Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nghệ An: Kết quả bước đầu từ Chương trình MTQG 1719 hỗ trợ cho đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù

An Yên - 13:46, 29/10/2024

Những công trình hạ tầng, những mô hình sinh kế đầu tư cho đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù ở Nghệ An đang được đưa vào hoạt động, góp phần làm đổi thay bộ mặt bản làng, đổi thay cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, để đồng bào được thụ hưởng nhiều hơn các chính sách của Đảng và Nhà nước, thì cần phải sớm tháo gỡ những vướng mắc liên quan.

Đoàn công tác UBDT cùng Ban dân tộc tỉnh Nghệ An và huyện Con Cuông khảo sát các công trình đầu tư tại bản Co Phạt, xã Môn Sơn - Trong ảnh: đường nội bộ bản Co Phạt đã được đổ bê tông sạch đẹp
Đoàn công tác Ủy ban Dân tộc cùng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An và huyện Con Cuông khảo sát các công trình đầu tư tại bản Co Phạt, xã Môn Sơn (Trong ảnh: Đường nội bộ bản Co Phạt đã được đổ bê tông sạch đẹp)

Nhìn từ các bản làng người Đan Lai

Điểm nhấn đầu tiên có lẽ là hạ tầng giao thông nối các bản Co Phạt và Khe Búng với trung tâm xã Môn Sơn (Con Cuông). Quãng đường đất non 20km, lởm chởm, trơn trượt và lầy lội hơn sau những ngày mưa; nay đã được đơn vị thi công phát sẻ nhiều đoạn để vừa thi công tuyến đường này, vừa chở nguyên vật liệu vào phục vụ thi công các công trình dân sinh cho người Đan Lai theo Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719).

Nhưng, bỏ qua quãng đường 20km ấy, bản làng người Đan Lai hiện ra bằng những đoạn đường nội bộ đã được láng xi măng sạch đẹp. Bí thư Chi bộ bản Co Phạt La Văn Linh bảo: Bà con ưng cái bụng lắm, phấn khởi lắm. Có đường giao thông sạch sẽ, đi lại rất thuận tiện và êm cái chân lắm.

Ở trung tâm bản Co Phạt, là các điểm trường tiểu học, mầm non đã xây dựng xong; đã được đưa vào sử dụng để phục vụ dạy học cho trẻ con người Đan Lai. Hệ thống nước sinh hoạt cũng được đơn vị thi công lắp đặt, kéo về tận bản.

Thi công đường nối trung tâm xã Môn Sơn,huyện Con Cuông vào các bản làng người Đan Lai ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát
Thi công đường nối trung tâm xã Môn Sơn, huyện Con Cuông vào các bản làng người Đan Lai ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát

Khu vực thi công đường giao thông nối liền hai bản Co Phạt và Khe Búng, có lẽ là nơi rầm rộ nhất, bởi tiếng máy trộn bê tông, tiếng máy múc rì rì và những chuyến xe tải chở nguyên vật liệu vào ra hối hả. Hiện tại, đơn vị thi công đã đổ bê tông khoảng 2,5km, tính từ bản khe Búng ra. Trên tuyến giao thông huyết mạch này, là những cây cầu treo đang xây dựng dang dở.

Những trụ cầu cũng vừa mới được đổ xong, như mọc lên bên dòng khe Khặng. Cán bộ kỹ thuật phục vụ công trình thi công cho biết: Chúng tôi đang rất nỗ lực để sớm hoàn thành công trình theo tiến độ. Cáp treo của cầu thì đang đưa đi kiểm nghiệm. Còn đường giao thông, đoạn đi qua bản Co Phạt, tiếp nối ra trung tâm xã, thì đã san gạt xong nền đường và đang tiếp tục thi công khi thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên, quãng đường vận chuyển vật liệu quá xa, lại qua nhiều khe suối nên chi phí thi công đội lên rất nhiều.

Có thể thấy, từ việc thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 9, Chương trình MTQG 1719, đã có rất nhiều hạng mục công trình được đầu tư dành cho người  Đan Lai. Ngoại trừ những hạng mục liên quan đến đường giao thông nối trung tâm xã Môn Sơn vào hai bản Khe Búng và Co Phạt vẫn còn dang dở, thì rất nhiều dự án nơi ấy đã hoàn thành. Đó là các dự án xây dựng kè chống sạt lở và bến đò cho người dân bản Khe Búng và Co Phạt; công trình nước sinh hoạt tập trung hai bản Khe Búng và Co Phạt; công trình điện sinh hoạt thắp sáng cụm dân cư khe Lẻ, Co Kè thuộc bản Co Phạt; đường giao thông nội hai bản Co Phạt và Khe Búng; điểm trường mầm non và tiểu học tại bản Co Phạt.

