Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghị định số 91/2024/NĐ-CP: Tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Khánh Thư - 18:42, 02/10/2024

Ngày 18/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Trong đó, vớí những quy định mới về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), Nghị định số 91/2024/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ khai thác thêm những giá trị mới của rừng.

(BÀI) Nghị định số 91/2024/NĐ-CP: Tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
Vớí những quy định mới về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, NĐ 91 được kỳ vọng sẽ khai thác thêm những giá trị mới của rừng

Làm rõ hơn đối tượng chi trả DVMTR

Nghị định số 91/2024/NĐ-CP (NĐ 91) là Nghị định có phạm vi áp dụng rộng, đối tượng liên quan đa dạng, với nhiều nội dung khó. Nghị định có hiệu lực ngay khi ban hành (ngày 18/7/2024), được kỳ vọng sẽ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong quá trình triển khai thời gian vừa qua, đặc biệt là việc thực thi chính sách chi trả DVMTR.

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trước đây, trong Nghị định số 156/2018/NĐ-CP (NĐ 156) chưa có quy định về danh mục các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước từ rừng nên còn khó khăn trong triển khai thu tiền DVMTR từ các đối tượng này tại địa phương. Thực tế có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí có vị trí tiếp giáp với khu rừng và được hưởng lợi từ vẻ đẹp cảnh quan nhưng chưa chi trả DVMTR.

Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành, hỗ trợ quản lý, bảo vệ cho gần 7,3 triệu héc-ta rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, chiếm 49,24% tổng diện tích rừng toàn quốc.

Theo ông Bảo, NĐ 91 đã bổ sung danh mục các cơ sở Công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước tại phụ lục VIII làm cơ sở để xác định cụ thể ngành nghề cơ sở công nghiệp có sử dụng nước để thực hiện nghĩa vụ chi trả tiền DVMTR theo quy định tại Luật Lâm nghiệp. 

Đồng thời, NĐ 91 quy định cụ thể các đơn vị kinh doanh du lịch sinh thái có sử dụng DVMTR nằm trong phạm vi khu rừng cung ứng DVMTR của chủ rừng hoặc có vị trí tiếp giáp với khu rừng cung ứng DVMTR là những đối tượng phải chi trả tiền DVMTR.

"Trong NĐ 156 quy định chỉ áp dụng hình thức chi trả trực tiếp đối với loại hình kinh doanh du lịch sinh thái và nuôi trồng thủy sản nên các địa phương đã gặp khó khăn do không hoặc khó xác định được đối tượng được chi trả trực tiếp", ông Bảo cho biết.

Những vướng mắc này đã được tháo gỡ trong NĐ 91. Theo đó, UBND cấp tỉnh xác định danh sách các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng, nguồn nước từ rừng phải trả tiền trên địa bàn tỉnh và mức sử dụng nước tối thiểu; danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải trả tiền DVMTR.

Đồng thời, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và cơ sở nuôi trồng thủy sản có thể thực hiện chi trả trực tiếp cho bên cung ứng DVMTR hoặc nộp tiền DVMTR ủy thác thông qua Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng. UBND tỉnh quyết định mức chi trả cụ thể (tối thiểu bằng 1% tổng doanh thu thực hiện trong kỳ).

(BÀI) Nghị định số 91/2024/NĐ-CP: Tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng 1
Người dân tuần tra bảo vệ rừng

"NĐ 91 cũng bổ sung quy định hằng năm, bên cung ứng DVMTR gửi báo cáo kết quả thực hiện tới Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với tỉnh chưa thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng theo Mẫu số 01 Phụ lục IX để cập nhật đầy đủ thông tin phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và đánh giá, tổng kết thực hiện chính sách trên phạm vi toàn quốc”, ông Bảo cho hay.

Bảo đảm các khoản chi cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng

NĐ 91 đã bổ sung quy định về điều tiết tiền DVMTR giữa các lưu vực liên tỉnh nhằm giảm chênh lệch đơn giá chi trả tiền DVMTR cho một ha rừng giữa các tỉnh trong cùng một lưu vực, cụ thể: Trước ngày 31/01 năm sau, Quỹ BV&PTR Việt Nam xác định số tiền và thực hiện điều tiết tiền DVMTR cho Quỹ BV&PTR cấp tỉnh theo quy định tại phụ lục VII.

Ngoài ra, NĐ 91 cũng bổ sung một số nội dung chi (chi hỗ trợ các hoạt động trồng cây phân tán; hỗ trợ các hoạt động cập nhật, theo dõi diễn biến rừng; chi các hoạt động nhằm mở rộng nguồn thu từ DVMTR để có thể bố trí kinh phí để xây dựng các nội dung liên quan đến các-bon rừng hoặc các đề xuất, nghiên cứu nhằm mở rộng nguồn thu từ DVMTR, các khoản chi trả lương và các khoản có tính chất lương cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong trường hợp ngân sách nhà nước không đảm bảo chi trả lương và các khoản có tính chất lương.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết thêm: “Số tiền DVMTR nhận được cho diện tích rừng tự bảo vệ sau khi trừ chi phí cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng là nguồn thu của chủ rừng, chủ rừng quản lý theo quy định pháp luật về tài chính phù hợp với loại hình tổ chức của chủ rừng”.

(BÀI) Nghị định số 91/2024/NĐ-CP: Tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng 2
Công trình nhà cộng đồng được xây dựng từ nguồn tiền DVMTR

Việc bổ sung một số nội dung chi tại NĐ 91, sẽ khắc phục được hạn chế trong NĐ 156 do chưa quy định nguồn chi không thường xuyên để trang trải một số hoạt động cần thiết, gây khó khăn cho Quỹ tỉnh và chủ rừng là tổ chức, UBND xã được giao trách nhiệm quản lý rừng trong triển khai thực hiện.

Một trong những hạn chế trong NĐ 156 là chưa có quy định áp dụng hệ số K thành phần đối với rừng chưa có trữ lượng, trữ lượng rừng trồng dẫn tới việc xác định đơn giá chi trả DVMTR gặp khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của các đối tượng liên quan đến rừng. Hạn chế này đã được tháo gỡ trong NĐ 91.

Theo đó, NĐ 91 sửa đổi, bổ sung hệ số K1 về điều chỉnh mức chi trả DVMTR theo trữ lượng rừng (bổ sung hệ số K1 cho rừng nghèo kiệt, rừng chưa có trữ lượng, rừng tre nứa, rừng không phân chia trữ lượng và rừng trồng) và hệ số K4 điều chỉnh mức chi trả DVMTR theo mức độ khó khăn được quy định đối với diện tích cung ứng DVMTR nằm trên địa bàn các xã khu vực I, II, III theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (bổ sung hệ số K4 cho các xã Thủ tướng Chính phủ chưa quy định) cho phù hợp với tiêu chí trữ lượng rừng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thực tiễn triển khai tại địa phương.

Nói về những quy định mới về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo khẳng định: “NĐ 91 được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong thời gian tới, đồng thời mở ra cơ hội để khai thác thêm những giá trị mới của rừng”.

Việc thực hiện hiệu quả chính sách chi trả DVMTR đã tạo ra bước đột phá, hiệu quả trong việc tạo nguồn lực tài chính ổn định phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững; đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân, trong đó chủ yếu là người đồng bào DTTS tham gia bảo vệ rừng thông qua hình thức giao đất, giao rừng của Nhà nước và nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng từ các đơn vị chủ rừng. Chính sách chi trả DVMTR góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống của đồng bào DTTS, từ đó đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự xã hội được ổn định ở các địa bàn dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tin cùng chuyên mục