Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cần khơi dậy nội lực của đồng bào dân tộc Mảng

Trọng Bảo - 10:11, 23/12/2019

Dân tộc Mảng là dân tộc ít người, có đời sống đặc biệt khó khăn ở huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) với khoảng 650 hộ, gần 3.200 nhân khẩu, sinh sống tập trung ở 14 bản thuộc 5 xã Nậm Ban, Nậm Pì, Hua Bum, Nậm Hàng và Trung Chải.

Nhiều hộ gia đình dân tộc Mảng ở xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn đã đầu tư nuôi dê để phát triển kinh tế
Nhiều hộ gia đình dân tộc Mảng ở xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn đã đầu tư nuôi dê để phát triển kinh tế

Do điều kiện tự nhiên khó khăn, địa bàn cư trú của người dân chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, tập tục canh tác lạc hậu nên cuộc sống của phần lớn đồng bào dân tộc Mảng vô cùng khó khăn. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của dân tộc Mảng còn tới 56%. Kết thúc năm 2019, hộ nghèo cũng chỉ giảm được vài hộ.

Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đời sống của đồng bào dân tộc Mảng trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, việc triển khai Đề án 1672 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”, Nghị quyết số 30a về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo”… đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của đồng bào nơi đây. Trình độ nhận thức của một bộ phận bà con dân tộc Mảng đã được nâng lên. Bà con đã tập trung vào trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

Ông Trần Văn Nam, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Chải cho biết, từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đã hình thành trong đồng bào, như: Mô hình trồng dong riềng, nghệ và chăn nuôi gia súc tập trung...

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Nam, hiện vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa thật sự chăm chỉ làm ăn, còn tư tưởng trông chờ vào các nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ; bên cạnh đó, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc Mảng còn hạn chế, nên rất khó khăn tuyên truyền, vận động bà con phát huy nội lực tự vươn lên phát triển kinh tế. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã chủ yếu rơi vào các hộ dân tộc Mảng.

“Chúng tôi đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm, ưu tiên đặc biệt cho con em dân tộc Mảng sau khi được học và tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng hay đại học được tuyển dụng làm cán bộ, công chức, các đoàn thể xã, để lớp trẻ có thể trực tiếp tác động, tuyên truyền cho đồng bào Mảng thì hiệu quả sẽ cao hơn”, ông Nam kiến nghị.

Chia sẻ thêm về cuộc sống của đồng bào Mảng, ông Hà Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn nhìn nhận, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua đã hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc Mảng trên địa bàn huyện Nậm Nhùn. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cũng đang giảm dần qua từng năm.

Tuy nhiên, so với các dân tộc khác trong vùng, kinh tế của các hộ gia đình người Mảng vẫn ở vị trí thấp, do đó, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ đồng bộ hơn, mức hỗ trợ cao hơn, để đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay. Phải có chính sách, đề án riêng, nhất là những chính sách đầu tư cho giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; xuất khẩu lao động; khoanh nuôi, trồng rừng.

“Không nên hỗ trợ trực tiếp mà nên hỗ trợ theo hình thức gián tiếp để tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại của bà con. Có như vậy thì bà con mới dần vươn lên phát triển, thoát nghèo bền vững được”, ông Hà Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn đề xuất ý kiến.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.