Cả bản đều nghèoDạo một vòng quanh bản Huổi Cuổng, chúng tôi thấy người lớn và trẻ em mặt mũi nhem nhuốc, quần áo xộc xệch đứng trước những ngôi nhà mái tôn, vách ván chắp vá xộc xệch. Vừa thấy người lạ, một phụ nữ trẻ chạy ra nói với chúng tôi rằng chị không có nhà, năm ngoái nhà của chị đã bị mưa bão làm đổ mất. Liền đó, một nam thanh niên trẻ cũng lại gần thông báo anh không có nhà, đang phải đi ở nhờ. “Cán bộ Nhà nước hỗ trợ cho mình nhà ở đi!”, anh tranh thủ đề nghị.
Ghé thăm nhà Trưởng bản Lò A Chinh, chúng tôi chỉ gặp vợ ông là bà Lý Thị Nghiên. Khi hỏi về tình hình cuộc sống của người dân trong bản, bà Nghiên cho biết, qua những cuộc họp dân ở nhà mình, bà cũng biết bản Huổi Cuổng có hơn 40 hộ dân, gần 100% số hộ trong bản đều thuộc diện hộ nghèo. Trong bản có rất nhiều hộ không chịu làm ruộng nương mà chỉ đi làm thuê quanh xã rồi trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chồng của bà thường xuyên đến các hộ vận động bà con, nhưng bao năm nay cũng chẳng thay đổi được là mấy. Có nhiều hôm tổ chức họp dân, Trưởng bản đánh kẻng năm bảy lần để thông báo nhưng nhiều người không chịu đến họp. Có người còn bảo: “Không cần họp đâu, nhà Trưởng bản làm thì Trưởng bản ăn, nhà tôi làm thì tôi ăn, sao phải nói nhiều!”
Không gặp được Trưởng bản, chúng tôi lại tìm đến nhà anh Chìn Văn Quyền, Phó bản để tìm hiểu nguyên nhân của sự đói nghèo ở đây. “Anh có nghĩ bà con Huổi Cuổng nghèo là do sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước không?” tôi hỏi. Phó bản Quyền cũng thành thật: “Không phải đâu! Lỗi do dân bản mình cả thôi. Nhà nước có quan tâm, nhưng do dân bản không biết tự giác lao động, không biết tính toán nên nghèo ấy mà”.
Hệ lụy từ nghiện rượu và ma túyThông tin thêm về bản Huổi Cuổng, anh Lý Văn Phủ, Trưởng Công an xã cho biết, xã Vàng San có 3 bản người Mảng gồm: Huổi Cuổng, Nậm Xuổng, Nậm Xẻ, nhưng chỉ có Huổi Cuổng là bi đát nhất. Năm 2012, Huổi Cuổng có 32 người nghiện ma túy, nhưng năm nay chỉ còn 8 người. Những người nghiện đã chết dần vì ma túy và các bệnh xã hội xuất phát từ tiêm chích ma túy trong những năm vừa qua. Điều đáng buồn là những người nghiện ma túy đa phần tuổi đời còn trẻ, do thiếu hiểu biết và đua đòi nên đã sa vào hút chích. Một số gia đình chỉ trong 2-3 năm đã có tới 4-5 người chết, ví dụ như gia đình chị Pàn Thị Pen, năm 2016 có 4 người chết gồm bố, mẹ, chồng, chị chồng; gia đình anh Lò A Ơn có 5 người chết.
Nhiều năm nay, chính quyền xã Vàng San rất “đau đầu” trong việc tìm lối thoát cho người dân ra khỏi những cơn nghiện kéo dài triền miên, nhưng đến nay vẫn chưa cải thiện được tình hình.
Ở Huổi Cuổng không chỉ có nỗi buồn ma túy mà còn nhiều nỗi buồn khác. Bên cạnh “cái chết trắng”, nhiều người dân trong bản còn nghiện rượu, nghiện thuốc lào… Những thứ “nghiện” này chính là nguyên nhân chính khiến những người nghiện trở nên lười lao động, đói nghèo triền miên.
Nghèo đói, lạc hậu cũng kéo theo hàng loạt hệ lụy khác. Trẻ em ở Huổi Cuổng ít được học hành đến nơi đến chốn. Hiện nay, cả bản cũng chỉ có hơn 10 cháu đang học THCS. Có 2 em học sinh nữ đang học nội trú lớp 8 tự ý bỏ học đi theo “chồng” ở bản khác mà cả tháng sau gia đình mới biết.
Cần tăng cường cán bộ xuống “cắm bản”Trước thực trạng kinh tế-xã hội ở Huổi Cuổng, nhiều cơ quan chức năng của tỉnh, huyện, xã đã dành sự quan tâm lớn cho nơi này. Cách đây vài năm, Huổi Cuổng đã được Nhà nước hỗ trợ cho 25 con bò mẹ để các hộ nuôi nhân giống bò con, nhưng chỉ có vài hộ chăm sóc, số còn lại để thả rông khiến bò bị mất và chết gần hết. Cuối cùng, cán bộ dự án đành phải chuyển bò giống sang cho các hộ dân ở bản khác chăm sóc.
Năm 2015, Huổi Cuổng cũng được đầu tư xây dựng một mương nước với số tiền lên đến gần 2 tỷ đồng nhằm đưa nước tưới cho vùng sản xuất lúa nước của bản. Thế nhưng, chỉ có lác đác vài hộ làm lúa.
Tìm giải pháp nào để giúp người dân Huổi Cuổng thoát nghèo là bài toán khó đối với chính quyền và những người làm công tác dân tộc ở Lai Châu. Chị Lò Thị Vương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, người có nhiều tâm huyết với công tác dân tộc của tỉnh chia sẻ: Ngoài việc ưu tiên đầu tư nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, lãnh đạo địa phương cần tăng cường cán bộ xuống “cắm bản” để vận động, tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn, giúp dân cách làm ăn, cách chăn nuôi, sản xuất. Cán bộ tăng cường phải là cán bộ thực sự có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm để giúp đỡ bà con. Đi kèm theo đó, cần có chế độ đặc biệt cho các cán bộ “cắm bản” để họ an tâm công tác.
NGỌC ÁNH