Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nâng tầm du lịch miền Trà Lân

An Yên - 13:13, 02/08/2024

Sức hấp dẫn của thủ phủ miền Trà Lân – Con Cuông (Nghệ An), không chỉ là các di tích, danh thắng non nước hữu tình; mà đó còn là sự phong phú, đa dạng của văn hóa truyền thống các DTTS địa phương. Địa lợi cùng với thiên thời và những trợ lực từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, là bàn đạp quan trọng để người dân Con Cuông hiện thực giấc mơ thoát nghèo bền vững và làm giàu từ phát triển du lịch.

Dòng sông Giăng như dải lụa xanh chảy giữa Vườn Quốc gia Pù Mát, đầy hấp dẫn và mê hoặc
Dòng sông Giăng như dải lụa xanh chảy giữa Vườn Quốc gia Pù Mát, đầy hấp dẫn và mê hoặc

Con Cuông có gì?

Trên bản đồ du lịch, Con Cuông đã bắt đầu có chỗ đứng. Cứ nhìn tiềm năng thì rõ ngay. Những đập Phà Lài, dòng sông Giăng, thác khe Kèm, khe Nước Mọc; rồi những điểm du lịch Thắm Nàng Màn, Khu du lịch sinh thái Tạ Bó… và cả rừng nguyên sinh Pù Mát với hệ thống động, thực vật phong phú thực sự rất hấp dẫn.

Đất và người Con Cuông cũng không thua kém gì. Con Cuông có cộng đồng người Thái, Khơ mú, Đan Lai… sinh sống với nhiều nét văn hóa đậm đà bản sắc. Cội nguồn hình thành vùng đất cũng đã sản sinh ra nhiều ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, rượu men lá… Chưa kể nét văn hóa ẩm thực riêng biệt, không thể trộn lẫn của người Thái. 

Bên cạnh đó, những địa chỉ du lịch cộng đồng như bản Khe Rạn, bản Xiềng, bản Nưa… cùng các câu lạc bộ dân ca, dân vũ chính là điểm đến hấp dẫn trong hành trình trải nghiệm của du khách. Còn di tích lịch sử văn hóa, thì càng không thể bỏ qua Khu di tích nhà cụ Vi Văn Khang - nơi thành lập Chi bộ Đảng miền Tây đầu tiên, Hang Thẩm Hoi (hang Ốc), bia Ma Nhai…

Trở lại với Vườn quốc gia Pù Mát, thiên nhiên ưu ái đã biến Pù Mát thành điểm nhấn quan trọng của du lịch Con Cuông và là địa chỉ “bỏ túi” của nhiều du khách khi về miền Tây xứ Nghệ. Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cùng hệ động thực vật phong phú và khí hậu mát lành khiến Pù Mát trở điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Du khách trải nghiệm các hoạt động văn hóa với người dân bản Thái huyện Con Cuông
Du khách trải nghiệm các hoạt động văn hóa với người dân bản Thái ở huyện Con Cuông

Hiện thực giấc mơ du lịch từ bản sắc văn hóa

Nhận thấy thế mạnh của vùng đất, từ di tích danh lam thắng cảnh và bản sắc văn hóa của cộng đồng các DTTS…; Con Cuông đã có những hướng đi trong việc vừa gìn giữ vừa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa vào hoạt động du lịch. Trong đó, lồng ghép nguồn lực Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 đang là bàn đạp cho du lịch phát triển.

Hiện tại, từ nguồn lực Chương trình MTQG này, trong những năm gần đây, Con Cuông đang tập trung đầu tư xây dựng các chương trình, dự án là điểm đến du lịch như: Các điểm du lịch cộng đồng; mở rộng, nâng cấp, xây dựng mới các nhà văn hoá cộng đồng tại các thôn, bản, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đáp ứng các tiêu chí về điểm du lịch và làm hài lòng khách du lịch khi đến trải nghiệm tại địa phương.

Điển hình như dự án nâng cấp, xây mới khu du lịch lịch sử nhà cụ Vi Văn Khang do sở VHTT làm chủ đầu tư. Ngoài ra, UBND huyện cũng làm chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điểm đến tại khu du lịch cộng đồng bản Khe Rạn, xã Bồng Khê; mở rộng nâng cấp các nhà văn hóa bản Xiềng, xã Môn Sơn, bản Xằng, xã Lục Dạ, bản Cai và bản Cống, xã Cam Lâm, bản Boong xã Lạng Khê, bản Xiềng xã Đôn Phục, bản Tông, xã Bình Chuẩn..., với tổng mức đầu tư hơn 5,83 tỷ đồng.

