Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Ngày Xuân gọi “vía” về Mường

Khánh Ngân - 20:13, 31/01/2022

Khi những cơn mưa Xuân lất phất bay, con gà rừng cũng ngủ sớm hơn thường lệ. Trên những cánh rừng già, lá khô đã trút hết. Những chồi non bắt đầu nhú ra, xanh óng ả. Điểm xuyết trong bức tranh Xuân, những sắc màu của hoa đào, hoa mận nở rộ trên những sườn đồi. Người Thái ở xứ Nghệ lại rộn ràng chuẩn bị chào đón năm mới với một ước vọng về cuộc sống ấm no.

Gọi “vía” về ăn Tết là một nét phong tục độc đáo của người Thái.
Gọi “vía” về ăn Tết là một nét phong tục độc đáo của người Thái.

Gọi “vía” về ăn Tết

Trong quan niệm của người Thái, mỗi bộ phận trên cơ thể con người đều có một hồn vía. Cuộc mưu sinh lên rừng, xuống khe, đi xa, đi gần… có thể một phần vía nào đó đang đi lạc. Cuối năm là dịp đồng bào Thái làm lễ gọi tất cả hồn vía trên cơ thể của mọi người trong gia đình về vui Tết, đón Xuân.

Trong chuyến ngược miền Tây xứ Nghệ những ngày cuối năm, hoa dã quỳ đã bung nở vàng rực cả một góc trời. Thăm bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông, đúng lúc gia đình bà Lương Thị Trung đang làm lễ gọi “vía” về ăn Tết. Giữa gian chính của ngôi nhà sàn, mâm lễ vật đã được bày ra gồm xôi, thịt gà và rượu. Vị thầy mo ngồi phía trước làm lễ, xung quanh là con cháu và họ hàng thân thuộc.

Bà Trung chia sẻ: “Đây là phong tục do ông bà để lại từ ngàn xưa, nên năm nào cũng vậy, vào dịp cuối năm gia đình lại tổ chức làm vía để cầu mong các thành viên trong gia đình sống vui, khỏe, làm ăn gặp nhiều may mắn”.

Chuẩn bị cho lễ gọi “vía” chủ nhà phải làm thịt hai con gà, một con gà để cúng tổ tiên, một con gà dùng để gọi “vía” cho mọi người trong nhà. Để gọi “vía”, ông Mo lấy của mỗi người một chiếc áo, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay thầy cầm một thanh củi đang cháy, rồi mang ra đầu làng gọi hai ba lần, sau đó về chân cầu thang nhà sàn lại gọi một lần nữa. Xong việc, ông Mo đích thân buộc một sợi chỉ màu vào cổ tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà, cầu bình an.

Khi đến dự lễ gọi “vía” mọi người thường có quà mừng là con gà, cân gạo nếp, bánh trái…. Sau khi làm lễ, mọi người cùng chung vui quanh mâm cơm, cùng nâng chén rượu mừng, đem lại niềm vui cho gia chủ. Đây là dịp để người Thái gặp gỡ, vun đắp thêm tinh thần đoàn kết.

Những cô gái Thái (xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp) rực rỡ, đón Xuân.
Những cô gái Thái (xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp) rực rỡ, đón Xuân.

Ngưỡng vọng cả năm ấm no, hạnh phúc

Theo các già làng ở bản Nưa, lễ gội đầu là lễ quan trọng nhất, mở đầu cho các lễ hội trong năm của người Thái. Theo truyền thống của đồng bào Thái, mỗi bản đều có cọn (guồng) nước riêng và quy định đàn ông tắm cọn trên, đàn bà tắm cọn dưới. Những người phụ nữ từ từ cúi đầu xõa tóc xuống dòng sông, suối, tay cầm cành lá xanh nhúng xuống nước rồi đập nhẹ lên mái tóc nhiều lần cho ướt đẫm.

Những bát nước gạo cùng với nước bồ kết được xối từ từ. Tất cả những gì không may mắn trong năm qua sẽ trôi chảy theo dòng nước, để sẵn sàng bước vào một năm mới thật tươi vui.

Tiếp theo đó là lễ mặc áo váy mới, đối với phụ nữ, trang phục váy áo sẽ có màu sắc sặc sỡ hơn ngày thường và đeo thêm một số đồ trang sức để làm duyên. Cuối cùng, các thành viên trong gia đình cùng bắt tay vào công đoạn chuẩn bị mâm cỗ đêm giao thừa.

Đồng bào Thái thường chuẩn bị 3 mâm cúng trong lễ giao thừa, mâm cúng tổ tiên, mâm thắp hương Bác Hồ, mâm thứ ba là cúng các thần trong nhà như thần bếp, thần thổ địa dưới chân cầu thang và những vong hồn khác.

Trong mâm cúng thời khắc giao hòa, không thể thiếu 2 đĩa cá, 2 đĩa thịt lợn, hai đĩa lòng đủ loại với 2 đĩa xôi nếp nương. Ngoài ra, còn có các món nướng, chua, khô tùy vào điều kiện từng gia đình.

Thiếu nữ Thái trong ngày Xuân.
Thiếu nữ Thái trong ngày Xuân.

Đúng 12 giờ đêm giao thừa, chính là thời khắc các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ ở trên Mường trời (đẳm chào) tề tựu đông đủ tại gian hóng (gian thờ ma nhà của người Thái) trong nhà. Người trong nhà phải túc trực, đánh chiêng đánh trống chào đón các bậc tổ tiên.

Người Thái có tục giữ lửa bếp trong suốt đêm giao thừa. Đồng bào quan niệm rằng, nếu bếp lửa mà tắt thì năm mới sẽ gặp phải nhiều điều không may mắn. Chính những nghi lễ mà đồng bào thực hiện đã làm nên nét đặc trưng đêm giao thừa của người Thái.

Đối với người Thái, lấy nước cầu may đầu năm để mang đến sự tốt lành, thịnh vượng, nuôi sống muôn loài. Việc lấy nước phải được thực hiện trước khi gà gáy canh 1. Nếu như lấy nước mà gà đã gáy rồi thì sẽ không còn ý nghĩa. Nước để lấy là nước suối nhưng nếu ai lấy được nước ở đầu nguồn của con suối thì sẽ càng mát trong, thanh khiết hơn...

Bắt đầu từ chiều mùng 1 Tết, từ già đến trẻ cùng nhau hòa mình vào những trò chơi dân gian truyền thống như nhảy sạp, ném còn, khắc luống, múa hát… và thưởng thức món ngon truyền thống, mời nhau những chén rượu nồng, chúc nhau sức khỏe, nhiều may mắn trong năm mới./.

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.