Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Người dẫn đường ở Làng Hản

Trần Liên - 08:08, 14/10/2022

25 năm tuổi Đảng, 21 năm làm Bí thư Chi bộ, ông Mã Phúc Hương (dân tộc Tày), Bí thư Chi bộ thôn Làng Hản, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang được ví như người dẫn đường ở làng ở bản. Việc khó, ông đứng ra gánh vác, việc mới ông cũng tiên phong thực hiện và trả lời bà con bằng kết quả tốt nhất của mình. Ông bảo, “nói đi đôi với làm” là cách mà tôi vẫn đang học Bác từng ngày.

Chân dung Bí thư Chi bộ Mã Phúc Hương
Bí thư Chi bộ Mã Phúc Hương

Vận động… làm đường

Vừa đến đầu thôn Làng Hản đã nghe tiếng máy xúc ầm ì múc đất, lấp đầy đoạn lầy thụt vào khu ruộng đang cúi đầu chờ ngày cho hạt vàng. Cán bộ xã Kim Quan giới thiệu, đây là máy xúc của nhà Bí thư Chi bộ Mã Phúc Hương được ông “trưng tập” để xúc đất, chuẩn bị đổ nốt tuyến đường nội đồng hơn 100 mét cho hơn chục hộ dân trong thôn. Đây cũng là tuyến đường nội đồng cuối cùng của thôn Làng Hản được bê tông hóa theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh Tuyên Quang về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản hàng hoá; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bản tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 – 2025.

Khác với hình dung của nhiều người, Bí thư Chi bộ Mã Phúc Hương xuất hiện với phong thái rất... hiện đại. Ông chạy chiếc xe bán tải đi khắp làng, vừa lo việc nhà, vừa lo việc thôn bản.

Ông bảo, mình có sẵn cái gì thì hỗ trợ thôn, xã cái đấy. Trong làm đường nội đồng, làm đường bê tông nông thôn, chiếc máy xúc của Bí thư Chi bộ Mã Phúc Hương rong ruổi từ thôn này đến thôn khác. Thôn nào vận động người dân đóng góp được đầy đủ, thì ông Hương thu được tiền công ngay. Thôn nào bà con còn khó khăn, chưa đóng góp đầy đủ thì ông ủng hộ theo kiểu... làm đường trả chậm.

Ông Hương bảo, gần như năm nào cũng vậy, mình cứ bỏ tiền ra hỗ trợ Nhân dân làm đường trước, rồi cuối năm bà con thu được tiền bà con trả mình. Không chỉ hỗ trợ “làm đường trả chậm”, Bí thư Chi bộ Mã Phúc Hương còn bỏ tiền túi để ủng hộ nhiều thôn còn khó khăn, giúp bà con nhanh chóng hoàn thành tuyến đường. Như ở Làng Hản, vừa rồi làm đường bê tông, ông góp thêm 4 triệu đồng để bà con mua cát sỏi; hay năm vừa rồi, ông hỗ trợ đổ 80 xe đất và góp thêm 4 triệu đồng để bà con thôn Kim Thu Ngà làm đường bê tông nội đồng... Ông bảo, chẳng tính được mình đã góp bao nhiêu, hỗ trợ bao nhiêu, nhưng với tinh thần đảng viên tiên phong, gương mẫu, việc gì mình có thể hỗ trợ được, mình sẵn sàng đóng góp, không tiếc công tiếc của gì.

Tuyến đường bê tông vào vùng sản xuất hàng hóa cuối cùng của Làng Hản đang được thi công xây dựng
Tuyến đường bê tông vào vùng sản xuất hàng hóa cuối cùng của Làng Hản đang được thi công xây dựng

Nhờ sự gương mẫu đi đầu của Bí thư Chi bộ Mã Phúc Hương mà tinh thần sẵn sàng vì việc chung của người dân Làng Hản cũng được đặt lên hàng đầu. Đứng nhìn chiếc máy xúc đang ầm ì cuốc đất vào mảnh ruộng của mình, bà Nguyễn Thị Thu kể, khi họp thôn, có quyết định làm đường, mình cũng như nhiều người trong làng đồng ý ngay. Con đường vào khu ruộng của hơn chục hộ gia đình lâu nay lầy thụt, đi lại khó khăn lắm. Bí thư Hương bỏ máy móc ra làm trước, bà con cũng góp tiền làm theo ngay. Bà bảo, việc nhà có thể chậm lại một chút cũng được, nhưng vì việc làng, việc xóm mình phải nhanh hơn. Không thể cứ trông chờ, ỷ lại mãi được...

