Rừng nguyên sinh Hà Lâu có tổng diện tích tự nhiên hơn 300 ha, nằm trên địa bàn thôn Nà Hắc - thôn xa nhất của huyện Tiên Yên. Từ đường bê tông của khu dân cư, đường vào rừng vẫn là đường đất, dài khoảng 4 km và phải lội qua 10 đoạn suối.
Theo chân lãnh đạo UBND xã Hà Lâu và cán bộ văn hóa, chúng tôi đi bộ vào sâu trong khu rừng nguyên sinh này. Trên đường đi gặp gia đình ông Chíu Văn Chắn, một người dân của thôn Nà Hắc đang cấy lúa. Khi được hỏi, anh Chắn cho biết trong khu rừng này có những cây cổ thụ có niên đại hơn trăm năm, vài người ôm mới xuể. Gỗ quý trong rừng được người dân tự giác bảo vệ, quyết không cho người lạ vào rừng chặt gỗ.
“Biết đây là rừng phòng hộ nên bà con chúng tôi bảo nhau giữ gìn, bảo vệ rừng. Không được chặt phá đâu, chặt phá là cả thôn ghét đấy! Thỉnh thoảng lên rừng bắt dúi thôi. Rồi làm ruộng nữa!”, anh Chắn cho biết thêm.
Chúng tôi tiếp tục hành trình và dừng chân ở chiếc lán bên bìa rừng, chủ nhân là người đàn ông tên Chìu Chăn Lỷ, với dáng người nhỏ nhắn trạc chừng hơn 50 tuổi. Tiếp chuyện phóng viên, anh Lỷ cho biết đã ra đây dựng chòi sống trồng ngô, nuôi gà, trông rừng từ khi 15 tuổi. Hơn 40 năm, anh cũng có đến hơn chục lần dựng lại chòi của mình, vì cứ mỗi lần bão lớn là căn chòi lại sập.
Những ngày mưa dầm, lũ rắn trong rừng thường hay bò về, chúng chui vào trong lán của anh Lỷ như tìm chỗ trú ngụ. Hết mưa anh lại xua lũ rắn vào rừng. Anh bảo: “Người có việc của người, rắn có việc của rắn, mình không ác với nó thì cũng chẳng bao giờ nó cắn mình cả”. Vậy là cuộc sống cứ ngày qua ngày, anh thấy trọn vẹn trong niềm vui được sống với rừng và giữ rừng. Dù nằm trong lán, nhưng nghe anh cũng đoán đúng gần hết tiếng bước chân của người dân trong thôn. Nhiều lần tuy đã ngủ say nhưng hễ nghe tiếng chân lạ là anh biết ngay rồi ra tìm cách hay thông báo để ngăn không cho họ vào rừng.
Đi vào sâu trong khu rừng còn đặc biệt bởi thác Cá Nhảy (tiếng địa phương là thác Nhì Thiu). Từ nhiều đời nay, Nà Hắc đã có quy định, người dân không được tự ý vào thác Cá Nhảy để bắt cá. Trước đây, theo quy định của thôn, chỉ khi nào thôn có khách quý, người đại diện trong thôn mới vào suối bắt vài cân cá để đãi khách. Thế nhưng, những năm gần đây, ngay cả khi có khách quý, cũng không ai được vào thác Cá Nhảy để bắt cá nữa, mà phải bắt ở các dòng suối khác, vì lượng cá đã ít đi, nên cần giữ số cá tự nhiên nhằm bảo tồn.
Cùng đi trên con đường với những bóng cây rừng ngát xanh, anh Lã Văn Vy - Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lâu cho biết, hàng năm UBND xã và Ban công tác mặt trận thôn tổ chức họp dân xây dựng các quy ước, hương ước trong đó có bảo vệ nguồn sinh thủy, bảo vệ rừng không cho phép các đối tượng lạ mặt khác vào chặt phá trái phép hoặc khai thác nguồn lợi thủy sản trái phép đặc biệt là kích đánh mìn… Bà con thành lập các tổ khu dân cư cùng nhau bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản, nguồn lợi rừng.
“Người dân xác định vừa là chủ thể, vừa trực tiếp là người bảo vệ, quản lý và hưởng nguồn lợi từ rừng. Do đó những kênh thông tin, công tác nắm bắt từ người dân là một trong những kênh giúp chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng”, anh Vy nhấn mạnh.
Với việc giữ gìn rừng bằng cả tấm lòng của người dân bản địa, cùng nỗ lực của chính quyền và các ngành chức năng, cánh rừng nguyên sinh Hà Lâu xanh ngút ngàn theo năm tháng. Để rồi, bà con được rừng che chở, đời sống từng bước được nâng cao nhờ nguồn lợi mà rừng mang lại… Đặc biệt, cánh rừng nguyên sinh xa ngát đã biến Nà Hắc trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách gần xa.