Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Triệu phú người Mảng ở Trung Chải

PV - 09:25, 15/07/2021

Ông Tào A Toi (SN 1957, dân tộc Mảng ở bản Nậm Nó 1, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu là người có nghị lực vươn lên thoát khỏi đói nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Từ hai bàn tay trắng, đến nay cơ ngơi của ông đã có hàng trăm con trâu, bò, dê, mỗi năm thu nhập cả trăm triệu đồng.

Ngoài nuôi trâu, bò, ông Toi còn nuôi thêm ngan, vịt và đào ao thả cá
Ngoài nuôi trâu, bò, ông Toi còn nuôi thêm ngan, vịt và đào ao thả cá

Bản Nậm Nó 1 - nơi gia đình ông Tào A Toi sinh sống nằm chênh vênh trên sườn núi, phía dưới là dòng sông Nậm Na hùng vĩ. Người Mảng định cư ở đây từ bao giờ cũng chẳng ai còn nhớ, chỉ biết rằng hiện nay nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước mà đời sống đồng bào đã vơi bớt khó khăn, không còn du canh, du cư như trước nữa. Để gặp được ông Toi chúng tôi phải nhờ các đồng chí lãnh đạo UBND xã liên hệ trước nhiều ngày. Bởi nơi ông ở không có sóng điện thoại, thời điểm duy nhất có thể liên lạc được là lúc ông lên đồi đuổi trâu, bò về chuồng. Biết chúng tôi tới thăm, ngày hôm ấy ông mổ sẵn một con dê để tiếp khách rồi gọi tất cả các con cháu về dự cùng. Đây là lần thứ hai chúng tôi được gặp ông, vẫn sự nhiệt tình, gần gũi ấy, ông đón tiếp khách trong căn nhà sàn khang trang được dựng lên bằng những năm tháng miệt mài lao động.

Kể về câu chuyện làm giàu của mình, ông Toi cho chúng tôi biết: “Năm 18 tuổi, cũng như bao thanh niên dân tộc Mảng khác tôi xây dựng gia đình rồi lần lượt sinh được 7 người con. Cuộc sống ở bản quanh năm đói kém mà lũ trẻ thì ngày một lớn hơn, ăn nhiều hơn rồi chẳng biết lấy gì cho chúng ăn ngoài củ sắn, củ mài đào trên rừng về. Nuôi con gì cứ lớn lên một chút là chết nên cũng chẳng mặn mà đến chăn nuôi, thoát nghèo để làm gì. Những năm 1990-1991, tôi quyết định tách hẳn gia đình mình đến ở khu vực riêng, khai hoang đất cấy lúa, nuôi gà, lợn để phát triển kinh tế. Từ lúc ấy, nuôi lợn, nuôi gà đều không bị dịch chết mà còn lớn nhanh, năm nào cũng bán được vài con lợn, mấy chục con gà”, tích cóp lại lấy vốn mua trâu, mua bò về nuôi để có điều kiện kinh tế như bây giờ.

Thắt lưng buộc bụng từ những đồng vốn ít ỏi ban đầu, sau 5 năm ông đã tích lũy được số vốn khoảng 1 triệu đồng mua 2 con trâu, 3 con bò về nuôi. Con số ấy vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước là niềm mơ ước của nhiều hộ gia đình ở dưới xuôi chứ chưa nói đến một bản miền núi, biên giới như Nậm Nó. Điều kiện kinh tế dần được cải thiện khi đàn trâu, bò ngày một phát triển, ông Toi bán đi để có tiền cho các con được đến trường, đến lớp theo học con chữ để cuộc đời bớt khổ hơn ông. Đến nay, đàn trâu, bò của gia đình ông đã lên đến 98 con, trong đó có 18 con trâu và 80 con bò. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm 40 con dê, đào ao thả cá, nuôi ngan, vịt cũng đem lại thu nhập đáng kể. Tính thu nhập của gia đình đến nay cũng ngót ngét con số 300 triệu đồng/năm. Tổng tài sản hiện có cũng lên đến hàng tỷ đồng, nếu gọi ông là tỷ phú cũng rất xứng đáng. Có được thành quả trên là sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của ông Toi và các thành viên trong gia đình không ngừng nỗ lực vươn lên. Sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, tạo điều kiện cho ông tham gia các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Toi còn tích cực giúp đỡ các hộ dân khác trong bản, trong xã cùng vươn lên thoát nghèo. Hộ nào không có trâu, bò, ông hỗ trợ về giống, khi nào thoát được nghèo thì trả lại cho ông. Từ thành công của bản thân, ông hướng dẫn, tuyên truyền vận động phổ biến bà con trong bản, xã những kinh nghiệm sản xuất và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ngay tại địa phương. Xuất phát điểm là hộ đói, hộ nghèo, nhưng nhờ những cố gắng, nỗ lực vươn lên, gia đình ông Toi đã trở thành hộ giàu có nhất nhì trong xã. Được Hội Nông dân các cấp công nhận là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen, của các cấp, các ngành. Đặc biệt, năm 2015 ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế, xã hội của Lai Châu từ năm 2004 đến năm 2014, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Ông Lò A Tư - Chủ tịch UBND xã Trung Chải cho biết: Hộ gia đình ông Tào A Toi là điển hình trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Gia đình ông luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, nỗ lực vươn lên không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của nhà nước. Ông Toi là tấm gương về nỗ lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cần được nhân rộng.


Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.