Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Gần rồi, Nậm Nhoóng ơi!

Khánh Ngân - 08:11, 05/08/2024

Trong ký ức của nhiều thế hệ giáo viên cắm bản, Nậm Nhoóng (huyện Quế Phong, Nghệ An) là vùng đất xa xôi cách trở. Chuyện ăn, chuyện ở… và cả chuyện đi đến Nậm Nhoóng là cả một hành trình gian nan vất vả khó nói bằng lời. Nhưng giờ đây, vùng đất có gần 100% dân tộc Thái sinh sống ở Nậm Nhoóng này đã thay đổi diện mạo. Nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia đã tiếp sức để đời sống đồng bào Thái, Khơ Mú được nâng lên toàn diện.

(Bài KH): Gần rồi, Nậm Nhoóng ơi
Trong ký ức của nhiều người, Nậm Nhoóng là vùng đất xa xôi, cách trở và nghèo đói của huyện Quế Phong (Nghệ An)

Một thời xa ngái...

Trong ký ức của cô giáo cắm bản Đậu Thị Hạnh, bản Na kích nói riêng và xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong (Nghệ An), là vùng đất xa xôi cách trở. Chiều biên giới, trong phút trải lòng cô Hạnh nhớ lại: Vào những năm 2010, tôi được phân công về điểm trường mầm non bản Na Kích công tác. Từ trung tâm xã Nậm Nhoóng vào bản chỉ vẻn vẹn 6 km, nhưng là đường đất, lắm suối nhiều dốc nên đi lại cũng vất vả lắm. Do giao thông cách trở nên đời sống của đồng bào Thái, Khơ Mú ở Na Kích khó khăn trăm bề. Vì thế chuyện học của các em được xếp sau chuyện “cơm no, muối mặn” hàng ngày của đồng bào!

Đó là Na Kích, còn để vào được trung tâm xã Nậm Nhóng, cũng là cả một hành trình dài. Từ trung tâm huyện Quế Phong, cô Hạnh phải mất hơn 2 giờ đồng hồ đi xe máy vượt đỉnh Bù Chồng Cha. Rồi đến cung đường hẹp bên núi cao, bên vực sâu ngoằn nghèo giữa đại ngàn thăm thẳm. Hành trình cắm bản dạy học của cô Hạnh cứ đều đặn “chiều Chủ nhật vào Na kích, chiều thứ Sáu ra thị trấn Kim Sơn”. Đó là những tháng thời tiết thuận, còn vào mùa mưa lũ, cô Hạnh phải biền biệt cả tháng mới về nhà!

Khó khăn là vậy, nhưng cô Hạnh cùng đồng nghiệp vẫn bám trường, bám lớp dạy dỗ các em. Bởi cô quan niệm: “Nếu không có cái chữ thì các em lại rơi vào vòng luẩn quẩn: Đói nghèo, tảo hôn, thất học… như chính cuộc đời của bố mẹ các em”. Thời đó, hầu như toàn bộ đồng bào các DTTS ở Na Kích, Na Hốc và các bản làng ở xã Nậm Nhoóng đều khó khăn, nghèo đói.

Là một xã nghèo nằm ở phía Tây Nam của huyện Quế Phong, Nậm Nhoóng có tổng diện tích tự nhiên là 4.784,81 ha. Toàn xã có 5 thôn, bản với 2.592 nhân khẩu đều là đồng bào DTTS. Do điều kiện tự nhiên cách trở, thiếu đất sản xuất, nên đời sống đồng bào vô cùng khó khăn. Trong sinh hoạt hoạt hàng ngày, đồng bào còn tồn tại nhiều hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết, uống rượu bỏ quên nương rẫy… Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng đường, trường, điện còn tạm bợ.

Sau nhiều năm cống hiến cho giáo dục ở xã vùng cao, hiện cô Đậu Thị Hạnh đã được chuyển về Trường Mầm non xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu công tác, nhưng ký ức về Nậm Nhoóng thì cô không bao giờ quên.
Sau nhiều năm cống hiến cho giáo dục ở xã vùng cao, hiện cô Đậu Thị Hạnh đã được chuyển về Trường Mầm non xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu công tác, nhưng ký ức về Nậm Nhoóng thì cô không bao giờ quên.

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Lữ Trung Thành - Chủ tịch UBND xã Nậm Nhoóng cho biết: “Từ 2010 trở về trước, nhắc đến Nậm Nhoóng là nghĩ ngay đến sự xa xôi cách trở. Thời điểm đó, các điểm trường ở các thôn bản đa phần là tranh tre nứa lá. Giao thông đi lại cũng chỉ là đường mòn, lối đất đi bộ. Đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào thì trăm bề vất vả”.

Nậm Nhoóng hôm nay

Lên với Nậm Nhoóng lần này, con đường vượt dốc Bù Chồng Cha đã được hạ độ cao, đổ nhựa phẳng lỳ. Cung đường bên núi cao, bên vực sâu năm nào giờ đây đã là cung đường rải nhựa rộng rãi. Từ trung tâm huyện Quế Phong, ô tô bon bon vào tới trung tâm xã. Nậm Nhoóng đã khoác lên mình chiếc áo mới với “Nhà đồng bào kiên cố; trường học khang trang; đường giao thông được bê tông và nhựa hóa...”.

