Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những năm qua, Quỹ BVPTR tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về chính sách chi trả DVMTR bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Từ năm 2012 đến nay, đơn vị đã tổ chức gần 300 hội nghị, lớp tập huấn, tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR gắn với công tác bảo vệ rừng tại cơ sở; xây dựng hàng trăm biển tuyên truyền, pa nô, chỉ dẫn mang ý nghĩa bảo vệ rừng gắn với chính sách chi trả DVMTR tại các khu dân cư; cấp phát gần 80.000 ấn phẩm truyền thông về chính sách chi trả DVMTR như sổ tay theo dõi, tờ rơi, quạt nhựa.
Cùng với đó, thời gian qua, Quỹ BVPTR tỉnh phối hợp với các trường học, tổ chức Đoàn Thanh niên trên địa bàn tỉnh tổ chức gần 30 hội thi về chính sách chi trả DVMTR. Đối tượng của hội thi phần lớn là học sinh, đoàn viên, thanh niên và các chủ rừng. Đặc biệt, năm 2023, Quỹ phối hợp với một số đơn vị Đoàn Thanh niên cấp huyện tổ chức hội thi tìm hiểu chính sách DVMTR bằng hình thức trực tuyến. Tham gia hội thi, các thí sinh sử dụng điện thoại thông minh truy cập vào ứng dụng trên mạng để trả lời câu hỏi của Ban tổ chức. Thông qua hình thức thi này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức về chính sách DVMTR cho các thí sinh mà còn góp phần tích cực vào công tác triển khai chương trình chuyển đổi số tại địa phương.
Song song với các hình thức tuyên truyền trên, hàng năm, Quỹ BVPTR tỉnh thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh như: Báo Hà Giang, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR. Nội dung tuyên truyền tập trung về các văn bản của Đảng, Nhà nước, tỉnh liên quan đến chính sách chi trả DVMTR; công tác quản lý, sử dụng tiền DVMTR; những gương điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác BVPTR.
Có thể thấy, từ việc đẩy mạnh triển khai, thực hiện công tác tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR của Quỹ BVPTR tỉnh đã tác động tích cực đến nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân về chính sách chi trả DVMTR cũng như trong công tác BVPTR. Nhờ nắm vững và hiểu về chính sách, nhiều chủ rừng có nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo để thực hiện quản lý, bảo vệ rừng và sử dụng tiền DVMTR hiệu quả như: Các chủ rừng thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, tuần tra bảo vệ ở những khu rừng xung yếu; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo vệ rừng; xây dựng hương ước, quy ước của thôn gắn với công tác BVPTR; sử dụng tiền DVMTR đầu tư các công trình phúc lợi của thôn.