Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Ngọc Hồi (Kon Tum): Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch

Ngọc Chí - 15:57, 01/11/2024

Ngọc Hồi (Kon Tum) là huyện biên giới, toàn huyện có 8 xã, thị trấn; với 17 dân tộc sinh sống, trong đó có các dân tộc tại chỗ là Brâu, Xơ Đăng, Gié Triêng. Những năm qua, với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện đã được gìn giữ và phát huy.

Huyện Ngọc Hồi có một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất đa dạng, phong phú, độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của các DTTS
Huyện Ngọc Hồi có một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất đa dạng, phong phú, độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của các DTTS

Vùng đất giàu bản sắc văn hóa

Với nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống nên huyện Ngọc Hồi có một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất đa dạng, phong phú, độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của các DTTS, thể hiện ở các loại hình, như: Lễ hội, cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, ẩm thực, trang phục, đan lát...

Bà Y Lan, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa luôn được Đảng ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Trong đó, huyện đã ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch mang tính chiến lược, lâu dài, như: Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng truyền thống các dân tộc thiểu số huyện Ngọc Hồi, giai đoạn 2020 – 2025”; Kế hoạch “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2021 - 2025”… Trên cơ sở đó, các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả.

Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, huyện Ngọc Hồi đã hỗ trợ thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong 1 bộ cồng chiêng và mở 1 lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang
Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, huyện Ngọc Hồi đã hỗ trợ thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong 1 bộ cồng chiêng và mở 1 lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang

Riêng triển khai thực hiện Dự án 6, Chương trình MTQG 1719, UBND huyện Ngọc Hồi đã chỉ đạo, giao Phòng Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước bảo đảm đồng bộ. 

Từ năm 2022 đến nay, huyện đã hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại 8 thôn vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ tổ chức thi đấu các môn thể thao truyền thống các DTTS trên địa bàn huyện; xây dựng mô hình văn hóa truyền thống tại thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong…

Ông A Luông (dân tộc Xơ Đăng), già làng thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Do tác động của nhiều yếu tố nên một thời gian dài các giá trị văn hóa truyền thống của người Xơ Đăng nơi đây bị mai một. Năm 2023, triển khai Dự án 6, Chương trình MTQG 1719, huyện có hỗ trợ cho thôn 1 bộ cồng chiêng và mở 1 lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang. Với sự hỗ trợ đó, thôn đã thành lập được 01 đội cồng chiêng, múa xoang. Nhưng vui hơn hết,  là bà con trong thôn đã nâng cao nhận thức, biết giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống và động viên con em mình tích cực tham gia tập đánh cồng chiêng và múa xoang.

Ông A Chốt (bên trái), thôn Đăk Vang, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi đang nỗ lực gìn giữ và truyền dạy nghề đan lát truyền thống cho thế hệ trẻ
Ông A Chốt (bên trái), thôn Đăk Vang, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi đang nỗ lực gìn giữ và truyền dạy nghề đan lát truyền thống cho thế hệ trẻ

Với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719, công tác bảo tồn văn hóa trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 33 nhà rông; bảo tồn lưu giữ được 65 bộ cồng chiêng; tổ chức phục dựng lại 08 nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS; bảo tồn được các loại nhạc cụ, nghề truyền thống của đồng bào DTTS...

Ông A Chốt (dân tộc Xơ Đăng), thôn Đăk Vang, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi cho biết: Ngày xưa, thanh niên đến người già trong làng đều biết đan nia, rổ, rá, mẹt. Ngày nay thì ít dần, tôi cũng cố gắng giữ nghề truyền thống này và dạy lại cho con mình, các cháu trong làng. Tôi cũng mong muốn thế hệ trẻ biết yêu quý, giữ lại nghề truyền thống của dân tộc.

