Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Truy xuất nguồn gốc nguyên liệu để tránh ngộ độc thực phẩm

Minh Thu - 08:39, 31/05/2024

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, quy mô lớn tại nhiều địa phương. Để tăng cường hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành công văn đề nghị ngành chức năng tăng cường kiểm soát các nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc để tránh ngộ độc thực phẩm.

Cơ quan chuyên môn lấy các mẫu phẩm để kiểm nghiệm làm rõ nguyên nhân khiến 71 công nhân bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An
Cơ quan chuyên môn lấy các mẫu phẩm để kiểm nghiệm làm rõ nguyên nhân khiến 71 công nhân bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An

Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn

Từ đầu năm đến nay, tình trạng ngộ độc thực phẩm tập thể, ngộ độc quy mô đến hàng trăm người liên tiếp xảy ra tại một số địa phương. Điển hình, trưa ngày 28/5/2024, tại bếp ăn tập thể Công ty TNHH MLB Tenergy đứng chân trên địa bàn huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An tổ chức bữa ăn cho 1.416 người lao động. Bữa ăn chia làm 2 ca, ca 1 lúc hơn 11 giờ với 650 người ăn và ca 2 lúc gần 12 giờ với 766 người ăn. Các món ăn gồm: Cơm, cá bạc má rán, trứng gà luộc, mướp xào giá, canh bí đỏ nấu thịt và xoài (tráng miệng).

"Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm, trong đó do nguyên liệu thức ăn là chủ yếu. Ngộ độc thực phẩm có thể do để đồ ăn quá lâu dẫn đến ôi thiu và sinh ra chất độc, hay thực phẩm đã có sẵn chất độc".

Bác sỹ Phạm Thị Việt AnhPhó trưởng Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 198

Đến 13 giờ cùng ngày xuất hiện trường hợp đầu tiên có triệu chứng: đỏ mặt, tim đập nhanh, đau đầu, tăng huyết áp, buồn nôn. Từ đó đến 17 giờ cùng ngày có 71 trường hợp có triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn, đau đầu, một số trường hợp có nổi mẩn đỏ rải rác và được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn, Bệnh viện đa khoa huyện Yên Thành để cấp cứu và điều trị. Các bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc thức ăn, được điều trị bằng uống oresol, truyền dịch bù nước, điện giải và theo dõi.

Trước đó, tại Đồng Nai, hồi đầu tháng 5/2023, đã có 481 ca bệnh liên quan đến vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì Băng, phường Xuân Bình, TP. Long Khánh). 367 người phải đến các cơ sở y tế để khám và điều trị do nghi ngộ độc sau ăn cơm gà quán Trâm Anh (đường Bà Triệu, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa hồi tháng 3/2024.

Theo Bác sỹ Chuyên khoa I Phạm Thị Việt Anh, Phó trưởng Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 198, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm, trong đó do nguyên liệu thức ăn là chủ yếu. Ngộ độc thực phẩm có thể do để đồ ăn quá lâu dẫn đến ôi thiu và sinh ra chất độc, hay thực phẩm đã có sẵn chất độc.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác đó là nguyên liệu thức ăn bị nhiễm các chất hóa học, thực phẩm được nuôi trồng có nguồn nước, đất bị ô nhiễm nặng. Đồng thời cũng có thể xảy ra ngộ độc do bảo quản thức ăn không đúng quy định.

Bệnh nhân nhập viện điều trị nghi do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì cô Băng tại tỉnh Đồng Nai hồi đầu tháng 5
Bệnh nhân nhập viện điều trị nghi do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì cô Băng tại tỉnh Đồng Nai hồi đầu tháng 5

Tăng cường kiểm soát nguyên liệu thực phẩm

Kết quả điều tra ban đầu do Bộ Y tế công bố, nguyên nhân ngộ độc phần lớn liên quan đến các loại nguyên liệu thực phẩm như thịt gà, thịt lợn, thủy sản, rau, củ, quả từ các cơ sở sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Các nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm trên thuộc lĩnh vực phân công quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Vì vậy, để tăng cường hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc ngành Nông nghiệp tăng cường kiểm soát các nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Chủ động và phối hợp với các cơ quan thuộc ngành Y tế truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm khi có các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Ngành Nông nghiệp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật trong nước và nhập khẩu, xử lý nghiêm nếu có vi phạm quy định của pháp luật về An toàn thực phẩm.

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương cũng yêu cầu các cơ chức năng của ngành Nông nghiệp tăng cường thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật trong nước và nhập khẩu; hướng dẫn người tiêu dùng thực hiện lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn.

Theo TS. Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trung bình trong 5 năm gần đây mỗi năm ghi nhận khoảng 100 vụ ngộ độc, 23 trường hợp tử vong. 5 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm. Có những vụ ngộ độc số mắc quy mô lớn, hàng trăm người mắc và nhập viện. (Trong đó có 3 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, khu chế xuất làm 518 người mắc, tăng 457 trường hợp so với cùng kỳ 2023). Số vụ ngộ độc trong trường học và số mắc đều giảm so với cùng kỳ.