Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Người có uy tín với chuyển đổi số

Lê Hải Yến - 18:05, 06/05/2024

Những năm qua, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm, hỗ trợ để Người có uy tín tiếp cận công nghệ và chuyển đổi số. Từ đó, nâng cao khả năng khai thác các ứng dụng công nghệ vào thực tiễn cuộc sống, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động.

Viettel Yên Bái phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ gói cước viễn thông cho Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Yên Bái
Viettel Yên Bái phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ gói cước viễn thông cho Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Từ chiếc điện thoại thông minh

Ở thị xã Nghĩa Lộ, ông Điêu Văn Khang, dân tộc Thái, ở bản Sà Rèn được biết đến là Người có uy tín tiêu biểu trong tuyên truyền, vận động đồng bào phát triển du lịch cộng đồng. Đặc biệt, nhờ ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin (CNTT), ông và gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch hiệu quả, tạo tương tác tốt với khách du lịch.

Ông Khang bày tỏ, trước kia ông đã dùng điện thoại thông minh nhưng việc sử dụng các tính năng chưa thành thạo. Năm 2022, khi được Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái hỗ trợ chiếc điện thoại thông minh mới, có nhiều tính năng, tiện ích hơn, ông có thể truy cập các trang web, tải ứng dụng Zalo và các trang mạng xã hội khác, nhờ đó đã giúp ông tiếp cận được nhiều hơn các thông tin bổ ích.

Cụ thể, ông có thể truy cập vào nhóm Zalo Người có uy tín do Ban Dân tộc tỉnh lập, từ đó ông nắm được chính xác mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là các chương trình, chính sách dân tộc, mới đây là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719); có khả năng nhận biết các thông tin xấu, độc trên không gian mạng, các hủ tục tập quán lạc hậu… Từ đó, ông có thêm kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS.

Đặc biệt, nhờ có chiếc điện thoại thông minh, ông có thể quay video, chụp ảnh về Homstay của gia đình, phong cảnh làng quê để tương tác với khách du lịch. Nhờ đó, đã giúp lượng khách du lịch đến với Homstay của gia đình ông nói riêng, cho bản Sà Rèn, thị xã Nghĩa Lộ nói chung ngày một đông hơn.

Năm 2023, tỉnh đã cấp 666 điện thoại thông minh và hỗ trợ cài đặt sim cho Người có uy tín trên địa bàn tỉnh (trong đó, 568 chiếc từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, 98 chiếc do Tập đoàn Vingroup tài trợ) phục vụ việc cập nhật các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...”

Tương tự, đối với Người có uy tín Bàn Hữu An, dân tộc Dao, thôn Khe Qué, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, điện thoại thông minh giúp ông gần gũi hơn với người dân. Ông An chia sẻ, năm 2023, ông là một trong 5 Người có uy tín tại xã Viễn Sơn được cấp điện thoại thông minh, ông có thể cài đặt được 1 số ứng dụng với nhiều tính năng, tiện ích như ứng dụng VNeID, VssID, ứng dụng ngân hàng… nhờ đó, việc tiếp nhận, trao đổi thông tin được thuận lợi hơn.

Hiện, tổ cộng đồng thôn Khe Qué cũng đã thành lập nhóm Zalo, khi người dân có tâm tư, nguyên vọng hoặc chưa hiểu về các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước, ông An sẽ giải thích luôn cho người dân hiểu ngay trên nhóm. Hiện nay, ông An đang tham gia vào nhóm Zalo Người có uy tín của huyện Văn Yên và của Ban Dân tộc tỉnh.

“Đây là nguồn thông tin chính xác nhất để tôi nắm được tình hình trên địa bàn, các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó, tôi có thể trao đổi mọi tâm tư nguyện vọng của người dân đến các cấp có thẩm quyền một cách dễ dàng hơn”, ông An chia sẻ.

Góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại địa phương

Ông Phương Quốc Khải, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Văn Yên cho biết, huyện Văn Yên có 121 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Năm 2023 và năm 2024, thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện Văn Yên có 73 Người có uy tín được trao tặng điện thoại thông minh, Phòng Dân tộc huyện đã tạo nhóm Zalo Người có uy tín huyện Văn Yên. Từ khi có điện thoại thông minh, thông tin kết nối hai chiều giữa cơ quan quản lý với đội ngũ Người có uy tín được thuận tiện, nhanh chóng, kịp thời; góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại địa phương.

Nhờ được trang bị điện thoại thông minh, ông Bàn Hữu An đã có thể cài đặt các ứng dụng, tiện ích cần thiết, kịp thời giải đáp những thắc mắc của Nhân dân về chế độ chính sách
Nhờ được trang bị điện thoại thông minh, ông Bàn Hữu An đã có thể cài đặt các ứng dụng, tiện ích cần thiết, kịp thời giải đáp những thắc mắc của Nhân dân về chế độ chính sách

Theo ông Vàng A Rùa, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái: Năm 2023, tỉnh đã cấp 666 điện thoại thông minh và hỗ trợ cài đặt sim cho Người có uy tín trên địa bàn tỉnh (trong đó, 568 chiếc từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, 98 chiếc do Tập đoàn Vingroup tài trợ) phục vụ việc cập nhật các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

Từ khi được trang bị điện thoại thông minh, số lượng thành viên tham gia nhóm Zalo của Ban Dân tộc đã tăng lên 600 người. Qua kênh Zalo, Ban Dân tộc thường xuyên thông tin tới Người có uy tín các văn bản trong thực hiện các chương trình, nội dung liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, giúp Người có uy tín dễ dàng nắm bắt thông tin. Đồng thời, tạo điều kiện để Người có uy tín trên địa bàn tỉnh được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau…

Ông Vàng A Rùa cho biết, Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái hiện đang xây dựng kế hoạch tiếp tục cung cấp điện thoại thông minh cho Người có uy tín, tổ chức hội nghị cung cấp thông tin, tập huấn cho Người có uy tín về cách sử dụng điện thoại thông minh, hướng dẫn cài đặt, sử dụng một số ứng dụng cần thiết. Từ đó, giúp Người có uy tín thêm kỹ năng cần thiết trong ứng dụng CNTT, phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tại cơ sở.

Bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái, đã giúp Người có uy tín nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng CNTT hỗ trợ phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây là cách làm hay, sáng tạo, là điểm sáng trong việc phát huy vai trò của Người có uy tín trong cộng đồng cần được nhân rộng.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.