Ngoài các DTTS tại chỗ,  trên địa bàn huyện Ngọc Hồi còn có các DTTS ở vùng Tây Bắc cùng sinh sống, như dân tộc Tày, Mường, Thái… mỗi dân tộc đều có nét đẹp truyền thống riêng… góp phần tạo nên bản sắc văn hóa đa dạng và độc đáo ở huyện biên giới Ngọc Hồi.

Phát triển du lịch gắn với văn hóa truyền thống

Nằm ở phía Bắc tỉnh Kon Tum, tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Campuchia, nơi có ngã ba Đông Dương, Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, đường Hồ Chí Minh đi qua và nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Vì vậy, huyện Ngọc Hồi đã lựa chọn 02 làng, gồm: Làng Đăk Răng, xã Đắk Dục và làng Đăk Mế, xã Pờ Y xây dựng thành du lịch cộng đồng.

Làng Đăk Mế, xã Pờ Y hiện có hơn 170 hộ, gần 600 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Brâu sinh sống. Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, các giá trị văn hóa truyền thống của người Brâu đã được gìn giữ và phát huy. 

Hiện người Brâu còn lưu giữ được nhiều bộ chiêng Tha, nghề dệt thổ cẩm, rượu cần men lá và mới đây nhất là, được tỉnh quan tâm đầu tư sửa chữa lại nhà rông văn hóa truyền thống của làng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để người Brâu phát triển du lịch cộng đồng.

Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, người Brâu ở làng Đăk Mế, xã Pờ Y bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống
Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, người Brâu ở làng Đăk Mế, xã Pờ Y bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống

Ông Thao La (dân tộc Brâu), làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi cho biết: Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư toàn diện cho người Brâu về đời sống vật chất và tinh thần. Riêng về văn hóa thì đã được đầu tư làm nhà rông, nghề dệt thổ cẩm, phục dựng lại các lễ hội truyền thống. Hiện làng đã thành lập được đội cồng chiêng, múa xoang. Mỗi khi có khách du lịch đến, thì bà con sẽ tham gia trình diễn, mong muốn lớn nhất là để du khách biết đến những giá trị văn hóa độc đáo của người Brâu chúng tôi.

Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện và sự nỗ lực của đồng bào Gié Triêng trong quá trình gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, năm 2024, làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi đã được UBND tỉnh Kon Tum ra Quyết định công nhận là Làng du lịch cộng đồng.

Ông A Quá (dân tộc Gié Triêng), làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Làng có 110 hộ, 348 nhân khẩu, trong đó 99% dân số là người Gié Triêng sinh sống từ lâu đời. Hiện làng còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, như: Cồng chiêng, múa xoang; làm rượu cần; dệt thổ cẩm; chế tác các loại nhạc cụ; đan lát, dụng cụ phục vụ sản xuất, sinh hoạt gia đình… 

Chúng tôi vẫn luôn nỗ lực gìn giữ lại nguyên bản những giá trị văn hóa đặc sắc của người Gié Triêng, bởi đó không chỉ giúp thế hệ trẻ tự hào về văn hóa dân tộc, mà còn giới thiệu đến với du khách gần xa.

Làng Đăk Răng được UBND tỉnh Kon Tum công nhận là Làng du lịch cộng đồng, đây là điều kiện thuận để đồng bào Gié Triêng nơi đây quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống đến du khách
Làng Đăk Răng được UBND tỉnh Kon Tum công nhận là Làng du lịch cộng đồng, đây là điều kiện thuận lợi để đồng bào Gié Triêng nơi đây quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống đến du khách

Ông Bloong Hâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi cho biết: Việc công nhận Làng du lịch cộng đồng Đắk Răng, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch, dịch vụ, hình thành điểm tham quan du lịch đáp ứng các yêu cầu phục vụ khách tham quan; thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Với những giải pháp cụ thể và nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719, tin rằng huyện Ngọc Hồi sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống hiện có của đồng bào DTTS. Phấn đấu xây dựng huyện Ngọc Hồi trở thành một địa chỉ du lịch đặc sắc thu hút du khách thập phương.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.