Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bí mật cây nỏ Tây Nguyên

PV - 16:43, 13/08/2021

Người Tây Nguyên không dùng cung mà chỉ dùng nỏ. So với cung, nỏ có nhược điểm là thời gian chuẩn bị để bắn lâu hơn nhưng lại chính xác hơn, tên bay xa hơn. Xưa kia, khi đồng bào các dân tộc sống phụ thuộc vào núi rừng thì việc dùng nỏ để săn thú trở nên phổ biến ở mỗi làng. Tuy nhiên hiện nay, các loài động vật hoang dã đều được đưa vào danh sách bảo vệ, việc săn bắn thú rừng là vi phạm pháp luật nên những chiếc nỏ chỉ còn là những hiện vật văn hóa trong gia đình và được đồng bào mang ra sử dụng trong các hội thi thể thao dân tộc.

Xưa kia, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên dùng nỏ để săn thú rừng
Xưa kia, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên dùng nỏ để săn thú rừng

Chế tác nỏ không quá phức tạp, ai cũng có thể làm được. Nhưng để một cây nỏ có độ xạ lực cao, đường tên bay chính xác thì lại là chuyện khác. Chính vì vậy mà mỗi dân tộc lại có những bí quyết khác nhau. Tuy nhiên, hiểu được bí quyết không có nghĩa là khi bắt tay vào chế tác, ai cũng có thể cho ra lò những cây nỏ lý tưởng. Ông Đinh Pan (làng Tờ Nùng 2, xã Ya Ma, huyện Kông Chro) cho rằng: Hiện nay, mỗi làng may lắm chỉ còn vài người có thể làm ra những cây nỏ đúng nghĩa mà thôi.

Để làm một cây nỏ tốt, trước hết phải lựa chọn kỹ nguyên liệu. Gỗ dùng làm cánh nỏ phổ biến nhất là gỗ trắc. Đây là loại gỗ rắn, có độ đàn hồi cao, giữ được tính chất ổn định trong mọi điều kiện thời tiết. Một số loại gỗ có đặc tính tương tự cũng được lựa chọn. Người Xơ Đăng dùng cây k’sam. Người Ba Na thì dùng 3 loại gỗ để chế tác nỏ, đó là trắc, giáng hương và bruâh. Những cây gỗ được chọn đều theo một tiêu chí chung là thẳng, không có mắt, đường kính lõi trong khoảng từ 15 đến 20 cm và người ta chỉ lấy khúc giữa. 

Chàng trai Bahnar và cây nỏ. Ảnh: Ngọc Tấn
Chàng trai Ba Na và cây nỏ. Ảnh: Ngọc Tấn

Chọn được gỗ rồi thì treo lên bếp hong cho thật khô, sau đó tùy vào kích thước nỏ để ra gỗ. Thông thường có 2 loại nỏ: loại dùng để săn thú lớn và loại để săn thú nhỏ. Loại lớn, thân nỏ dài bằng 4 gang tay (khoảng 80 cm). Loại nhỏ 2 gang rưỡi. Kích thước nỏ không phải tùy tiện mà tuân theo những tỷ lệ nghiêm ngặt. Thanh ngang-tức cánh nỏ, người Ba Na gọi là “gơr” luôn có chiều dài bằng 2/3 thanh dọc, bề dày khoảng 2 cm. Cánh nỏ phải chuốt thật thẳng, độ dày phải đồng đều mới có độ xạ lực cao, mũi tên bay mới ổn định. Đây có thể nói là công đoạn khó nhất trong việc chế tác nỏ. Về điều này, đồng bào Giẻ Triêng thường dùng những chiếc khuôn bằng gỗ để kiểm tra độ đồng đều cho việc chế tác cánh nỏ. Hai đầu thanh ngang làm 2 nấc để buộc dây.

Thanh dọc chế tác đơn giản hơn. Khi đẽo xong, người ta tạo một đường rãnh để tra mũi tên và đục lỗ làm lẫy nỏ, sau đó dùng dao cạo nhẵn rồi lấy lá rừng đánh cho thật bóng. Trong số các loại gỗ được dùng chế tác nỏ kể trên, chỉ có duy nhất gỗ trắc được dùng làm cả 2 bộ phận là cánh nỏ và thanh dọc, còn những loại gỗ khác thì không được. Người Ba Na nếu đã dùng thanh ngang là gỗ hương thì thanh dọc phải bằng gỗ bruâh hay trắc. Đây là điều được coi như một sự bí mật, các nghệ nhân cũng không ai cắt nghĩa được tại sao.

Xong phần thân nỏ và cánh nỏ, một bộ phận rất quan trọng khác là dây nỏ. Người Ba Na không làm dây nỏ bằng da thú hay bất cứ vật liệu nào khác ngoài một loại cây được gọi là “chăm”. Đó là một loại dây leo dạng sợi nhỏ bằng que tăm. Người ta chọn những cây lên quá đầu người cắt về phơi khô, sau đó đập dập, đánh săn từng dây một rồi bện với nhau tạo thành dây nỏ. Người Giẻ Triêng thì dùng sam lủ-một loại cây trông giống cây mây nhưng dẻo hơn-mang về ngâm nước, phơi khô rồi bện xoắn lại. Nói chung đây là loại dây có sức bền lý tưởng, lại chịu được thời tiết khắc nghiệt của Tây Nguyên. Tuy nhiên, để dây lâu ngày không bị giãn và cánh nỏ không giảm độ đàn hồi, khi không dùng đến, người ta lại tháo một bên dây cho nỏ “nghỉ ngơi”.

Luyện bắn nỏ
Luyện bắn nỏ

Phần còn lại được coi đơn giản là chế tác tên. Mũi tên làm bằng tre, lồ ô, le hoặc gốc nứa nhưng cây phải thật già. Chiều dài mũi tên thường bằng 1/2 cánh nỏ. Đuôi mũi tên được gắn 3 cánh bằng lá rừng khô xếp lại để có đường bay ổn định. Nếu săn các loại thú nhỏ, người ta chỉ dùng tên thường, còn để săn các loại thú lớn thì phải dùng loại riêng. Loại tên này được vót cho đầu hơi tòe ra, có mấu để khi găm vào con vật chạy vướng cây rừng không bị rơi. Cũng có khi người ta gắn vào đầu tên mũi bằng sắt hay đá cứng để tạo sức xuyên sâu hơn. 

Những chiếc nỏ của người Tây Nguyên chế tác có thể bắn xa tới 500 m. Không những thế, tài thiện xạ của đồng bào nói chung là rất đáng nể phục. Họ có thể dùng nỏ bắn trúng một con sóc đang chuyền cành cây ở khoảng cách trên 50 m. Trong cuộc sống thường nhật, nếu là khách quý đến nhà, họ chỉ mang nỏ ra và sau một đường tên bay là có ngay chú gà cần thịt. Cũng chính vì vị trí của cây nỏ trong cuộc sống mà không một cuộc thi tài thể thao nào trên dải đất cao nguyên lại thiếu vắng môn bắn nỏ.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.