Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Trò chuyện với những “cây đại thụ” của buôn làng

T.Nhân - 06:23, 14/04/2024

Thời gian qua, những Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Khánh Hoà đã tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tránh xa tệ nạn… Họ được ví như những “cây đại thụ” của buôn làng. Có dịp trò chuyện với họ, chúng tôi cảm nhận được sự tận tâm, cống hiến hết sức mình cho sự bình yên, phát triển của cộng đồng.

Tuổi đã ngoài 70 nhưng hàng ngày ông Cao Xà Ngân vẫn chăm chỉ làm việc
Tuổi đã ngoài 70 nhưng hàng ngày ông Cao Xà Ngân vẫn chăm chỉ làm việc

Về thôn Đá Mài, xã Diên Tân, huyện Diên Khánh hỏi thăm về ông Cao Xà Ngân - đảng viên, Người có uy tín của thôn thì ai cũng biết. Bởi ông là một tấm gương kinh tế giỏi và giúp đỡ người dân cùng phát triển. Năm nay, già Ngân đã ngoài 70 tuổi nhưng nhìn ông vẫn còn rất quắc thước, minh mẫn.

Già Ngân kể: Năm 1982, già cùng 40 hộ đồng bào dân tộc Raglai du canh, du cư từ xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh đến xã Diên Tân và ở rải rác theo chân núi Hòn Dọt. Già cùng với các hộ dân phát rẫy trồng bắp, vào rừng hái lượm, săn bắt sinh sống qua ngày. Năm 1989, UBND xã Diên Tân vận động các hộ về định canh, định cư tại xóm 6 thôn Đá Mài. Từ đó, các hộ dân được quan tâm, tạo điều kiện cấp đất làm lúa nước, trồng cây ngắn ngày, như: Bắp, đậu, chuối… Nhận thức được “có làm thì mới có ăn” nên vừa canh tác trên diện tích đất được cấp, già vừa khai hoang thêm và dồn toàn bộ số tiền tiết kiệm mua 5.000m2 đất trồng mía. Có đất, già vay các nguồn vốn đầu tư sản xuất. Sau một thời gian, đất trồng mía, trồng keo của già tăng lên 3ha, rồi 10ha. Giờ gia đình già đã có của ăn, của để.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, già Ngân còn mong muốn người dân trong thôn có cái ăn, cái mặc như mình nên già không ngại khó, ngại khổ tới từng nhà hướng dẫn cách làm đất, trồng lúa nước, chuối, keo và nuôi thêm gia súc, gia cầm… cải thiện cuộc sống. Đồng thời, vận động các hộ dân tham gia những buổi tập huấn do địa phương tổ chức để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật làm nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao thu nhập. Nhờ vậy, gần 1/3 số hộ dân thôn Đá Mài thoát nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.

Ông Y Cho, ở thôn Buôn Đung, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa cũng là một trong những người uy tín được người dân kính trọng. Bởi ông có nhiều đóng góp trong việc tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và vận động người dân xoá bỏ các hủ tục lạc hậu. 

Theo lời ông Y Ty - một người dân trong thôn, ngày trước, ở thôn nhiều cặp nam, nữ mới 14, 15 tuổi đã lấy nhau, thách cưới rất nhiều, khi về sống chung không hòa hợp, muốn bỏ nhau phải đền bù bằng mấy con trâu; nhà có người qua đời thì tổ chức giết heo, bò ăn uống linh đình mấy ngày; có người ốm lại mời thầy về cúng đuổi tà, không chịu đi gặp bác sĩ…, nhờ ông Y Cho tuyên truyền nên tình trạng tảo hôn, thách cưới ở thôn đã giảm hẳn.

