Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghệ thuật Xòe Thái trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: Nhân lên niềm tự hào của đồng bào Thái Tây Bắc

Vũ Lợi - 07:50, 17/12/2021

Khi thông tin nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào chiều tối 15/12 đã dấy lên niềm tự hào và xúc động cho hàng triệu đồng bào Thái nói riêng và người dân Việt Nam nói chung trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

Màn múa xòe đoàn kết của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc
Màn múa xòe đoàn kết của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc

Niềm tự hào của cộng đồng dân tộc Thái

Dành hơn nửa cuộc đời để sưu tầm chữ Thái cổ và những nét đặc sắc trong văn hóa cộng đồng dân tộc Thái bà Lường Thị Đại (nghệ nhân đầu tiên của tỉnh Điện Biên được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể) chia sẻ: Từ xa xưa, Xòe Thái đã ăn sâu vào máu thịt của người Thái Điện Biên nói riêng, cộng đồng dân tộc Thái nói chung. Mỗi điệu xòe lại hiện diện một nét văn hóa đặc trưng của người Thái. Trước thông tin, Nghệ thuật Xòe Thái trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là người con dân tộc Thái Điện Biên tôi thấy rất tự hào và phấn khởi, đồng thời cũng tự thấy bản thân mình cần phải có trách nhiệm để nỗ lực bảo tồn, truyền dạy cho thế hệ sau để Xòe Thái mãi trường tồn.

Điệu Xòe hái hoa (pít bó), cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, mọi người ai cũng có sức khỏe, được ấm no, hạnh phúc.
Điệu Xòe hái hoa (pít bó), cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, mọi người ai cũng có sức khỏe, được ấm no, hạnh phúc.

Nghệ nhân Điêu Thị Siêng ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái - người cũng đã dành mọi tâm huyết cho việc truyền dạy và lưu giữ những điệu xòe suốt mấy chục năm qua cho biết: Người Thái ở Mường Lò (Yên Bái) quan niệm rằng xòe như một phần cuộc sống, như cơm ăn, nước uống hằng ngày

Chính vì vậy trong bất cứ hội vui nào, các vòng xòe lại được rộng mở. Tình đoàn kết cộng đồng như được thắm đượm hơn, công việc trôi chảy, thuận lợi hơn. Với ý nghĩa ấy, các điệu xòe không khi nào tách khỏi đời sống, sinh hoạt thường ngày và luôn gắn với các lễ hội cộng đồng, nghi lễ tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa của đồng bào Thái.

Lan tỏa Xòe Thái trong cộng đồng

Ở Mường Lò (Yên Bái) - cái nôi của Nghệ thuật Xòe Thái hiện có hàng nghìn nghệ nhân có thể xòe hay, xòe bài bản và thể hiện được hết tâm tư, tình cảm trong mỗi động tác. Mường Lò hiện cũng đã đưa xòe Thái vào truyền dạy trong các trường học, với mong muốn ngày càng có nhiều thế hệ tiếp nối yêu thích và quan tâm lưu giữ nét đẹp văn hóa đặc sắc này của dân tộc. 

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp (Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên): Sự kiện UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khơi dậy lòng tự hào của các tầng lớp Nhân dân nói chung, cộng đồng dân tộc Thái nói riêng, thúc đẩy thế hệ trẻ quan tâm hơn đến Di sản, nêu cao ý thức và hành động thiết thực để bảo vệ sức sống của các di sản văn hóa phi vật thể tại cộng đồng. Đồng thời, cũng đặt ra trách nhiệm cho các địa phương có đồng bào người Thái sinh sống đối với việc tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị của Nghệ thuật Xòe Thái trong xã hội hiện đại.

Xòe Thái được bảo tồn phát huy trong nhiều cơ sở giáo dục ở Tây Bắc
Xòe Thái được bảo tồn phát huy trong nhiều cơ sở giáo dục ở Tây Bắc

Ông Hiệp nhấn mạnh: Định hướng của ngành ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên thì không chỉ trong dịp lễ hội mà tại các bản văn hóa du lịch, mỗi khi có sự kiện, lễ hội đều đưa điệu xòe Thái vào biểu diễn. Trước đây chúng tôi đã duy trì và nay tiếp tục tiếp nối. Trong thời gian tới, ngoài các sự kiện tại tỉnh, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, chúng tôi cũng sẽ mời các nghệ nhân tham gia trình diễn điệu xòe Thái để giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế.”

Được biết, ngay sau sự kiện này, các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu có kế hoạch phối hợp đề xuất tổ chức Lễ đón nhận Bằng ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong năm 2022. Đây chắc chắn sẽ là Ngày hội vui của đồng bào Thái Tây Bắc và vòng xòe sẽ lại rộng mở đón chào du khách gần xa.

Nghệ thuật Xòe Thái đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia từ năm 2013. Hiện nay, trung tâm của Xòe Thái có thể được coi là ở Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), huyện Thuận Châu (Sơn La).... Điệu xòe dành cho tất cả mọi người không kể tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, nghề nghiệp và tộc người cùng tham gia, vì vậy có sức sống bền vững, được cộng đồng truyền từ đời này sang đời khác qua nhiều thế hệ.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.