Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người Xtiêng và chiếc ná

Vũ Tâm - 10:33, 27/07/2020

Trong các công cụ săn bắn truyền thống của người Xtiêng, ná (nỏ) là một trong những công cụ quan trọng trong hoạt động săn bắn động vật từ thiên nhiên. Ngày nay, ná là dụng cụ được trưng bày trong bảo tàng và trở thành dụng cụ của môn thể thao được yêu thích trong các dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Xtiêng.

Ná là một trong những dụng cụ của môn thể thao bắn nỏ trong các dịp lễ, Tết
Ná là một trong những dụng cụ của môn thể thao bắn nỏ trong các dịp lễ, Tết

Trong xã hội cổ truyền của người X’tiêng, săn bắt thú lớn chiếm một vị trí hết sức quan trọng, vì thế trẻ em từ tuổi thiếu niên đã được các già làng, cha mẹ dạy cho cách làm ná, làm mũi tên, mang ná tham gia vào các hoạt động săn bắt tập thể trong cộng đồng. 

So với tất cả các loại nỏ của các dân tộc khác ở Việt Nam, chiếc ná của người Xtiêng có cánh cung rộng, to, khỏe và chắc. Già làng Điểu Đố ở sóc Bù Môn, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng (Bình Phước) cho biết: Để làm ná, người X’tiêng chọn những loại cây gỗ tốt như: Giáng hương, căm xe, pơmu… để làm thân ná, bởi các loại cây này có độ chắc, bền, không bị mối mọt và có tính đàn hồi cao. Để bảo đảm độ chính xác khi bắn con mồi, phần thân ná được xẻ một rãnh kéo dài tới lẫy ná để tạo đường ngắm. 

Phần cánh ná được làm từ các loại cây có sống lá như cây buông, gốc tre, thân dừa rừng hoặc từ những cây lồ ô già có tính bền và đàn hồi cao. Dây ná được làm từ những loại vỏ cây trong rừng có độ bền cao để khi kéo không bị đứt, mục. Vỏ cây sau khi được lựa chọn lấy về, phải trải qua quá trình đập dập, ngâm nước 2 ngày, lấy phần sợi trắng, sau đó se lại với nhau rồi buộc vào hai cánh ná.

Lẫy ná được làm từ những loại gỗ tốt đặt ở phần thân ná có tác dụng kìm giữ dây ná trước khi bắn mũi tênvề phía mục tiêu.

Mũi tên được làm từ những loại cây tre, lồ ô già, chắc, cứng, có tính sát thương cao. Trong quá trình chế tạo, để đục, làm lẫy, vót các loại tên, người Xtiêng sử dụng một loại dao có tên là dao Peh. Đây là một loại dao có lưỡi nhọn, hình trăng lưỡi liềm.

Già làng Điểu Lên ở sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng cho biết: Dựa vào các đặc tính sinh hoạt ăn, uống, nghỉ ngơi, sinh sản của các loài thú, người Xtiêng sẽ tập hợp thành một nhóm dùng ná bắn các loại thú rừng để bảo vệ mùa màng, đất rẫy.

Ngày nay, hoạt động kinh tế của người Xtiêng không còn phụ thuộc nhiều vào rừng, các loại thú rừng không còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Đặc biệt việc cấm sử dụng các loại công cụ tự chế để săn bắt các loại thú rừng quý hiếm, cho nên chiếc ná không còn được sử dụng để săn bắn thú rừng, số người biết chế tạo ná từ đó cũng ít đi. 

Ná trở thành kỷ vật được treo tại nhà, vật dụng trưng bày tại bảo tàng và trở thành dụng cụ trong môn thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc Xtiêng trong các dịp lễ, Tết. Qua các cuộc thi đã phát hiện, tuyển chọn nhiều vận động viên tài năng là người Xtiêng tham gia vào các kỳ đại hội thể dục thể thao các dân tộc ở khu vực và toàn quốc, trong đó có nhiều vận động viên đã đạt thành tích cao. 

Từ công cụ săn bắt cổ truyền, ná đã góp phần làm sống lại các giá trị truyền thống của đồng bào Xtiêng. Đồng thời, tuyên truyền để các thế hệ trẻ người Xtiêng bảo tồn các di sản văn hóa của dân tộc mình, góp phần đưa phong trào thể dục thể thao truyền thống người X’tiêng phát triển mạnh mẽ và toàn diện trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.