Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhiều hộ dân chưa được hưởng phí dịch vụ môi trường rừng do vướng về thủ tục đất đai

Trọng Bảo - 14:24, 09/01/2024

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhìn chung được các cấp chính quyền, cộng đồng nhìn nhận, đánh giá là một hướng đi đúng và kịp thời, mang lại hiệu quả rõ rệt ở khía cạnh phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật là từ nguồn kinh phí được chi trả, đã góp phần giúp người dân từng bước giảm bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống; là động lực quan trọng để bà con tích cực tham gia bảo vệ rừng. Tuy nhiên, còn một vài lý do vướng mắc mà hiện nay, nhiều chủ rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai chưa nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ này.

Rất nhiều hộ dân chưa được nhận tiền phí dịch vụ môi trường rừng do diện tích đất rừng còn chồng lấn
Nhiều hộ dân chưa được nhận tiền phí dịch vụ môi trường rừng do diện tích đất rừng còn chồng lấn

Hộ gia đình anh Sần Seo Thanh ở thôn Pả Chư Tỷ, xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà có gần 2 héc ta rừng tự nhiên trồng cây tống quá sủ và sa mộc. Theo quy định hiện nay, với diện tích rừng này, mỗi năm gia đình anh Thanh được chi trả gần 1 triệu đồng tiền phí dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, do diện tích đất rừng của gia đình anh đang chồng lấn với diện tích rừng do xã quản lý, nên cơ quan chức năng không có căn cứ để chi trả nguồn kinh phí này.

“Diện tích rừng của gia đình tôi đã có từ 20 năm nay; tuy nhiên, gia đình chưa được nhận tiền hỗ trợ. Rất mong các cơ quan chức năng sớm rà soát, đo đếm cụ thể để gia đình tôi được nhận tiền hỗ trợ này”, anh Thanh kiến nghị.

Theo thống kê, hiện nay diện tích có rừng của xã Lùng Phình là 1.219 héc ta; trong đó, diện tích rừng do UBND xã quản lý là 462 héc ta, rừng do các tổ chức và Ban quản lý rừng phòng hộ là trên 537 héc ta; rừng do hộ gia đình quản lý là trên 295 héc ta. 

Theo ông Trần Đắc Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Phình, thì thời gian qua công tác khoán, bảo vệ rừng đã được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong xã triển khai có hiệu quả; không để xảy ra các vụ việc vi phạm về lâm luật. Để có được kết quả này, xã đã làm tốt công tác chi trả các khoản phí dịch vụ từ rừng cho người dân; từ đó, nâng cao trách nhiệm của từng hộ dân trong việc tham gia cùng với cơ quan chức năng quản lý và bảo vệ diện tích rừng hiện có.

“Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn xã Lùng Phình cũng còn một số hộ dân chưa được nhận tiền phí dịch vụ môi trường rừng do chưa đủ các thủ tục theo quy định. Vướng mắc chủ yếu vẫn là, các hộ chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, do chưa xác định được ranh giới cụ thể, diện tích còn chồng lấn do lịch sử để lại. Thực trạng này gây thiệt thòi rất nhiều đối với các chủ rừng”, ông Hà cho biết thêm.

Anh Thanh mong muốn cơ quan chức năng sớm giải quyết vướng mắc để gia đình được nhận tiền hỗ trợ
Gia đình anh Thanh mong muốn cơ quan chức năng sớm giải quyết vướng mắc để gia đình được nhận tiền hỗ trợ

Để góp phần nâng cao nhận thức về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, thời gian qua, UBND huyện Bắc Hà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung vào cá nhân, tổ chức trực tiếp khai thác, hưởng lợi từ rừng.

 Bằng việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, tác động tích cực đối với nhận thức và hành động của người dân trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Cùng với đó, để công tác chi trả phí dịch vụ được đúng theo quy định, huyện đã tiến hành rà soát lại.

“Đối với diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng do hộ gia đình quản lý, do khối lượng diện tích lớn với 10.936 lô, diện tích 11.016,83 héc ta/4.188 hộ gia đình, việc rà soát cần có thời gian, nhân lực, kinh phí, máy móc … Chúng tôi đang tích cực cùng với UBND các xã tiến hành rà soát”, ông Trần Quốc Hoàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Hà thông tin.

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lào Cai, năm 2023 toàn tỉnh đã thu được gần 170 tỷ đồng tiền Dịch vụ môi trường rừng. Trong đó, số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các tổ chức, cá nhân đạt gần 98 tỷ đồng. Ông Phạm Văn Đăng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lào Cai cho biết: Hiện nay, một số diện tích rừng của các hộ có sự chồng lấn; chất lượng giao đất, giao rừng giai đoạn trước đây chưa cao, nhiều sai lệch so với thực tế cần xác định lại… Từ đó, việc chi trả phí dịch vụ môi trường rừng còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Đăng, nhiều hồ sơ cấp đất cho hộ gia đình, cá nhân được thực hiện từ những năm 1990 trở về trước, qua thời gian hiện trạng rừng thay đổi; có vị trí rừng phát triển thêm, có vị trí thì rừng không còn… nên hiện nay số liệu chưa được chính xác. Quỹ  đang cùng với các huyện, xã đơn vị chức năng tập trung rà soát lại theo hồ sơ, từ thực địa đối với diện tích rừng của từng hộ gia đình, cá nhân, tổ chức chưa được hưởng tiền phí dịch vụ môi trường rừng. "Phấn đấu đến đầu năm 2024 sẽ chi trả cho các chủ rừng; riêng với các diện tích có sự sai khác lớn cần điều chỉnh lại hồ sơ thì các ngành chức năng sẽ sớm tham mưu với UBND tỉnh để ban hành quyết định...", ông Đăng cho hay.

Qua thời gian dài nhiều diện tích rừng phát triển thêm, có vị trí rừng không còn nên rất khó khăn trong công tác chi trả phí dịch vụ môi trường rừng
Qua thời gian dài nhiều diện tích rừng phát triển thêm, cũng như có vị trí rừng không còn nên địa phương còn gặp khó khăn trong công tác chi trả phí dịch vụ môi trường rừng

Được biết, trước những khó khăn, vướng mắc trong công tác chi trả phí dịch vụ môi trường rừng; ngày 18/10/2023, Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai đã có thông báo số 300/TB-VPUBND về kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh. Trong đó, yêu cầu các ban ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã tập trung rà soát diện tích rừng đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và rừng do UBND các xã và cộng đồng dân cư quan lý. Hy vọng, những vướng mắc nêu trên sớm được giải quyết để các chủ rừng được hưởng tiền phí dịch vụ theo quy định.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.