Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thăm làng bánh đa phở nức tiếng Hoàng Công Chất

PV - 09:08, 27/12/2018

Làng bánh đa phở nức tiếng của tỉnh Điện Biên đã tồn tại và phát triển hơn 30 năm nay tại thôn Hoàng Công Chất, xã Thanh An, huyện Điện Biên. Sản phẩm nơi đây được nhiều người biết đến và tin dùng bởi chất lượng và an toàn. Mỗi tháng bà con tập trung sản xuất cả nghìn tấn sản phẩm nhưng vẫn không đủ cung ứng cho thị trường nội tỉnh và nước bạn Lào, nhờ đó cuộc sống của các gia đình đều khấm khá, có của ăn của để.

Những tháng cuối năm, chúng tôi đến thăm làng nghề có tuổi đời hơn 30 năm chuyên sản xuất http://baodantoc.com.vn/kinh-te-xa-hoi/banh-da-lang-chom.htmlcác sản phẩm an toàn, như bánh đa phở, bún phở, bánh đa tráng ngon nức tiếng của tỉnh Điện Biên. Bước chân đến đầu thôn là nghe được tiếng máy nổ làm bánh kêu vang ầm ĩ, xua tan không gian tĩnh mịch vốn có nơi làng quê bình yên.

Trên con đường bê tông thoáng đãng, hai bên phơi những phên nứa bánh đa mới ra lò màu trắng tinh, ông Chu Văn Nhàn, Trưởng thôn Hoàng Công Chất cho biết, cách đây hơn 40 năm người người từ các tỉnh dưới xuôi lên vùng đất này khai hoang làm nơi an cư lập nghiệp, kể từ đó, họ mang theo nghề làm bánh đa phở truyền thống của quê hương lên phát triển tạo kế sinh nhai. Trước kia bà con chỉ làm thủ công nên dù lọ mọ cả ngày lẫn đêm cũng chỉ cho ra lò được mẻ bánh vài chục cân, không đủ bán.

Làm bánh đa phở đã mang lại thu nhập khá cho các hộ trong thôn Hoàng Công Chất. Làm bánh đa phở đã mang lại thu nhập khá cho các hộ trong thôn Hoàng Công Chất.

“Để làng bánh đa Hoàng Công Chất hưng thịnh như hôm nay, bà con trong thôn sống rất đoàn kết, luôn chia sẻ giúp đỡ nhau bí quyết làm bánh ngon nức tiếng, bất kỳ ai nếu được thưởng thức một lần rồi cũng sẽ tìm về mua nữa.” Ông Nhàn tự hào kể.

Nhớ lại những năm trước đây ông Nhàn trầm ngâm, có giai đoạn nhà nhà trong thôn đua nhau phong trào “làm bánh ngon, bán bánh khỏe” nhưng thời gian qua đi, đến giờ trong thôn chỉ còn gần 1/2 số hộ duy trì và phát triển. Song cũng không vì thế mà thương hiệu bánh đa phở Hoàng Công Chất bị mai một, bởi những hộ trụ lại được với nghề là do có bí quyết làm bánh thực sự ngon và có uy tín.

Ghé thăm cơ sở sản xuất bánh đa phở an toàn của gia đình bà Đỗ Thị Ngọc, thôn Hoàng Công Chất, vừa thoăn thoắt đóng gói bánh đa thành phẩm xuất cho thương lái, bà Ngọc cho biết, nghề làm bánh đa phở đã gắn bó với gia đình hơn 30 năm. Quanh năm suốt tháng 2 vợ chồng bà chỉ tập trung làm bánh mà không bao giờ đủ cung ứng cho thị trường trong tỉnh và các bạn hàng bên nước Lào. Do cơ sở làm ăn uy tín nên hầu hết mọi giao dịch với khách đều thực hiện qua điện thoại di động. Thương lái không cần đến tận nơi xem hàng mà vẫn nhận được hàng như ý.

“Cũng may bây giờ có máy móc hỗ trợ nên các công đoạn làm bánh đỡ vất vả hơn. Bánh vừa làm được nhiều, sản phẩm đều tay, mẫu mã đẹp. Bình thường gia đình làm khoảng 2,5 tạ bánh/ngày, tuy nhiên 4 tháng cuối năm là thời gian nước rút sản xuất hàng tết nên công suất có thể nâng lên gấp đôi mới tạm đủ cung ứng cho thị trường”, bà Ngọc cho biết.

Theo chia sẻ của bà Ngọc thì làm bánh đa phở tuy không chân lấm tay bùn, mồ hôi nhễ nhại nhưng phải làm qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi kỹ thuật, thời gian và cả bí kíp nhà nghề mới thành công.

“Tiêu chuẩn đầu tiên khi chọn nguyên liệu, nhất thiết phải là “gạo trắng ngâm kỹ trong nước trong”. Để có những mẻ bánh đẹp, sợi bánh trắng bóng, người làm phải dậy từ 1-2 giờ sáng khởi động máy và luôn tay làm các công đoạn: tuồn, hấp, ngâm, vò, vớt… sao cho đến 9-10 sáng khi ánh nắng mặt trời chiếu nóng mặt đất thì vừa kịp mang những phên bánh trắng ngần ra phơi…”, bà Ngọc chia sẻ.

Theo thị hiếu của khách hàng, hiện nay một số cơ sở trong thôn phát triển sản xuất thêm một số mặt hàng bánh cao cấp. Bà Đỗ Thị Huấn, hộ làm bánh trong thôn cho biết, ngoài cung ứng các sản phẩm bánh, bún thông dụng có giá dao động từ 15-16.000 đồng/kg, thì một số cơ sở còn phát triển làm sản phẩm bánh đa tráng cao cấp, có chất lượng và mẫu mã cầu kỳ hơn nên giá thành đạt 25.000 đồng/kg.

“Cũng nhờ có nghề làm bánh đa phở này mà các hộ trong thôn khấm khá, thu nhập ổn định và còn tạo thêm việc làm cho một số lao động địa phương. Với gia đình tôi, sau hơn chục năm kiên trì làm nghề, tích lũy vốn liếng thì năm ngoái cũng xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang”, bà Huấn chia sẻ.

Anh Phạm Hải Phong - thương lái nhiều năm đi gom hàng phân phối, cho biết: tỉnh Điện Biên có duy nhất thôn Hoàng Công Chất là sản xuất bánh đa phở ngon có tiếng. Mỗi tháng tôi đi gom cả nghìn tấn, phân phối khắp các huyện, thị, thành phố trong tỉnh và xuất cả sang bên Lào nữa. Người Lào họ ăn bánh này khen ngon lắm, bán bên đó cũng rất chạy nữa…” anh Phong cho biết.

“Hiện nay 100% các cơ sở sản xuất bánh đa phở thôn Hoàng Công Chất đã đăng ký và được cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo định hướng của địa phương, sẽ tuyên truyền vận động các hộ thành lập hợp tác xã, bảo tồn và phát triển làng nghề bánh đa phở truyền thống này, tiến tới mục tiêu xây dựng thương hiện sản phẩm và được đóng tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng”, ông Chu Văn Nhà, Trưởng thôn chia sẻ thêm.

NAM HƯƠNG