Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

“Chiếc chìa khóa” của Bí thư chi bộ người Tày

Giang Lam - 07:49, 30/09/2022

Nhìn cách người dân trò chuyện với chị Ma Thị Nhường, thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang tôi hiểu người dân nơi đây tín nhiệm và tin yêu nữ Bí thư Chi bộ 8X như thế nào. Chị bảo: “Nụ cười rạng rỡ trên môi và sự chân thành là chiếc chìa khóa mở cửa tâm hồn để kết nối cùng bà con”. Và trên hành trình làm giàu cho quê hương không chỉ có “chiếc chìa khóa” đó mà ở người bí thư chi bộ này còn có nhiều bí quyết đặc biệt để được “dân quý, Đảng tin”.

 “Một người lo bằng kho người làm”

Nữ Bí thư Chi bộ Ma Thị Nhường
Nữ Bí thư Chi bộ Ma Thị Nhường

Đến Làng Chạp, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang hôm nay nhiều người ấn tượng với những cánh đồng trồng dưa chuột, rau bò khai, cây gai xanh… Hành trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn với sản xuất hàng hóa tập trung đã từng bước “thay da đổi thịt” ở làng quê này.

Bí thư Chi bộ 8X Ma Thị Nhường ví von rằng ở đời có 2 việc khó, một là đưa ý tưởng của mình vào đầu người khác và hai là, làm thế nào để người khác vui vẻ chuyển tiền vào túi của mình. Bà con người Tàyngười Mông nơi đây từ lâu luôn có nếp nghĩ là làm đủ ăn, tự cung tự cấp, quanh năm với ruộng lúa, nương ngô nên để thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, từng bước làm giàu là cả một hành trình dài. Và để bắt đầu thì phải thay đổi từ bản thân mình và các đảng viên.

Sau khi Chi bộ họp nhiều lần, thống nhất xây dựng Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bí thư Chi bộ Ma Thị Nhường tiên phong trồng 2 sào dưa chuột, đảng viên Đặng Hữu Lừng trồng 2 sào, đảng viên Hoàng Văn Thanh trồng 1,5 sào…

Với tinh thần đảng viên đi trước, nhiều hộ dân trong thôn từng bước mạnh dạn trồng mô hình mới này. Hộ chị Đinh Thị Thảo trồng 4 sào dưa chuột, mang lại thu nhập gần 70 triệu đồng/vụ, trong khi vốn đầu tư cho mỗi sào chỉ mất có 2 triệu đồng.

Thấy rõ hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chị Nhường cùng các đảng viên tiếp tục vận động quần chúng Nhân dân trồng thêm các loại nông sản như rau bò khai, rau dớn, cây gai xanh…

Để giúp bà con tìm đầu ra và có được quy trình sản xuất nông nghiệp khép kín, đầu năm 2022 nữ Bí thư Chi bộ 8X đã thành lập Hợp tác xã Nông sản sạch Trường Giang. Bí thư chi bộ Ma Thị Nhường lý giải: “Mình là cán bộ thì bước chân của mình phải nhanh nhẹn hơn, đi trước để mở lối thoát nghèo cho dân bản”.

Hợp tác xã chuyên trồng, cung cấp các loại nông sản như dưa chuột, bí đỏ, đậu tương, rau bò khai, dớn, rau ngót rừng... Nông sản được trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ. Hợp tác xã hiện có 40 thành viên, thực hiện liên kết với 2 Hợp tác xã khác để bao tiêu sản phẩm. Anh Đặng Hữu Minh, thành viên Hợp tác xã chia sẻ, hiện nay gia đình anh trồng các loại rau rừng với trên 1 ha. Ngoài ra, theo hướng dẫn của chị Nhường, gia đình anh đã chuyển một số diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh.

Bí thư Chi bộ Ma Thị Nhường Bí thư Chi bộ thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn (Yên Sơn) cùng các thành viên Hợp tác xã chăm sóc vườn dưa chuột
Bí thư Chi bộ Ma Thị Nhường, thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn (Yên Sơn) cùng các thành viên Hợp tác xã chăm sóc vườn dưa chuột

“Một người lo bằng kho người làm”, nhờ Hợp tác xã đứng ra bao tiêu, quảng bá sản phẩm mà người nông dân Làng Chạp đã không phải lo lắng tìm đầu ra cho nông sản. Ông Đặng Hữu Minh chia sẻ: “Các loại rau gia đình tôi trồng đã được Hợp tác xã thu mua với giá hợp lý. Người dân chúng tôi giờ đây chuyên tâm trồng rau sạch để phát triển kinh tế”.

