Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ngành Thủy sản sẽ “cất cánh” nếu chọn hướng phát triển bền vững

Thùy Như - 14:46, 17/03/2023

Theo đánh giá của các chuyện gia, việc giảm khai thác, tăng nuôi biển, chuyển đổi nghề nghiệp cho một bộ phận ngư dân theo hướng cân bằng sinh thái biển là định hướng đúng đắn, dài hơi để Việt Nam đạt mục tiêu kép là gỡ thẻ vàng của EC và bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản một cách bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần kiểm điểm trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương nếu không giải quyết triệt để tình trạng vi phạm IUU
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần kiểm điểm trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương nếu không giải quyết triệt để tình trạng vi phạm IUU

Hệ lụy từ thẻ vàng của EC

Tại Hội nghị bàn giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU đóng góp 1 - 1,4 tỷ USD mỗi năm (chiếm 15-17% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đi các thị trường).

Sau cảnh báo thẻ vàng IUU từ năm 2017, xuất khẩu thuỷ sản khai thác của Việt Nam liên tục giảm. Giai đoạn 2017 - 2019, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD.

Năm 2020, xuất khẩu sang EU sụt giảm sâu nhất vì tác động kép từ thẻ vàng của EC và dịch Covid-19. Năm 2021, xuất khẩu các sản phẩm đều tăng trở lại nhờ tác động của hiệp định EVFTA. Đồng thời, dịch Covid-19 làm tăng giá xuất khẩu, tăng nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng.

Trong trường hợp, nếu EC rút thẻ đỏ IUU với nghề cá Việt Nam, lệnh cấm thương mại sẽ được áp dụng hoàn toàn đối với các sản phẩm thủy sản khai thác. Khi đó thiệt hại đối với nền kinh tế là không hề nhỏ.

Trước đó, trong Hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển (tới cấp huyện, xã) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, việc chưa giải quyết triệt để tình trạng vi phạm IUU, cần kiểm điểm trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, đồng thời cần sự vào cuộc tích cực của người dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải làm việc này vì lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân, vì hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế, khẳng định Việt Nam là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Lựa chọn những giải pháp phát triển bền vững

Giảm khai thác, tăng nuôi biển là hướng đi đúng đắn, dài hơi cho ngành thủy sản Việt Nam
Giảm khai thác, tăng nuôi biển là hướng đi đúng đắn, dài hơi cho ngành thủy sản Việt Nam

Có thể nói việc gỡ thẻ vàng của EC là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, bởi lẽ EU nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và trước Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 11 tỷ USD của nước ta năm 2022, thị trường EU đóng góp 1,3 tỷ USD. Về lâu về dài, nếu Việt Nam không thể giải quyết dứt điểm những khuyến nghị mà EC đã đưa ra, sẽ dẫn tới tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, sinh kế của ngư dân bị đe dọa.

Trong định hướng phát triển kinh tế biển của nước ta, ngành khai thác thủy sản chiếm một vị trí quan trọng. Số lao động trực tiếp tham gia khai thác thủy sản là khoảng 550.000 người với hơn 94.000 tàu cá. Số lao động gián tiếp tham gia nghề cá biển (lao động dịch vụ, hậu cần…) là khoảng 1,5 triệu người, tổng số lao động tham gia khai thác hải sản và dịch vụ lên tới hơn 2 triệu người. Đánh bắt trên biển chiếm gần 43% tổng sản lượng thủy sản và chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Tuy nhiên, hiện nay ngành khai thác nguồn lợi hải sản đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có tình trạng tàu, thuyền phát triển một cách tự phát không theo quy hoạch, dẫn đến mất cân bằng về nghề trên các ngư trường. Thực trạng đó dẫn tới việc tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản ở nước ta đang suy giảm nghiêm trọng. Việc khai thác quá mức làm cho hiệu quả đánh bắt của mỗi chuyến đi biển thấp, dẫn đến thu nhập của ngư dân giảm.

Định hướng của ngành thủy sản trong thời gian tới là chuyển dịch theo hướng giảm sản lượng đánh bắt, tăng sản lượng nuôi, trồng trên biển, mà vẫn đảm bảo xuất khẩu tăng trưởng giá trị kim ngạch hàng năm ở mức 4-5%. Trên thực tế, Việt Nam có hơn 1 triệu km2 diện tích vùng biển, nhưng diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi, trồng thủy sản trên cả nước.

Nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển nuôi, trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu chung của Đề án là phát triển lĩnh vực nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; Tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích nuôi biển đạt 280.000ha với 10 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng khoảng 850.000 tấn, xuất khẩu đạt 0,8-1 tỷ USD. Năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000ha với 12 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng 1,45 triệu tấn, xuất khẩu đạt 1,8-2 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Dự thảo “Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái,” gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái, tạo việc làm ổn định cho cộng đồng ngư dân ven biển.

Dự thảo Đề án đã đặt mục tiêu chuyển đổi một số tàu làm nghề khai thác hải sản xâm hại lớn đến nguồn lợi, môi trường, hệ sinh thái, sử dụng nhiều nguồn lực, nhiên liệu sang các nghề ít xâm hại hơn, hoặc chuyển một số tàu cá sang lĩnh vực khác ngoài khai thác để từng bước cân bằng lại cường lực khai thác với khả năng phục hồi, tái tạo lại nguồn lợi; Từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sử dụng nguồn lợi; Cải thiện môi trường, điều kiện lao động nghỉ ngơi và thu nhập của ngư dân.

Mặt khác, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, việc quy hoạch cảng cá, khu neo đậu sẽ là điểm tì, đòn bẩy thúc đẩy ngành thủy sản phát triển bền vững.

Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ tăng số cảng cá từ 125 như hiện tại lên 172 trong tương lai. Cùng với đó, số lượng tàu cá sẽ giảm xuống còn 83.600. Tất cả nhằm mục tiêu quản lý, truy xuất nguồn gốc được toàn bộ sản lượng thủy sản khai thác và nuôi biển.

Như vậy, với những quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước như đã nêu trên, chúng ta hy vọng trong thời gian tới Việt Nam có thể đạt mục tiêu kép là gỡ thẻ vàng của EC và bảo vệ, phát triển nguồn lợi hải sản một cách bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.