Khánh Thành cầu dân sinh vượt lũ ở bản Na, xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong
Hệ thống giao thông ở xã từng bước được đầu tư xây dựng (Trong ảnh: Cầu dân sinh vượt lũ ở bản Na Kích, xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong)

Năm 2010 là năm đầu tiên cả nước thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới (NTM). Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, đồng bào các DTTS cùng chính quyền địa phương xã Nậm Nhoóng quyết liệt thực hiện. Từ nguồn lực Nhà nước hỗ trợ xi măng, Nhân dân Nậm Nhoóng góp công, góp thêm của để bê tông hóa nhiều tuyến đường giao thông nội bản, nội xã. Phong trào xây dựng NTM đã và đang đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở Nậm Nhoóng

Cùng với đó, Chương trình 135, 30a… cũng dành nguồn lực để hỗ trợ con giống, cây giống để đồng bào phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Trong giai đoạn 2010 - 2020, toàn xã Nậm Nhoóng đã có khoảng 100 hộ đồng bào được thụ hưởng hỗ trợ cây, con giống từ Chương trình 30a. Từ đó, nhiều hộ có sinh kế, vươn lên thoát nghèo.

Lên với Nậm Nhoóng lần này, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã về đến tận cùng bản Na Kích để gặp anh Ngân Văn Dụng. Trước đây, gia đình anh Dụng thuộc diện hộ nghèo nên được nhận 1 con bò giống từ Chương trình 30a. Sau nhiều năm chăm chỉ chăm sóc đến nay gia đình anh đã nhân đàn lên 7 con bò. 

Ngoài ra, anh còn nuôi thêm 2 con trâu sinh sản. Thu nhập từ bán bê con, nghé con và trồng rừng đã giúp gia đình anh vươn lên thoát nghèo bền vững. Cũng như gia đình anh Dụng, ở Nậm Nhoóng nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước.

Anh Ngân Văn Dụng (ngoài cùng bên trái) chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về mô hình kinh tế nuôi bò và trồng rừng của gia đình mình ngay tại lán trại ở bản Na Kích, xã Nậm Nhoóng
Anh Ngân Văn Dụng (ngoài cùng bên trái) chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về mô hình kinh tế nuôi bò và trồng rừng của gia đình mình ngay tại lán trại ở bản Na Kích, xã Nậm Nhoóng

Cùng với đó, nguồn lực từ Chương trình 30a đã đầu tư xây mới nhiều tuyến đường giao thông, trong đó có đường vào bản Na Kích… ở Nậm Nhoóng. Cơ sở hạ tầng thay đổi cũng góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Thái, Khơ Mú ở Nậm Nhoóng không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nhân dân trong toàn xã luôn nêu cao tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong đời sống, cần cù, lao động, sáng tạo, vươn lên làm kinh tế, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá giả.

Có đà từ những năm trước, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) tiếp tục tiếp thêm sức mạnh ngoại lực để Nậm Nhoóng khoác lên “tấm áo mới” khang trang hơn. Tính lũy kế, từ năm 2022 đến nay, đã có 58 hộ gia đình ở Nậm Nhoóng được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở. Hơn 40 hộ đồng bào DTTS ở Nậm Nhoóng được hỗ trợ phát triển sinh kế như hỗ trợ bò giống, dê giống, lợn giống… Cùng với đó, nhiều công trình được nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 đầu tư xây dựng khanh trang.

Chỉ tính riêng năm 2023, Chương trình MTQG 1719 đã đầu tư gần 10 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạn tầng phục vụ đời sống dân sinh, phát triển sản xuất ở Nậm Nhoóng. Tiêu biểu là công trình Trường Mầm non Nậm Nhoóng, với tổng mức đầu tư 5,1 tỷ đồng. Trường có kết cấu nhà 2 tầng, 8 phòng học. Đến nay, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng giúp con em đồng bào Thái, Khơ Mú có chỗ học bán trú khang trang. Hay như tuyến kè suối chống sạt lở khu vực Trường Trung học Cơ sở Nậm Nhoóng…

Bước sang năm 2024, Chương trình MTQG 1719 tiếp tục đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tại bản Huồi Cam, xã Nậm với mức đầu tư gần 1,7 tỷ đồng. Dự kiến, khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ phục vụ đủ nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 78 hộ đồng bào DTTS. 

Cũng từ nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719, trong năm 2024 này công trình nhà bếp và hệ thống nhà vệ sinh Trường TH và THCS xã Nậm Nhoóng sẽ được đầu tư xây dựng, với tổng vốn là 1,2 tỷ đồng. Đến nay, công trình này đã khởi công xây dựng và dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu năm học mới 2024 - 2025 này.

Điểm Trường Mầm non bản Na Hốc- (Trường Mầm non Nậm Nhoóng) đã được đầu tư xây dựng khang trang
Điểm Trường Mầm non bản Na Hốc thuộc Trường Mầm non Nậm Nhoóng đã được đầu tư xây dựng khang trang

Cũng trong câu chuyện với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Lữ Trung Thành chia sẻ: “Bây giờ Nậm Nhoóng đã gần rồi lắm rồi. Nguồn lực từ chính sách dân tộc và các chương trình MTQG cùng với sự nỗ lực của đồng bào đã làm cho Nậm Nhoóng khang trang hơn.

Qua 14 năm, kể từ ngày thực hiện phong trào xây dựng NTM, hôm nay nhìn lại, Nậm Nhoóng nay đã khác xưa. Hàng trình từ trung tâm huyện lỵ vào đến Nậm Nhoóng là những cung đường được nhựa hóa. Nguồn lực từ chính sách dân tộc và các chương trình MTQG đã làm tỷ lệ hộ nghèo đã giảm sâu, thay vào đó là tỷ lệ hộ khá, hộ giàu ở Nậm Nhoóng không ngừng được tăng lên. Chuyện lo “no cơm, mặn muối” của đồng bào cũng đã lùi vào dĩ vãng. Nậm Nhoóng giờ đây đã khoác lên mình “tấm áo mới” với trường mới, đường mới, nhà mới… khang trang.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.