Ông Y Cho (giữa) là một trong những hạt nhân đi đầu trong việc tuyên truyền phòng chống tảo hôn và bài trừ các hủ tục lạc hậu tại địa phương
Ông Y Cho (giữa) là một trong những hạt nhân đi đầu trong việc tuyên truyền phòng chống tảo hôn và bài trừ các hủ tục lạc hậu tại địa phương

Trò chuyện với chúng tôi, ông Y Cho cho biết, trước kia, các hủ tục ăn sâu, bén rễ trong mỗi người dân khiến cái đói, cái nghèo cứ đeo bám. Từng làm cán bộ xã, ông hiểu được luật pháp nên đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể địa phương tuyên truyền tại các cuộc họp thôn, xóm, tới từng nhà vận động, phân tích cho người dân hiểu. “Mưa dầm thấm lâu”, giờ người dân đã xóa bỏ các phong tục lạc hậu, nạn tảo hôn đã hầu như không còn, có bệnh đau thì đến Trạm Y tế khám chữa.

Tại thôn Suối Sâu, xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hoà, ông Cao Truyền được người dân kính trọng vì ông còn là người “giữ lửa” các hoạt động của thôn làng; tích cực phối hợp với chính quyền địa phương giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn dân cư; giải quyết kịp thời những mâu thuẫn phát sinh tranh chấp đất đai, sở hữu tài sản tặng cho và các mâu thuẫn khác phát sinh trong đời sống hàng ngày; tuyên truyền người dân đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, không nghe theo những luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu; tố giác các loại tội phạm trên địa bàn, góp phần giữ bình yên ở địa phương.  Ở địa phương, ông còn là người gương mẫu, chăm chỉ làm ăn, tạo nên những ruộng vườn bao la, xanh mướt.

Ông Cao Truyền chia sẻ, từ nhỏ, ông theo gia đình làm nương, rẫy trải qua đói khổ khi sống du canh, du cư. Vì thế, ông luôn có ý thức phải nỗ lực làm việc mới thoát nghèo. Năm 1994, sau khi lập gia đình, mình và vợ khai hoang đất trồng mía, mì và lúa nước. Lúa thu hoạch được, vợ chồng ông để dành ăn; tiền bán mía, mì mua thêm đất mở rộng diện tích. Từ 0,5ha đất ban đầu, đến nay, vợ chồng ông đã có 9 ha để trồng mía, lúa nước, mì, keo.

“Giờ mình đã có của ăn, của để thì phải giúp bà con cùng đi lên. Nghĩ là làm, mình vận động người dân vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, giúp nâng cao thu nhập và nhiều người trong thôn đã thoát nghèo”, ông Truyền cho biết.

Ông Mấu Hồng Thái là người có tâm huyết trong việc giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống
Ông Mấu Hồng Thái là người tâm huyết trong việc giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống

Là già làng người Raglai đã hơn 80 tuổi sống ở huyện miền núi Khánh Sơn, ông Mấu Hồng Thái rất tâm huyết với văn hoá truyền thống và vận động bà con giữ gìn vốn quý của cha ông. Ông bảo, xưa kia đàn Chapi là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Raglai. Hầu như nhà nào cũng có đàn Chapi, chơi đàn Chapi. Nhớ những đêm trăng thanh vắng, tiếng đàn cứ vang lên thánh thót khắp núi rừng. Con trai con gái túm năm tụm ba hay từng đôi, ngồi trên thềm nhà, trong vườn, thậm chí ngay ngoài đường chơi đàn và thưởng thức tiếng đàn.

“Nhưng bây giờ tiếng Chapi ở nhiều buôn làng cứ thưa dần. Bọn trẻ hiện chỉ thích nhạc xập xình thôi. Để góp phần gìn giữ và phát huy văn hoá truyền thống, già đã mở lớp dạy chế tác đàn miễn phí tại nhà cho con cháu trong làng. May sao, cũng có một số trẻ đam mê nhạc cụ truyền thống theo học. Có người học là còn có thế hệ sau nối tiếp giữ đàn Chapi”, nghệ nhân Mấu Hồng Thái cho hay

Hiện nay, tại các huyện miền núi còn có nhiều Người có uy tín trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc ở địa phương. Họ có điểm chung là gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình “nói đi đôi với làm” và luôn được người dân tin tưởng. Trò chuyện với họ, chúng tôi cảm nhận tất cả họ đều có chung sự nhiệt huyết, cống hiến cho sự phát triển của quê hương.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.