Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Người có uy tín ở Phước Sơn (Quảng Nam) phát huy vai trò trên mọi mặt đời sống

T.Nhân-H.Trường - 2 giờ trước

Phước Sơn là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, với đa phần là đồng bào Gié – Triêng sinh sống. Để bản, làng của đồng bào ngày càng khởi sắc, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân, lực lượng Người có uy tín cũng có những đóng góp thiết thực, hiệu quả. Các vị luôn tiên phong trong nhiều lĩnh vực, tích cực tuyên truyền, vận động mọi người cùng chung tay xây dựng quê hương, phát triển kinh tế, tránh xa những hủ tục lạc hậu.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Người có uy tín ở Phước Sơn góp phần đẩy lùi các hủ tục.
Ông Nguyễn Văn Dũng – Người có uy tín ở Phước Sơn góp phần đẩy lùi các hủ tục.

Người góp phần đẩy lùi các hủ tục

Là một trong những Người có uy tín ở Phước Sơn, ông Nguyễn Văn Dũng, 67 tuổi, ở thôn 4, xã Phước Đức được xem là một trong những hạt nhân nòng cốt trong việc tuyên truyền người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó nổi bật là việc vận động đồng bào Gié Triêng hưởng ứng thực hiện các chương trình MTQG và đẩy lùi các tập tục lạc hậu không còn phù hợp.

Hơn 10 năm là trưởng thôn 4, ông Dũng không ngại đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền đến người dân những chính sách, chủ trương. Cùng với đó, tại các cuộc họp thôn, ông cũng chia sẻ với người dân về những mô hình hay trong sản xuất, qua đó động viên người dân nổ lực làm ăn, không nên trông chờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Ông nói, ở đây đa phần là đồng bào DTTS, nên trước đây, người dân có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ, không muốn làm ăn phát triển kinh tế cho bản thân. Ông cùng cán bộ thôn, xã đã nhiều lần đến vận động, chia sẻ, chỉ cho người dân cách làm, cách trồng cây và vật nuôi để thoát nghèo.

“Mưa dầm thấm lâu, từ sự vận động, người dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đã biết đầu tư nuôi con heo, con bò, con trâu và trồng một số cây ăn quả để cải thiện thu nhập. Một hộ làm được, hai hộ làm, nhiều người khác nhìn thấy và làm theo, cứ như thế đời sống nhiều người được cải thiện. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chúng tôi tiếp tục vận động bà con nên thay thế cây keo bằng cây ngắn ngày có hiệu quả hơn”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, trước đây, dân làng còn mê tín, còn tồn tại các hủ tục trong chuyện ma chay, sinh con, hay kiêng cử lạc hậu. Như trong chuyện ma chay, trước đây, người dân đục cây làm hòm rồi đóng đinh vào. Đến lúc chôn cất thì lấp đất sơ sài rồi chạy về vì sợ con ma rừng dí theo. Hay một cặp vợ chồng nào có người sinh đôi thì chỉ giữ một người, đồng thời gia đình này phải cúng heo mời cả dân làng…Qua thời gian tuyên truyền vận động, đến nay những hủ tục này đã dần bị loại trừ.

Ông Dũng nói rằng tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó phải nói cho người dân hiểu để họ dần thay đổi nhận thức. “Nhiều người trẻ ở làng đi học dưới các thành phố, huyện thị, họ thấy được cách làm ở dưới xuôi rất hay; nên khi mình tuyên truyền thì họ thấy đúng và nghe theo. Mọi người cùng nhau góp ý kiến, từ đó những hủ tục từ đó dần được bãi bỏ”, ông Dũng nói thêm.

Phước Sơn được biết đến với nhiều bãi vàng, trong những năm trước đây, nhiều người từ khắp nơi đến để đào, đãi vàng và có nguy cơ xẩy ra các tệ nạn, nhất là cờ bạc và ma túy. Với vai trò, trách nhiệm của mình, trong những năm qua, ông Dũng cùng những Người có uy tín ở địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, vận động, đến nay, tại thôn 4 không còn xảy ra tệ các tệ nạn trên.

 Người có uy tín ở Phước Sơn tiên phong trong phát triển kinh tế, xứng đáng là điểm tựa của buôn, làng.
Người có uy tín ở Phước Sơn tiên phong trong phát triển kinh tế, xứng đáng là điểm tựa của buôn, làng.