Trưởng phòng Dân tộc huyện Con Cuông Lương Viết Tùng thông tin thêm: Thực hiện mô hình sinh kế theo nguồn vốn sự nghiệp, huyện Con Cuông cũng đang triển khai các bước để hỗ trợ giống Bê cái vàng cho 46 hộ tại 2 bản Co Phạt và Khe Búng, mỗi hộ 2 con; từ nguồn vốn năm 2023, với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ đồng. Việc hỗ trợ cây giống không thực hiện vì người dân chưa được cấp đất sản xuất. Cũng vì chưa được cấp đất sản xuất nên hạng mục cải tạo ruộng cũng đành chịu.

Điểm trường mầm non ở bản Co Phạt, xã Môn Sơn đã xây dựng xong
Điểm trường mầm non ở bản Co Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông đã xây dựng xong

Sớm tháo gỡ khó khăn

Người Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My (Tương Dương) cũng là thành phần dân tộc được thụ hưởng chính sách đầu tư theo Tiểu dự án 1, Dự 9, Chương trình MTQG 1719 dành cho nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và dân tộc có khó khăn đặc thù.

Những năm qua, bà con Ơ Đu đã được hưởng một số dự án theo nội dung này. Cụ thể, nguồn vốn năm 2022 thực hiện hỗ trợ đối tượng là bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 05 tuổi; hai dự án xây dựng đường và điện vào khu sản xuất đã thực hiện đạt khoảng 60-70% khối lượng thi công. 

Hiện tại, nội dung hỗ trợ đối tượng là bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 05 tuổi năm 2023 đang chờ nguồn phân bổ để chi trả; dự án xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng đang ở bước thiết kế kỹ thuật; dự án hỗ trợ lợn giống cũng đã lập xong kế hoạch, nhưng do trên địa bàn còn xảy ra dịch tả lợn nên chưa thực hiện.

Ông Lương Văn Hiệp-Trưởng phòng Dân tộc huyện Tương Dương cho biết: Khi xây dựng đề án 2086, thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025, tại bản Văng Môn, xã Nga My thì đã gần như bao trùm tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống kinh tế -xã hội. Do vậy, địa phương trong giai đoạn mới của Chương trình MTQG 1719, địa phương sẽ nghiên cứu để có thêm nhiều nội dung thiết thực cho người dân.

Người Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương được hỗ trợ bò giống chăn nuôi để nâng cao thu nhập
Người Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương được hỗ trợ bò giống chăn nuôi để nâng cao thu nhập

Trở lại việc triển khai chính sách đối với người Đan Lai trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, thì hiện nay có một số nội dung hỗ trợ sinh kế, cải tạo ruộng chưa thể thực hiện do đồng bào Đan Lai chưa được cấp đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Bên cạnh đó, theo ông Lương Viết Tùng, Trưởng phòng dân tộc huyện Con Cuông, nguồn vốn sự nghiệp các năm không phân bổ, mãi đến năm 2023 thì mới phân bổ được là 1,5 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ bò giống cho bà con. 

Trước thực tế này huyện Con Cuông đã có văn bản đề nghị, xin được điều chuyển kinh phí từ một số dự án khác không thực hiện được, sang thực hiện hỗ trợ cây con giống cho bà con theo Nghị quyết 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024 của Quốc hội về một số cơ chế chính sách đặc thù thực hiện các chương trình MTQG.

Tại cuộc làm việc giữa Ủy ban Dân tộc với tỉnh Nghệ An hồi cuối tháng 8/2024, nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình MTQG 1719 cũng đã được tỉnh Nghệ An nêu ra; trong đó có việc chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế đối với các hộ DTTS còn gặp nhiều khó khăn thuộc  Tiểu dự án 1, Dự án 9.

Hi vọng sắp tới, các khó khăn, vướng mắc, nhất là nguồn vốn sự nghiệp sẽ sớm được tháo gỡ để các địa phương bắt tay thực hiện.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.