Nghề... mẹ truyền con nối
Nghệ nhân tráng bánh Phạm Thị Đương ở khu phố Lộc Du (thị trấn Trảng Bàng) cho biết, gia đình bà đã 4 đời theo nghề, nhưng theo bà, nghề này thu nhập không cao. Công đoạn tráng bánh công phu, thủ công hoàn toàn nên khá mất thời gian nhưng tiền thu về từ việc bán bánh mỗi ngày chỉ hơn một trăm ngàn đồng. Bên cạnh đó do sản xuất quy mô nhỏ không máy móc hỗ trợ, gặp thời tiết xấu, không phơi được bánh ngày đó sẽ không có thu nhập.
Hiện nay, bánh tráng phơi sương vẫn khá “hút” thực khách, thậm chí bánh làm ra nhiều lúc không đủ bán nhưng vì mất nhiều thời gian, lại không có thu nhập ổn định nên các con bà phải đi làm công nhân kiếm thêm, không thể làm nghề truyền thống của gia đình.
Theo bà Đương, bánh tráng Trảng Bàng có hai loại, bánh tráng nhúng (tráng 1 lớp) và bánh tráng phơi sương (tráng 2 lớp). Sau khi ngâm gạo, xay bột đổ bánh, bánh ra khỏi lò tráng là phải đem phơi ngay ngoài nắng, trong vòng nửa tiếng đến một tiếng đồng hồ tùy thời tiết. Chờ bánh vừa khô, hơi bong lên thì gỡ, chuẩn bị cho các công đoạn tiếp theo: nướng bánh, phơi sương, sau hết mới cho vào bọc ni-lông buộc kín, chờ giao cho khách hàng.
Với chị Thủy ở khu phố Gia Huỳnh (thị trấn Trảng Bàng) thì đây là nghề “ăn chắc mặc bền”. Mẹ mất sớm, ở tuổi mười tám, đôi mươi, chị Thuỷ quyết định đắp lò tráng bánh, thay mẹ nuôi em, tự mình quán xuyến mọi công việc, lo luôn cả khâu tiêu thụ sản phẩm. “Làm bánh cực lắm, nhưng tui không ngán! Chỉ tiếc, mấy đứa em không kiên trì được như mình”, chị Thủy cho biết.
Ở làng nghề bánh tráng phơi sương, chúng tôi còn được nghe những chia sẻ đầy tâm trạng như: “Lớp nhỏ bây giờ, chúng không chịu theo nghề. Tụi nó còn xúi bà, xúi mẹ nghỉ làm bánh tráng. Nghề cực quá, lại chẳng được bao nhiêu tiền…”.
Khó khăn giữ nghề
Theo thông tin từ Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Trảng Bàng: Hiện tại, số hộ làm thủ công ở làng nghề bánh tráng phơi sương chỉ còn khoảng 20 hộ (không tính các hộ tranh thủ làm lẻ tẻ theo vụ).
Trong buổi tọa đàm bàn về vấn đề phát triển du lịch của tỉnh Tây Ninh mới đây, lãnh đạo tỉnh cũng như nhiều doanh nghiệp địa phương mong muốn đưa nghề làm bánh tráng phơi sương đến gần hơn với du khách, bằng cách thành lập làng nghề tráng bánh thủ công truyền thống tập trung và đưa nghề tráng bánh vào kết hợp với du lịch sản phẩm. Nhưng bắt đầu từ đâu, kênh đầu tư nào... thì vẫn chưa có giải pháp. Chưa kể, nhiều yếu tố quan trọng khác như điều kiện môi trường, mặt bằng sản xuất, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất, bảo quản, đóng gói, lưu thông sản phẩm...
Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh, nghề tráng bánh phơi sương thủ công tại địa phương chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ. Nghệ nhân, thợ theo nghề hiện tại tuy vẫn còn nhiều nhưng lại không tập trung một chỗ mà phân bố rải rác khắp nơi trên địa bàn. Cơ sở sản xuất chủ yếu tại nhà dân nên rất khó để dời các điểm sản xuất vào tập trung cùng một chỗ. Kinh phí cũng như việc thuyết phục được bà con đồng ý thành lập làng nghề thủ công tập trung tiêu biểu đưa vào du lịch là khá khó khăn.
“Trước đây, địa phương cũng từng đưa ra mô hình hợp tác xã nhưng không thành công. Hiện tại, địa phương cần những doanh nghiệp tiên phong góp sức. Ngoài ra, để du lịch sản phẩm kết hợp trải nghiệm thì cũng cần phải xây được nhiều điểm chất lượng, homestay cho du khách ở lại”, ông Nam chia sẻ.
Trước đây, địa phương cũng từng đưa ra mô hình hợp tác xã nhưng không thành công. Hiện tại, địa phương cần những doanh nghiệp tiên phong góp sức...” (Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh)
BẰNG GIANG