Xác định “lõi nghèo” để đầu tư
Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 39/2020/QĐ-TTg, ban hành tiêu chí xác định các dân tộc có khó khăn đặc thù và các dân tộc còn nhiều khó khăn. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là một trong những tiêu chí “cứng” để xác định dân tộc có khó khăn đặc thù.
Bên cạnh tiêu chí có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất thì các dân tộc có khó khăn đặc thù còn được xác định là những dân tộc có dân số dưới 10.000 người. Ngoài ra, các dân tộc có khó khăn đặc thù còn được nhận diện ở một số tiêu chí khác, nhất là tiêu chí có tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi lớn hơn 1,5 lần so với bình quân chung tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi của 53 DTTS. Các chỉ số này có ý nghĩa đặc biệt, là cơ sở để tập trung đầu tư, hỗ trợ để khắc phục tình trạng suy giảm dân số, mai một bản sắc văn hóa truyền thống.
Theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg, 14 dân tộc có khó khăn đặc thù gồm: Brâu, Rơ Măm, Ơ Đu, Si La, Pu Péo, Cống, Mảng, Lự, Bố Y, Cơ Lao, Pà Thẻn, Lô Lô, Chứt, La Ha, sinh sống tại 11 tỉnh (Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum). Riêng dân tộc Brâu sinh sống tập trung tại xã Bờ Y, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, nhưng đây là xã khu vực I nên không đáp ứng tiêu chí của dân tộc có khó khăn đặc thù của giai đoạn 2021 - 2025.
Theo ông Lưu Xuân Thủy, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số - Ủy ban Dân tộc, căn cứ vào các tiêu chí này, ngày 14/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh sách 14 dân tộc có khó khăn đặc thù và các dân tộc còn nhiều khó khăn giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 1227/QĐ-TTg. Đây là cơ sở pháp lý để thực hiện các nội dung chính sách của Tiểu Dự án 1 - Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG 1719.
Sau gần 4 năm, với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, chính sách, đời sống của 14 dân tộc có khó khăn đặc thù đã có chuyển biến rõ nét. Theo khảo sát của Ủy ban Dân tộc, tính đến tháng 6/2024, có 4/14 dân tộc có khó khăn đặc thù (La Ha, Pà Thẻn, Chứt, Rơ Măm) có tỷ lệ hộ nghèo giảm so với năm 2019; trong đó có 2 dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 10% như La Ha giảm 26%, Chứt giảm 16%. Cùng với đó, nhiều vấn đề bức thiết trong đời sống của các dân tộc có khó khăn đặc thù cũng được quan tâm giải quyết và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Nhiều vấn đề cấp bách trong tình hình mới
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng trên bình diện chung, đời sống kinh tế của các dân tộc có khó khăn đặc thù vẫn còn nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết. Trong đó, khi chuẩn nghèo được nâng lên, tình trạng gia tăng hộ nghèo ở các dân tộc có khó khăn đặc thù là vấn đề cần được quan tâm trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách trong giai đoạn tới.
Báo cáo của 11 tỉnh có 14 dân tộc có khó khăn đặc thù sống tập trung cho thấy, tính đến 30/6/2024 có 9 dân tộc có khó khăn đặc thù có tỷ lệ hộ nghèo tăng so với năm 2019, gồm: Cống, Mảng, Lự, Si La, Lô Lô, Cơ Lao, Bố Y, Pu Péo, Ơ Đu. Trong đó, dân tộc Lự tăng 12%, dân tộc Cơ Lao tăng 10%; còn lại 7/14 dân tộc có tỷ lệ tăng từ 01% đến 6%.
Theo ông Lưu Xuân Thủy, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, nguyên nhân tỷ lệ nghèo tăng là do năm 2019, việc rà soát hộ nghèo được xác định theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Từ năm 2022, việc rà soát hộ nghèo được thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều; trong đó, tiêu chí thu nhập đã thay đổi từ 700 nghìn đồng/người/tháng lên 1,5 triệu/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900 nghìn đồng/người/tháng lên 2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.
Ông Thủy cho rằng, hiện nay tỷ lệ nghèo của các dân tộc có khó khăn đặc thù vẫn còn tăng ở phần đông các dân tộc; chỉ có 1/3 số dân tộc có tỷ lệ nghèo giảm, nhưng giảm không đáng kể. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển các dân tộc có khó khăn đặc thù trong thời gian tới. Vì vậy, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng dự thảo Đề án xác định tiêu chí các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2026 - 2030 để lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý trước khi hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“So với tiêu chí xác định dân tộc khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025, ngoài tiêu chí được kế thừa của Quyết định số 39/2020/QĐ-TTg, tiêu chí giai đoạn 2026 - 2030 được bổ sung thêm đối tượng là các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn có số dân trên 10 nghìn người, có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 60% trở lên sinh sống tại vùng DTTS và miền núi. Việc quy định như vậy sẽ không bỏ sót đối tượng thực sự khó khăn tại vùng sâu, vùng xa”, ông Thủy cho biết.