“Biết gieo không tốn giống…”

Chị Ma Thị Nhường từng là cán bộ Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn. Sau đó chị xin nghỉ việc và được bầu làm Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Làng Chạp. Năm 2017, chị được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn, chị là nữ bí thư chi bộ trẻ nhất tại xã Trung Sơn thời điểm nhận nhiệm vụ.

Chị luôn quan niệm là cán bộ thì trước hết phải đi đầu, gương mẫu, mình có làm tốt thì dân bản mới tin và nghe theo được. Chị mở cơ sở sản xuất và kinh doanh cây lâm nghiệp. Thời gian qua, cơ sở của chị cung ứng cho thị trường gần 100 nghìn cây giống lâm nghiệp cho thị trường; tạo việc làm cho 4 - 5 lao động thời vụ, mức thu nhập trung bình từ 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Vừa cung cấp cây giống vừa vận động các đảng viên và bà con phát triển kinh tế từ trồng rừng sản xuất. Chị chia sẻ, thôn hiện có hơn 340 ha rừng, trong đó có gần 200 ha rừng sản xuất. Nhiều hộ đảng viên tích cực trồng rừng trở thành “mô hình điểm” để bà con tham quan học hỏi. Điển hình như đảng viên Nông Thị Chuyền 4 ha, Đặng Hữu Tập trồng 4 ha, Hoàng Văn Dụng trồng gần 4 ha rừng.

Bằng sự gương mẫu, trách nhiệm trong lời nói, việc làm, chị Nhường ngày càng gây dựng được uy tín với nhân dân, đặc biệt là đồng bào Mông. Thôn có 14 hộ dân tộc Mông, năm 2020, Nhà nước triển khai thi công tuyến đường từ thôn Làng Thang, xã Kim Quan đến thôn Làng Chạp với chủ trương nhân dân giải phóng mặt bằng không đền bù. Chị Nhường cùng chi bộ lãnh đạo Ban công tác Mặt trận, các đoàn thể vận động 9 hộ người Mông của thôn hiến 4.500 m2 đất.

Ma Thị Nhường Bí thư Chi bộ thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn (Yên Sơn) (bên trái) tại vườn ươm của gia đình
Chị Ma Thị Nhường, Bí thư Chi bộ thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn (Yên Sơn) (bên trái) tại vườn ươm của gia đình

Nghe theo chị Nhường, đồng bào Mông của thôn còn tích cực làm công trình nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh. Chị Nhường bảo, nhiều năm chị cùng các cán bộ thôn vận động, chị hiểu cái khó của bà con, không phải tư tưởng chưa thông mà là ở vấn đề kinh tế. Làm công trình này cũng phải mất đến 3-4 triệu đồng/hộ. Hộ khá giả thì dễ hộ nghèo lấy đâu ra. Vậy là, sau khi họp Chi bộ đã đưa ra ý tưởng về việc các hộ dân cùng nhau ủng hộ ngày công và góp tiền làm lần lượt từng hộ. Vậy là sau gần 2 năm 15 hộ dân đều có công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhờ hướng đi, cách làm đúng đời sống người Mông ngày một nâng cao.

Anh Giàng Seo Páo là một điển hình trong phát triển kinh tế của thôn. Gia đình anh nhà cửa cao tầng khang trang, sạch đẹp. Anh chia sẻ: “nhờ được sự tận tâm chỉ bảo hướng dẫn của cán bộ thôn, trong đó có đồng chí Bí thư chi bộ mà tôi đã phát triển mô hình kinh tế vườn rừng tổng hợp thành công. Hiện gia đình có 5ha rừng keo, 1 ha bưởi, mức thu nhập gần 150 triệu đồng/năm”.

“Biết gieo không tốn giống, biết sống không tốn lời”, chính vì thế trong các hoạt động, nữ bí thư chi bộ luôn được bà con Làng Chạp tin tưởng nghe theo, diện mạo thôn bản ngày càng khởi sắc. Thôn có hơn 2 km đường bê tông, một số đoạn đường đã được trồng hoa, nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang, rộng rãi. Bản thân Bí thư chi bộ Ma Thị Nhường nhiều năm liên tục là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng chí được UBND huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang khen thưởng đã có thành tích tiêu biểu trong 5 năm (2006-2020) thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.