Năm 2017 khi chị Chảo Mùi Phẩy được bầu là Bí thư Chi bộ, cũng là lúc thôn vùng cao Ky Quan San đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí, góp phần đưa xã Mường Hum (huyện Bát Xát, Lào Cai) về đích nông thôn mới. Công việc đầu tiên mà chị Phẩy bắt tay vào làm, là vận động người dân hiến đất làm tuyến đường giao thông nội đồng dài 2km.
“Có đường bê tông ra tận ruộng, thuận lợi để vận chuyển máy móc phục vụ làm đất, thu hoạch lúa, nhưng ban đầu không phải ai cũng nhìn ra và ủng hộ. Chỉ vướng một hai hộ chưa đồng thuận, mà tưởng chừng như tuyến đường phục vụ cho khu sản xuất của cả thôn có nguy cơ không thể triển khai được. Tôi ra xã xin ý kiến, rồi nhờ những Người có uy tín trong thôn tham gia vận động, cuối cùng tất cả bà con trong thôn đồng ý và con đường bê tông cũng hoàn thành”, chị Phẩy nhớ lại.
Cùng với việc tuyên truyền, vận động bà con làm đường giao thông nông thôn, Bí thư Chảo Mùi Phẩy, còn vận động các hộ dân trong thôn tích cực phát triển kinh tế gia đình. Trước đây, những triền ruộng bậc thang màu mỡ ở Ky Quan San chủ yếu cấy giống lúa địa phương, năng suất thấp, chất lượng gạo không ngon.
Chị Phẩy đề nghị xã cử cán bộ khuyến nông, giúp đỡ một số hộ dân để đưa giống lúa Séng Cù về gieo cấy thử nghiệm. Khi thấy giống lúa mới cho giá trị kinh tế cao, bà con trong thôn đồng loạt đăng ký chuyển đổi.
“Lúa Séng Cù gieo cấy trên những thửa ruộng bậc thang màu mỡ, nguồn nước trong mát, khí hậu ôn hòa nên cho ra những hạt giạo trắng dẻo thơm chẳng nơi nào có. Bây giờ, vào mùa thu hoạch, lúa gặt xong chưa kịp chở về nhà đã có thương lái ra tận ruộng đặt mua”, chị Phẩy kể.
Không chỉ có cây lúa Séng Cù, giờ đây ở Ky Quan San còn mở rộng diện tích trồng chè hàng hóa. Trước đây, Ky Quan San từng là vùng chè nức tiếng song do giá cả bấp bênh, người dân không tập trung chăm sóc nên cây chè xác xơ, lụi dần.
Những năm gần đây, cây chè đang dần lấy lại vị thế, nhờ các nhà máy chế biến được xây dựng. Mục tiêu khôi phục cây chè được đưa vào nghị quyết của Chi bộ, các đảng viên đi trước vận động ngay trong anh em, họ hàng, người thân chăm sóc diện tích chè trước đây đã trồng. Bây giờ thì chẳng còn khoảnh đồi nào trống nữa, bởi đất trống chỗ nào bà con trồng chè chỗ đó…
Theo Bí thư Chảo Mùi Phẩy, để người dân nghe và làm theo, thì cán bộ, đảng viên trong thôn phải luôn đi đầu trong mọi phong trào. Được biết, gia đình chị Mẩy là một trong những hộ thực hiện các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng rất hiệu quả. Mới đây, xã Mường Hum bắt đầu triển khai mô hình nuôi ngựa, gia đình chị là một trong những hộ thực hiện đầu tiên. Tính ra, mỗi năm từ trồng lúa đặc sản, chè hàng hóa, chăn nuôi tổng hợp gia đình chị cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
“Trước đây, tôi cũng học qua lớp thú y nên trong thôn bà con ai có gia súc bị ốm, gọi là tôi đến ngay, bất kể ngày hay đêm. Bà con đã đồng thuận chuyển đổi cây trồng vật nuôi, thì không lý gì mình lại quản ngại khó khăn khi bà con cần. Kinh tế người dân khá lên thì thôn khá lên và Chi bộ cũng sẽ hoàn thành được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội”, chị Phẩy chia sẻ.
Điều trăn trở của chị Phẩy, cũng như của cấp ủy đảng, chính quyền xã Mường Hum hiện nay đó là, dù đã có nhiều đổi thay trong tư duy, sản xuất của bà con, nhưng hiện tỷ lệ hộ nghèo trong thôn vẫn còn cao. Cụ thể, cả thôn có 103 hộ, thì vẫn còn tới 60 hộ nghèo; Ky Quan San hiện vẫn là thôn ĐBKK, một bộ phận người dân vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước…
Điều này đòi hỏi, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập. Trong đó, vai trò của những người như Bí thư Chảo Mùi Phẩy là rất quan trọng.