Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghề làm bánh đa nem ở làng cổ Thổ Hà

Hồng Nguyễn - 18:45, 19/09/2021

Thổ Hà là làng cổ trù phú ven sông Cầu còn giữ được khá nguyên vẹn những nét văn hóa đặc trưng của một làng Việt cổ với nghề truyền thống làm gốm, bánh đa nướng, bánh đa nem. Đặc biệt, bánh đa nem ở Thổ Hà đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí vươn ra cả thị trường thế giới.

Bánh đa nem Thổ Hà được phơi sớm để đón sương, tạo sự thơm ngon độc đáo
Bánh đa nem Thổ Hà được phơi sớm để đón sương, tạo sự thơm ngon độc đáo

Một ngày đầu Thu, vừa chớm đến đầu làng Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), chúng tôi đã thấy người dân tấp nập chuyển những mẻ bánh đa nem ra ngõ phơi kín các lối ra vào. Bánh được phơi khắp nơi từ sân đình, chùa, trên mái nhà, trên cây... Cả làng phảng phất một mùi thơm của bột, bếp nhà ai cũng đỏ lửa, khói ngun ngút. Nắng sớm hanh hao, tiếng bánh đa nổ giòn tanh tách như một thứ âm thanh ngọt ngào của cuộc sống đang thay đổi nhẹ nhàng. Nghe người dân bảo, bánh đa nem ở đây phải phơi buổi sớm để hong dưới làn sương mỏng manh mới thực sự đúng chất và tạo ra hương vị thơm ngon.

Bánh đa nem được phơi trên sân đình Thổ Hà
Bánh đa nem được phơi trên sân đình Thổ Hà

Ông Trịnh Đắc Hạ (70 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi của thôn giới thiệu: Dân làng thường nói vui với nhau rằng, người Thổ Hà chả mấy khi đi đâu xa, chỉ có bánh đa nem của họ là đi khắp mọi nơi trên toàn đất nước. Để có những mẻ bánh kịp phơi dưới ánh nắng sớm, suốt đêm qua, bà con đã phải thức trắng bên bếp lửa. Bánh đa nem của làng là “chiếc áo” quan trọng để tạo ra các loại nem cuốn, nem rán phổ biến mà người Việt vẫn thường làm trong bữa ăn hằng ngày, nhất là mỗi dịp lễ tết.

Làng nghề Thổ Hà trong buổi sớm mai
Làng nghề Thổ Hà trong buổi sớm mai

Ông Hạ giải thích, đất đai trồng lúa, trồng khoai không có nên xưa nay người Thổ Hà đã năng động tìm mọi cách để bảo đảm cuộc sống, trong đó có việc phát triển các nghề thủ công. Qua thời gian bươn chải khắp chốn, cùng quê, họ học hỏi và mang về làng đủ thứ nghề như làm mì gạo, bánh kẹo, nấu rượu, buôn bán nhỏ, làm gốm... Thế nhưng không hiểu sao cái nghề làm bánh đa nem lại có duyên với con người nơi đây đến thế. Trong số các nghề trên chỉ còn nghề làm bánh đa nem là hưng thịnh đến tận bây giờ. Ban đầu bánh làm ra bà con cung ứng trong làng, trong xã, rồi tiếng đồn vang xa, sản phẩm lá bánh đa nem của Thổ Hà theo chân thương lái đi khắp trong Nam, ngoài Bắc và cả xuất khẩu. Nhiều siêu thị lớn, sàn thương mại điện tử đã bày bán sản phẩm của làng.

Buổi sáng ở làng Thổ Hà
Buổi sáng ở làng Thổ Hà

Kinh nghiệm của người dân Thổ Hà cho thấy, bánh đa nem được làm bằng gạo với nhiều công đoạn như ngâm gạo, xay bột, tráng, phơi, cắt bánh… Gạo được ngâm từ tối hôm trước, đến sáng sớm hôm sau xay bột, tráng bánh và phơi, cắt. Quá trình phơi bánh quyết định không nhỏ đến chất lượng thành phẩm bởi nếu gặp trời mưa, bánh sẽ bị mốc. Nếu nắng to hoặc quá hanh khô, bánh lại dễ nứt vỡ. Sau khi tráng, bánh được trải lên phên tre để phơi. Những ngày nắng hanh, chỉ cần phơi 2 giờ là có thể thu phên. Hôm trời mát hay thời tiết có mưa thì phải làm khô bánh bằng máy sấy. Sau đó, những thợ làm bánh sẽ mang bánh hong dưới quạt gió để tạo độ mềm, dai. Khi bánh đã đủ khô, người dân bóc từng lá ra khỏi phên để cắt.

Người dân Thổ Hà phơi bánh đa nem
Người dân Thổ Hà phơi bánh đa nem

Ưu điểm của bánh đa nem Thổ Hà là chiếc bánh không quá dày hay quá mỏng, mềm dẻo rất dễ cuốn, khi ngâm vào nước vẫn dai chứ không bị bở nát như một số loại bánh đa nem khác. Cùng đó người dân không dùng chất phụ gia nên sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trưởng thôn Thổ Hà, Cáp Trọng Việt đưa chúng tôi đi bộ một vòng quanh làng, dừng chân bên gốc đa già, ông kể: “Chẳng ở đâu giống làng tôi, vùng nông thôn mà người dân không có nổi một vuông đất làm nông nghiệp”.

Ruộng không có, người dân Thổ Hà đành xoay sở đủ nghề kiếm sống. Xưa thì có nghề gốm rất hưng thịnh. Nay nghề cổ truyền đã mất, bà con lại phải chuyển sang làm bánh đa nem, bánh đa nướng, mỳ gạo...Cả làng Thổ Hà có hơn 600 hộ làm bánh đa nem.

Bánh đa nem được phơi ngay trên đỉnh những con ngõ nhỏ
Bánh đa nem được phơi trên những con ngõ nhỏ

Sản phẩm bánh đa nem ngoài tiêu thụ trong nước, nhiều chủ đại lý đã đến ký hợp đồng để xuất khẩu sang các nước Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu. Vào những dịp gần tết, bánh đa nem của Thổ Hà làm ra không đủ đáp ứng cho nhu cầu của thị trường. Thời gian bánh bán chạy nhất bắt đầu từ tháng 9 năm nay cho đến hết tháng 2 năm sau. Trung bình mỗi ngày, một hộ sản xuất khoảng 250-300 kg gạo, mang lại thu nhập trung bình khoảng 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Đây là nguồn thu nhập chính cho các hộ gia đình ở Thổ Hà.

Bánh đa nem Thổ Hồ tuy mộc mạc, giản dị nhưng lại chứa đựng bao tình cảm, tâm sức của bà con và trở thành thức quà quê đáng quý của vùng quê bên bờ Bắc sông Cầu. Những người con xa quê và khách du lịch phương xa mỗi khi có dịp về làng đều chọn món quà quê nức tiếng này để sử dụng và biếu tặng người thân. Thổ Hà tự hào rằng sản phẩm của làng trở thành một nguyên liệu không thể thiếu với những người đầu bếp sành sỏi cho đến các bà nội trợ đảm đang.

Nghề làm bánh đa nem nổi tiếng ở làng cổ Thổ Hà 6
Món nem rán truyền thống của người Việt được cuốn bởi bánh đa nem Thổ Hà.
Món nem rán truyền thống của người Việt được cuốn bởi bánh đa nem Thổ Hà.
Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.