Để bản, làng ngày một khởi sắc

Phước Sơn tổng cộng có 54 Người có uy tín, trong thời gian qua, họ đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, góp phần làm cho các bản, làng vùng DTTS của huyện ngày càng phát triển. Đơn cử như ở xã Phước Mỹ, ông Hồ Văn Ly (70 tuổi) được xem là “cây cao bóng cả” của cộng đồng người Gié Triêng ở thôn Công Ta Năng. Nhờ sự khéo léo trong giao tiếp, ứng xử, các phong trào hoạt động do già Ly phát động, như làm đường bê tông nội thôn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc... đều được bà con trong thôn đồng thuận, tích cực hưởng ứng.

Trăn trở trước thực trạng đời sống người dân trong xã còn gặp nhiều khó khăn, sau khi tìm hiểu kỹ từ những chuyến đi học tập kinh nghiệm làm kinh tế, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, ông Ly cùng lực lượng Người có uy tín ở địa phương đã tuyên truyền cho người dân chuyển đổi mô hình sản xuất, một số hộ dân đã áp dụng đạt hiệu quả khả quan.

Hay ông Hồ Văn Lắm, Người có uy tín ở thôn 2, xã Phước Mỹ cũng là một trong gương điển hình về phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS Phước Sơn. Từ một gia đình khó khăn, chật vật với kinh tế, anh Lắm đã mạnh dạn vay vốn làm ăn, phát nương rẫy, để sản xuất. Đến nay, gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm từ hàng chục hecta keo và đàn trâu, bò lên đến 20 con. Ngoài ra, anh còn mở cơ sở xay xát gạo để có thêm thu nhập, nhờ đó các con được ăn học đầy đủ, gia đình bước sang trang mới.

Theo anh Lắm, Phước Mỹ có diện tích đất rẫy khá trù phú, nếu bà con biết trồng cây, chăn nuôi hợp lý thì sẽ sớm thoát được cái nghèo. “Trước đây bà con thường hay trông chờ ỷ lại sự trợ cấp của Nhà nước, ít người nỗ lực vươn lên. Từ sự vào cuộc tuyên truyền của chính quyền, thôn, lực lượng Người có uy tín, trong những năm gần đây,  người dân dần thay đổi cách nghĩ, bắt đầu nổ lực làm giàu” anh Lắm chia sẻ.

Mặc dù đã 81 tuổi nhưng ông Trần Định Sách (thị trấn Khâm Đức) vẫn luôn nhiệt huyết với với cộng đồng thông qua công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và Nhà nước. Mới đây, khi Nhà nước có chủ trương đầu tư đường liên thôn, ông đã tự nguyện hiến hơn 160m2 đất, và vận động người dân hiến đất, ngày công để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Không những thế, ông Sách cũng là một trong những Người có uy tín ở địa phương, đóng góp vai trò quan trọng về việc tuyên truyền nhằm xóa bỏ các tập tục lạc hậu, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. “Trước đây ở địa phương có xảy ra một số trường hợp như người dân bị đau ốm thay vì đưa tới bệnh viện, thì người dân tổ chức cúng bái. Hay có trường hợp, người nhà của người bệnh còn đâm trâu để cúng. Chúng tôi kiên trì vận động, để người dân nâng cao nhận thức, không còn tin vào những chuyện viễn vông như thế nữa”, già Sách chia sẻ.

 Bản làng đồng bào DTTS ở Phước Sơn ngày càng khởi sắc, một phần từ sự đóng góp của lực lượng Người có uy tín ở địa phương.
Đời sống kinh tế của đồng bào DTTS ở Phước Sơn ngày càng khởi sắc, một phần từ sự đóng góp của lực lượng Người có uy tín ở địa phương.

Ông A Lăng Ngọc, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Phước Sơn, cho biết: Người có uy tín ở địa phương đã thể hiện được vai trò là chỗ dựa tinh thần vững chắc, để người dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng tới các cấp. Họ còn là nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền vận động người dân xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu; góp phần quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng tại địa phương.

“Việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách sẽ kịp thời động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho Người có uy tín phát huy vai trò, tiếng nói của mình, có nhiều đóng góp thiết thực hơn trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần củng cố niềm tin, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian tới”, ông Ngọc cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Văn Quan (Lạng Sơn): Phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Văn Quan (Lạng Sơn): Phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Trong những năm qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Văn Quan (Lạng Sơn) đã phát huy tốt vai trò của mình, qua đó góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 10 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, cũng như trực tiếp góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung trên địa bàn huyện.