Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Đời sống của đồng bào Mảng ở Nậm Nhùn (Lai Châu): Còn đó nhiều khó khăn

Hoài Dương - 11:34, 05/06/2020

Có điện lưới quốc gia, có đường giao thông bê tông vào đến bản, trẻ em được đến trường… là những đổi thay tại các bản người Mảng ở huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) hôm nay. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân vẫn còn nghèo, vấn đề quan trọng nhất đặt ra là cần tạo được sinh kế giúp đồng bào có thu nhập, hướng tới thoát nghèo bền vững.

Tỷ lệ đi học chuyên cần của con em đồng bào Mảng đạt cao
Tỷ lệ đi học chuyên cần của con em đồng bào Mảng đạt cao

Những bước chuyển mình căn bản

Dẫn chúng tôi vào bản trên tuyến đường bê tông gần 30km từ trung tâm huyện, quyền Trưởng phòng Dân tộc huyện Nậm Nhùn Pờ Thị Hạnh phấn khởi kể về những đổi thay ở các bản làng dân tộc Mảng. Chỉ tay về phía trước xa xa, chị Pờ Thị Hạnh nói: “Kia là bản Huổi Van 1, có 66 hộ, 320 nhân khẩu với 100% là người Mảng. Những năm qua, nhờ các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước, bộ mặt của bản làng đã có nhiều đổi thay, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng từ trường học, điện lưới quốc gia, đến đường giao thông liên xã, góp phần giúp bà con làm ăn phát triển kinh tế”.

Ông Lò Văn Chèo, Trưởng bản Huổi Van 1, xã Nậm Hàng vui mừng chia sẻ: “Giờ cuộc sống bà con đã tốt hơn trước nhiều rồi; bà con được xem Tivi, nắm bắt được nhiều thông tin, được nghe, được hiểu nhiều hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ khi có điện, ngoài việc sử dụng sinh hoạt gia đình còn giúp bà con làm dịch vụ xay xát lúa, ngô…”.

Bên cạnh những đổi thay về đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH) thì việc học hành của con em đồng bào Mảng cũng được tạo môi trường tốt. Phần lớn các em học sinh đã thích đến lớp, đến trường. Con em đồng bào Mảng đến trường, được Nhà nước nuôi ăn, ở; các phụ huynh cũng đã ký cam kết cho con đi học chuyên cần. Từ đó, tỷ lệ đi học chuyên cần của con em dân tộc Mảng đạt cao, 99% đối với bậc học mầm non, 98% đối với bậc tiểu học; 90% đối với bậc THCS và đạt trên 80% đối với bậc THPT.

Cùng với đó, nhiều hủ tục lạc hậu của người Mảng cũng đã được xóa bỏ như: Sinh đẻ trong rừng, ngoài nhà, ngoài lán; thách cưới; hôn nhân cận huyết thống giảm đáng kể… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hiện tại cuộc sống của đồng bào Mảng vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn rất cao. Theo số liệu báo cáo của Phòng Dân tộc, toàn huyện có 678 hộ dân tộc Mảng thì còn tới 362 hộ thuộc hộ nghèo, 85 hộ thuộc hộ cận nghèo.

Tạo sinh kế thoát nghèo bền vững

Thực tế cho thấy, mặc dù đồng bào dân tộc Mảng đã nhận được sự quan tâm, đầu tư mọi mặt của Đảng, Nhà nước, được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ, trong đó có Đề án “Phát triển KT-XH vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhưng có lẽ, những chính sách hiện hành vẫn chưa đủ mạnh để vực dậy cuộc sống của người Mảng, giúp họ vươn lên một cách bền vững, ổn định.

Nhưng nguyên nhân chính khiến cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, đó là thiếu đất sản xuất, thiếu sinh kế ổn định…

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lò Văn Chèo, Trưởng bản Huổi Van 1 cho biết, những năm qua các hộ dân trong bản đều được tham gia lớp đào tạo nghề, nhưng sau khi học nghề xong, người dân không phát huy được. Mặc dù được hỗ trợ cây, con giống để phát triển sản xuất nhưng thiếu đất sản xuất, nên sản lượng thu về rất ít, có thời điểm vẫn rơi vào tình trạng đói. Bên cạnh đó, việc sinh nhiều con cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo.

Làm sao để tạo sinh kế, giúp người dân có thu nhập ổn định vẫn đang là bài toán khó, là trăn trở của chính quyền nơi đây. Theo ông Lò Văn Cương, Bí thư Huyện ủy huyện Nậm Nhùn, các bản làng của đồng bào Mảng chủ yếu ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn mà lâu nay các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước lại mang tính đại trà chưa tập trung trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, do nhu cầu nguồn vốn lớn, đối tượng và các nội dung hỗ trợ nhiều nhưng việc phân bổ kinh phí hằng năm lại chưa đảm bảo so với phân kỳ đầu tư. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ người Mảng vẫn mang tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước, chưa tự giác trong lao động sản xuất là những lý do khiến cho công tác giảm nghèo vùng dân tộc Mảng gặp nhiều khó khăn. 

Thiết nghĩ, bên cạnh các chính sách được Đảng, Nhà nước đầu tư có trọng tâm trọng điểm, chính quyền địa phương cũng cần phải vào cuộc một cách mạnh mẽ, tích cực hơn nữa trong việc xem xét, đề xuất tạo ra các cơ chế, chính sách đặc thù. Từ đó tạo động lực, cú hích để hỗ trợ cũng như định hướng đúng cho công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế cho người dân tộc Mảng nơi đây.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.