So với cùng kỳ năm 2023, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm 4 vụ (10%). Số ca mắc tăng 1.432 người (tăng khoảng hơn 202%). Số ca tử vong giảm 5 người (45,5%). Số vụ ngộ độc thực phẩm có xu hướng giảm ở khu vực miền núi phía Bắc nhưng tăng ở khu vực Duyên hải miền Trung và khu vực Nam Bộ như Khánh Hoà, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Sóc Trăng... ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, người dân, sản xuất của doanh nghiệp...
Phân tích của Bộ Y tế cho thấy, ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn, gia đình, đám cưới, đám giỗ, liên hoan giảm cả về số vụ, số mắc nhưng có xu hướng gia tăng tại quán ăn, nhà hàng, khách sạn, nhất là nguồn thức ăn đường phố. Một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể đông người tại các công ty; bếp ăn trường học, căng tin, các cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh khu vực trường học.
Về nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chính do vi sinh vật và do độc tố tự nhiên. Nguyên nhân gây tử vong do ngộ độc thực phẩm, chủ yếu là do ngộ độc rượu và độc tố tự nhiên. Các sản phẩm thực phẩm ô nhiễm vi sinh vật chủ yếu là các sản phẩm thịt lợn qua chế biến, các món ăn có chứa thịt gà.
Theo Bộ Y tế, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tăng cường truyền thông, quan tâm đến vấn đề bảo đảm ATTP bữa ăn đông người trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là đối với các cơ sở cung cấp tiệc hiếu, hỷ lưu động. Ngoài ra, các địa phương cần huy động sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương từ xã tới thôn và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác bảo đảm ATTP…