Ổn định dân cư, xóa bỏ tệ nạn
Pá Sập nằm trên một đỉnh núi cao, cả bản có 48 hộ, với 250 nhân khẩu, 100% dân số là người dân tộc Mảng, một trong 4 dân tộc có dân số dưới 10.000 người của tỉnh Lai Châu.
Sinh ra, lớn lên ở Pá Sập và đã có 15 năm làm Trưởng bản, anh Pàn Văn Len biết rất rõ những đổi thay của mảnh đất này. Anh Len kể: “Trước kia, Pá Sập từng là bản có nhiều “không” như không điện, không nước sinh hoạt, không sóng điện thoại. Cuộc sống của đồng bào Mảng chủ yếu tự cung, tự cấp. Do địa hình chủ yếu là đất đồi dốc cao, lại thiếu nước, kỹ thuật canh tác lạc hậu, người dân bản Pá Sập chỉ trồng được một vụ lúa nương/năm, thời gian còn lại bỏ hoang cho cỏ mọc khiến đất đai nhanh bạc màu.
Một số người dân bản Pá Sập còn sa vào các tệ nạn, hủ tục như: Nghiện rượu, nghiện thuốc lào, tảo hôn... Tình trạng nghiện rượu cùng hủ tục đã làm suy giảm giống nòi người Mảng, cướp đi sinh mạng của nhiều người đàn ông là trụ cột gia đình khi mới bước vào tuổi trung niên.
Tuy nhiên, nhờ cán bộ xã Nậm Pì lặn lội vào bản, tìm đến các hộ tuyên truyền và cảnh báo tác hại của rượu, hướng dẫn làm kinh tế... nên vài năm trở lại đây, đàn ông dân tộc Mảng đã dần cai được rượu, thay đổi trong nhận thức, đã quan tâm đến việc làm nông nghiệp, chăm lo cho gia đình, vợ con.
Anh Pàn Văn Len cho biết, khoảng những năm 2019, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, bản Pá Sập được sắp xếp ổn định dân cư. Theo đó, có thêm 9 hộ được chuyển từ những vùng có nguy cơ sạt lở về tái định cư (TĐC). Mỗi hộ TĐC cũng được hỗ trợ 20 triệu đồng để vận chuyển vật liệu và san lấp mặt bằng.
Gia đình ông Xìn Văn Xiêng (70 tuổi) là một trong số chủ hộ được TĐC cho biết: “Những năm qua, đời sống gia đình tôi cũng như các hộ khác chuyển đến TĐC trong bản đã dần đổi thay. Hiện, con trai và con dâu tôi đi làm ăn xa và cũng gửi tiền về, cùng với lúa gạo gia đình sản xuất được nên không còn cảnh thiếu lương thực như trước nữa”.
Hướng về tương lai
"Bản Pá Sập mình nay đang đổi thay rồi, có điện, đường bê tông, trường mầm non, người lớn đã biết cách làm ăn, con trẻ được đến lớp... Giờ đây cái ăn của đồng bào không còn đứt bữa như trước. Đời sống đồng bào đã được nâng lên và đang xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp”, anh Pàn Văn Len, Trưởng bản Pá Sập phấn khởi thông tin.
Theo anh Pàn Văn Len, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều gia đình trong bản còn được cấp bò giống sinh sản. Đây sẽ là “nguồn vốn” cho đồng bào vươn lên.
Điểm nổi bật nữa mà anh Len chia sẻ là hiện tại, nhiều thanh niên dân tộc Mảng của bản đã không cam chịu quẩn quanh ở nhà với ruộng nương, mà đã đi làm việc ở các địa phương khác như Bắc Giang, Bắc Ninh, Điện Biên… để nâng cao thu nhập cho gia đình. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự đổi thay của dân tộc Mảng.
Ông Vũ Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Nậm Pì cho biết: Tỷ lệ hộ nghèo của bản Pá Sập hiện vẫn còn cao với 63,83%. Tuy nhiên, trong những năm qua, người dân trong bản đã chí thú làm ăn hơn, biết dùng máy móc, phương tiện canh tác, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng nông sản nên thu nhập cũng tăng hơn, người dân đã quan tâm cho con em đến trường đi học.
“Đặc biệt, nhờ nguồn lực hỗ trợ từ các Chương trình MTQG, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Mảng ở Pá Sập đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, do đó, đồng bào cũng yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống; tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”, ông Vũ Văn Thân nhấn mạnh.