĩnh An hằng năm.

Lần đầu “ra trận” của Đinh Nhin là vào năm 1999, khi ông tham gia thi bắn nỏ tại Hội thi Thể thao các DTTS toàn quốc khu vực 2 lần thứ I (tổ chức tại Đăk Lăk). Đinh Nhin đã mang về chiếc Huy chương Vàng (HCV) bắn nỏ đầu tiên cho Bình Định. Đến nay, xạ thủ Đinh Nhin cũng như những người làm công tác thể thao huyện Tây Sơn đều không thể nhớ hết số huy chương các loại về bắn nỏ mà huyện đã giành được.

Vì tuổi cao, sức yếu, năm 2013, ông Đinh Nhin đã về với tổ tiên nhưng ông đã truyền lại được tâm huyết, kỹ thuật, kinh nghiệm và đặc biệt tinh thần khổ luyện nghiêm túc cho các con mình trước khi qua đời. Các con ông là Đinh Thưa, Đinh Thép, Đinh Thị Rêu vẫn tiếp nối truyền thống, đem về nhiều huy chương cho huyện, tỉnh khi tranh tài môn bắn nỏ.

Hiện nay, anh Đinh Thép là tay nỏ nổi tiếng nhất của thể thao tỉnh Bình Định, được nhiều người biết đến, từng đoạt nhiều giải cao trong các cuộc thi bắn nỏ. Năm 2019, sau khi đoạt HCV tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc miền núi tỉnh Bình Định, anh đại diện cho tỉnh Bình Định tiếp tục tham dự cuộc thi bắn nỏ tại Hội thi Thể thao các DTTS toàn quốc lần thứ XI (khu vực II) năm 2019 tổ chức tại tỉnh Đăk Nông (từ ngày 23 - 29/5) và tiếp tục đoạt HCV. 

Theo Đinh Thép, trong mỗi cuộc thi bắn nỏ tiêu chuẩn, mỗi vận động viên (VĐV) được bắn 10 tên, chia ra làm 2 lần; đứng bắn và quỳ bắn. Khoảng cách từ điểm đứng bắn đến hồng tâm là 20m. Điểm tối đa cho mỗi tư thế bắn là 50 điểm. 

“Muốn lấy điểm tối đa, VĐV phải giỏi ở mọi tư thế. Người bắn nỏ giỏi, phải có năng khiếu. Nhưng phải giữ con mắt luôn tinh tường; phải luyện tập để tim đập đúng nhịp, hơi thở phải đều, tay chân vững vàng để mũi tên bắn đến đích. Trong tập luyện, luyện thở là quan trọng nhất. Khi mọi thứ đã thuần thục, thì VĐV có thể chuyển rất nhanh từ trạng thái bình thường sang trạng thái thi đấu dễ dàng và thoải mái, hoàn toàn không thấy có áp lực. Đạt đến ngưỡng tâm lý như thế mới có thể duy trì thành tích ổn định”, Đinh Thép chia sẻ.

Ông Nguyễn Khắc Duy, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao và Thông tin huyện, người trực tiếp quản lý, tham gia huấn luyện đội bắn nỏ huyện Tây Sơn, nhận xét: Những đóng góp của gia đình nghệ nhân Đinh Nhin cho phong trào thể thao của đồng bào DTTS nói riêng và thể thao tỉnh nói chung là rất đáng trân quý. 

“Đặc biệt là Đinh Thép, sau nhiều năm không ngừng tập luyện, tích lũy kinh nghiệm thi đấu, anh Thép đã hoàn thiện các kỹ năng để trở thành một VĐV bắn nỏ hàng đầu. Có thể nói những kiến thức và kỹ năng của anh là một tài sản quý giá cho thể thao Bình Định”, ông Duy chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, những năm qua, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Nhờ đó, các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống được quan tâm hỗ trợ; hệ thống thiết chế văn hóa tại các thôn, xã được đầu tư, xây dựng góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống Nhân dân.