Điểm làm nên sự khác biệt của bánh tráng Mỹ Lồng, khiến ai thưởng thức một lần, cũng phải nhớ tới sự béo ngậy, đậm đà trong từng miếng bánh giòn tan ấy chính là hương vị dừa Bến Tre. Trước đây, muốn lấy nước cốt dừa, người dân phải bào nhỏ dừa rồi vắt lấy nước cốt, nhưng hiện nay, nhờ máy ép dừa mà công đoạn cũng bớt gian nan đi rất nhiều. Nước cốt dừa sau khi ép, phải cho vào nồi đun sôi, để lửa liu riu cho thật sệt, sau đó trộn cùng gạo rồi cho vào máy xay bột. Nhà nào kỳ công thì xay bằng cối đá truyền thống; không thì cho vào máy xay hiện đại để nước cốt dừa ngấm đều cũng với bột nước, cứ 10kg gạo thì cho 14 - 16kg dừa. Tùy theo là bánh tráng ngọt hay mặn mà người thợ cho đường hoặc cho muối vào, ngoài ra còn có thể cho thêm các vị trái cây vào như sầu riêng, xoài, dưa gang…
Công đoạn tráng bánh là công đoạn khó nhất, bột nước sẽ được múc từng vá và đổ đều lên mặt vải căng trên nồi nước để bánh chín bằng hơi. Khi bánh chuyển từ màu trắng đục sang trong vắt thì dùng ống tre nhấc ra, rồi trải đều sang phên dừa, đem phơi nắng. Công đoạn phơi nắng cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, không phải loại nắng nào cũng phơi, nếu nắng nhỏ thì bánh không khô, nắng gắt quá thì bánh sẽ bị vỡ.
Xã Mỹ Thạnh hiện có trên 140 lò bánh tráng cung cấp sản phẩm tới các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào, Campuchia… Đặc sản bánh tráng Mỹ Lồng đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Bến Tre.