Người làng Leng không biết cồng chiêng có từ bao giờ, họ chỉ biết nó được truyền lại từ đời này sang đời khác. Trong những ngày lễ hội của buôn làng, cồng chiêng đóng vai trò rất quan trọng. Nó gắn kết con người với thế giới tâm linh. Nó thay cho tiếng nói của con người để cầu xin một năm mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ. Đồng thời, cồng chiêng còn là sự gắn kết cộng đồng làng, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc.
Có thời gian cồng chiêng của làng Leng bị mất dần. Một phần vì sau chiến tranh mà lưu lạc, phần vì lo lắng “cơm áo gạo tiền” mà người dân phải bán dần đi. Người biết đánh chiêng trong làng chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết đã đi về với thế giới của tổ tiên. Sau này, nhờ sự vận động của Đinh Plih - một thanh niên bén duyên với cồng chiêng từ nhỏ và nhận thấy cồng chiêng đang dần mai một, anh đã đứng lên nhờ già làng và người uy tín trong làng kêu gọi dân làng góp sức giữ gìn cồng chiêng.
“Văn hóa mà cha ông để lại đó là cội nguồn, là hồn thiêng của dân tộc. Khoảng năm 2000, mình cảm nhận được cồng chiêng đứng trước nguy cơ mai một. Những người trẻ biết đánh chiêng thì ít, chủ yếu là người già. Nhiều đêm trăn trở, mình dặn lòng phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn để kêu gọi người làng giữ gìn văn hóa cồng chiêng, với mong muốn góp sức để bảo tồn văn hóa dân tộc. Cũng từ đây, văn hóa cồng chiêng, múa xoang bắt đầu được khôi phục. Đồng thời, mình cũng vận động dân làng giữ gìn chiêng trong nhà, không nên bán để lưu giữ chiêng cổ” - Đinh Plih cho biết.
Từ khi Plih đứng lên kêu gọi dân làng cùng nhau góp sức vực lại văn hóa cồng chiêng, người làng ai nấy đều ủng hộ. Khi mặt trời xuống núi, họ gác lại chuyện nương rẫy rồi về nhà rông cùng nhau tập luyện. Trẻ con lên 5 tuổi cho đến thanh, thiếu niên, đàn ông và đặc biệt là phụ nữ của làng đã được các già làng, người có uy tín vun vén cho tình yêu với âm nhạc cồng chiêng. Hiện nay, làng Leng có 73 hộ (chủ yếu là người Ba Na) nhưng có tới 3 đội chiêng chính: Đội chiêng nam, đội chiêng nữ và đội chiêng nhí.
Dẫn chúng tôi đi thăm nhà rông làng, chị Đinh Thị Byer, Đội trưởng đội chiêng nữ làng Leng hào hứng khoe với chúng tôi: “Cồng chiêng được để ở nhà rông làng. Khi có sự kiện, lễ hội hay được mời đi lưu diễn thì người làng sẽ tập trung về đây để tập luyện. Ngày trước, chị em phụ nữ chỉ múa xoang thôi, nhưng thấy đàn ông đánh chiêng, chị em ai cũng thích. Năm 2015, Đinh Plih và những người đàn ông thành thạo chiêng trong làng đã đứng lên thành lập đội chiêng nữ để chị em thỏa niềm đam mê”.
“Được sự ủng hộ của làng, đội chiêng nữ đã ra đời với đông đảo chị em gồm nhiều độ tuổi. Mỗi tối, cứ đúng 7 giờ, chúng tôi lại có mặt ở nhà rông để tập luyện. Nhờ sự chỉ bảo tận tình của những người đánh chiêng điệu nghệ như Đinh Jram, Đinh Yep, Đinh Plih,... mà chị em đã thuần thục hết các bài chiêng truyền thống. Đội chiêng nữ cũng chăm chỉ luyện tập nên thường xuyên được mời đi lưu diễn ở các sự kiện, giao lưu văn hóa cồng chiêng trong tỉnh” - chị Byer cho biết thêm.
Cứ thế, khi mùa Ning nơng về, khắp làng lại rộn vang tiếng chiêng. Người làng chìm trong những hoan ca, bên ánh lửa bập bùng và những điệu xoang uyển chuyển của những cô gái Tây Nguyên. Đặc biệt hơn, họ còn cùng nhau thể hiện những điệu nghệ, những cách biến tấu trong âm nhạc cồng chiêng rồi cùng nhau chìm trong men say rượu cần.
Bà Đinh Thị Khop, một trong những thành viên tích cực của đội chiêng nữ, bộc bạch: “Đối với người Ba Na, cồng chiêng gắn bó với cuộc đời mỗi người từ khi sinh ra cho đến khi về với tổ tiên, ông bà. Cồng chiêng còn giúp người làng thắt chặt tình đoàn kết, xua tan đi những mệt mỏi sau một ngày lao động. Cũng như đàn ông, phụ nữ làng mình cũng muốn góp sức để giữ gìn văn hóa truyền thống mà cha ông để lại. Khi phụ nữ biết đánh chiêng cũng là đỡ một phần công việc cho đàn ông trong làng khi có những ngày hội kéo dài”.
Ông Trần Xuân Nam, Chủ tịch UBND xã Tơ Tung cho biết: “Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, người dân làng Leng cũng giữ gìn rất tốt bản sắc văn hóa truyền thống. Hầu hết người làng Leng ai cũng biết đánh chiêng, múa xoang. Để giúp người dân giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc của mình, chính quyền địa phương đã thường xuyên quan tâm, vận động, tuyên truyền bà con duy trì và bảo tồn văn hóa truyền thống. Đồng thời, xã cũng hỗ trợ kinh phí để giúp bà con có thêm động lực và thêm yêu bản sắc văn hóa dân tộc”.
Anh Đinh Plih cho biết thêm: “Cồng chiêng là nét đẹp văn hóa vô cùng độc đáo trong đời sống người dân Tây Nguyên. Nó giống như phần hồn của làng, ai đi đâu cũng phải nhớ về. Hiện nay, làng Leng có 8-10 nghệ nhân thuộc các lĩnh vực như đan lát, dệt thổ cẩm, dân ca, dân vũ, cồng chiêng, thường xuyên được mời ra Hà Nội tham gia biểu diễn ở Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).