Ở Làng Hản, giờ đã có 1.600 mét đường bê tông nông thôn, hơn 1.100 mét đường nội đồng được bê tông hóa - là thôn có tỷ lệ đường cứng hóa nhiều nhất ở Kim Quan. Bí thư Hương bảo, vừa rồi rà soát, cả thôn chỉ còn hơn 100 mét đường nội đồng chưa được bê tông, mình và chi bộ vận động bà con cố gắng hoàn thành nốt trong năm nay. Hết tuyến này, là dân Làng Hản tiến gần hơn với “công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn” rồi.

Vận động bằng cách nêu gương

Không chỉ hết mình vì việc chung, “việc riêng” Bí thư Hương cũng làm rất tốt. Ông bảo, làm gì thì làm, kinh tế mình có vững thì nói bà con mới nghe. Muốn vận động được Nhân dân thì bản thân mình phải là người gương mẫu thực hiện trước. Không những gương mẫu, còn phải cố gắng làm tốt nhất, vì vận động người dân không có gì thuyết phục hơn là chính việc thực tế của bản thân... Ông nuôi lợn, nuôi trâu con nào cũng béo khỏe, trồng rừng cây lên xanh tốt. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông cũng tiên phong thực hiện.

Nắm vững Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Yên Sơn khóa XXIII đề ra, bản thân Bí thư Hương cũng đã gương mẫu đi đầu, rồi triển khai tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng, triển khai thực hiện Đề án sản xuất, phát triển hàng hóa các sản phẩm chủ lực gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025; Đề án nâng cao giá trị, chất lượng rừng trồng phát triển rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC và thực hiện chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng trên địa bàn huyện Yên Sơn, giai đoạn 2021 - 2025; Đề án chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi liên kết trên địa bàn huyện Yên Sơn, giai đoạn 2021 - 2025.

Làng Hản là thôn thuần nông. Bà con ngoài hai vụ lúa, chưa dám đưa cây gì mới vào trồng. Cuối năm 2021, Chi bộ thôn Làng Hản sau nhiều lần họp, bàn bạc, tìm kiếm trồng cây gì, đưa con gì để “vực” kinh tế của thôn và hơn hết, là thay đổi thói quen sản xuất một màu. Cây dưa chuột được Bí thư Chi bộ Mã Phúc Hương và 35 đảng viên nhất trí đưa vào trồng trên đất ruộng 1 vụ lúa.

Bí thư Chi bộ Mã Phúc Hương là người tiên phong đưa cây dưa chuột về trồng ở Làng Hản
Bí thư Chi bộ Mã Phúc Hương là người tiên phong đưa cây dưa chuột về trồng ở Làng Hản

Nhà Bí thư Chi bộ Mã Phúc Hương và 4 đảng viên khác tiên phong đưa cây dưa chuột vào trồng với diện tích hơn 10 sào. Lúc mới trồng, bà con không tin cây dưa chuột sống được. Nhiều người bảo, cây lúa dễ tính thế cũng chỉ trồng được 1 vụ, sao cây dưa chuột lên được.

Thế nhưng, cây dưa chuột lên tốt. 4 sào của Bí thư Chi bộ Mã Phúc Hương sau 3 tháng cho quả trĩu giàn. Cứ 5 giờ sáng, vợ chồng ông đã có mặt ở ruộng hái dưa, mỗi sáng thu 2 - 3 tạ quả suốt 2 tháng liên tục. Dân làng thấy vậy, cũng 5 giờ sáng có mặt cùng với vợ chồng ông, vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa nếm dưa sạch.

Sau vụ dưa đầu tiên, Chi bộ Làng Hản không phải vận động gì thêm, đã có hơn chục hộ gia đình đăng ký mở rộng diện tích dưa vào vụ đông này, diện tích dự kiến tăng thêm 3 ha. Có bao nhiêu kinh nghiệm thực tế, Bí thư Hương “truyền” cho bà con hết. Ông cũng đứng ra kết nối với một số hợp tác xã, liên kết bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Bí thư Hương bảo, sau cây dưa chuột, chắc chắn việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ở Làng Hản sẽ thuận lợi hơn. Việc của mình và chi bộ bây giờ là cố gắng tìm kiếm cây gì, con gì phù hợp nhất, đem lại hiệu quả kinh tế tốt nhất với bà con thôn mình là được.

Bí thư Đảng ủy xã Kim Quan, Trọng Văn Vĩnh bảo, Bí thư Chi bộ Mã Phúc Hương là một trong những người “toàn diện” không chỉ ở thôn Làng Hản, mà của cả xã Kim Quan đấy.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.