Những sản phẩm OCOP đặc trưng của vùng đất cũng được địa phương quảng bá, xây dựng, như mô hình du lịch cộng đồng Khe Rạn, xã Bồng Khê; Mô hình du lịch cộng đồng bản Nưa, xã Yên Khê; sản phẩm dây thìa canh, cà gai leo của Công ty cổ phần dược liệu Pù Mát; rượu men lá Lê Đông; rượu men lá Châu Liên; rượu nếp cẩm Thảo My…

Hoạt động chèo thuyền trên sông Giăng vào vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát thu hút khách du lịch và những người yêu thể thao mạo hiểm đến với Con Cuông
Hoạt động chèo thuyền trên sông Giăng vào vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát thu hút khách du lịch và những người yêu thể thao mạo hiểm đến với Con Cuông

Việc bảo tồn các sản phẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc như: dịch vụ ẩm thực, lưu trú, sản phẩm dệt thổ cẩm, đan lát… được đầu tư, sáng tạo về mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Qua đó, vừa kết hợp hài hoà yếu tố bản sắc văn hoá truyền thống với yếu tố du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Văn hóa truyền thống từ dân ca, dân vũ… được thành lập và duy trì ở các bản làng, các điểm du lịch cộng đồng, đã góp thêm "màu sắc" cho hoạt động du lịch địa phương. Thêm vào đó, việc sưu tầm, truyền dạy dân ca, dân vũ được đẩy mạnh cùng với hoạt động tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng cho người dân ở các bản làng từ nguồn vốn sự nghiệp qua các năm từ 2022-2024. Người dân còn được tiếp cận các nguồn vốn vay để nâng cấp xây dựng các cơ sở lưu trú là các homestay, chỉnh trang khuôn viên nhà ở…phục vụ du khách.

Những vấn đề cần quan tâm giải quyết 

Từ thực tế cho thấy, phát triển du lịch bền vững gắn với việc gìn giữ phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, không chỉ là xây dựng đô thị sinh thái trong tương lai mà còn mang lại lợi ích kép về kinh tế, là việc làm và thu nhập cho người dân Con Cuông.

Du lịch cộng đồng bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông là một trong những điểm đến hấp dẫn
Du lịch cộng đồng bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông là một trong những điểm đến hấp dẫn

Thế nhưng, hoạt động này vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Trước hết, văn hóa truyền thống các DTTS nơi đây đang đứng trước nguy cơ bị mai một, pha tạp do tác động từ mặt trái của hội nhập. Đáng quan tâm, hiệu quả, giá trị kinh tế từ du lịch mang lại chưa cao. Đặc biệt, các sản phẩm truyền thống của đồng bào như đồ thổ cẩm, mây tre đan, rượu men lá, rượu cần… chưa được đầu tư bài bản để trở thành những sản phẩm đặc trưng được du khách yêu thích, mua sắm, sử dụng nhiều.

Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nên việc đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch rất cần được quan tâm, để làm sao đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển du lịch. Tiếp đó, địa phương cũng cần tiếp tục được đầu tư, hỗ trợ nguồn kinh phí nhiều hơn nữa, để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến quảng bá, số hóa bản đồ du lịch; xây dựng thương hiệu, kết nối các sự kiện, lễ hội riêng của huyện với các địa phương khác của tỉnh... hình thành chuỗi sự kiện du lịch. 

Song song là đầu tư nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có của địa phương như hoạt động tham quan danh thắng, nghỉ dưỡng, tắm khe suối, du lịch cộng đồng... Đồng thời, cũng tính đến việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch mới như leo núi tham quan rừng nguyên sinh Pù Mát...

Một vấn đề không kém phần quan trọng, là đội ngũ con người trong chuỗi phát huy bản sắc văn hóa DTTS vào hoạt động du lịch cần phải được tập huấn, đào tạo để nâng cao trình độ, kỹ năng nhằm đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Cùng với đó là chú trọng việc truyền dạy, nâng cao ý thức cho thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Tin cùng chuyên mục