Đến thôn Dục Nhầy 3, hỏi thăm nhà chị Y Chi ai ai cũng nhiệt tình dẫn lối. Bởi lẽ, đối với dân làng, Y Chi là tấm gương làm ăn, phát triển kinh tế giỏi được người dân học tập. Y Chi còn được biết đến là người tiên phong trồng cà phê, cao su tại địa phương, chị đã chứng minh cho mọi người thấy việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thay đổi cuộc sống nghèo khổ.
Đón chúng tôi trong căn nhà khang trang, chị Y Chi cho biết: “Mình lập gia đình vào năm 1993, thời đó cơ cực lắm, thường đói ăn vào mùa giáp hạt. Tài sản lúc đó là 6 sào đất bố mẹ cho. Lúc bấy giờ đất chỉ để trồng khoai, trồng mì nhưng năng suất không cao. Vợ chồng tôi lúc đó chỉ biết chăm chỉ cày cuốc để thay đổi cuộc sống. Sau nhiều năm cố gắng, 6 sào đất cũng mở rộng lên được thành 2ha”.
Tuy nhiên, theo chị Y Chi đất đai ở quê chị đã bạc màu, đồng thời vì chưa biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất chưa cao, đời sống vẫn gặp nhiều khó khăn. Năm 2005, nhận thấy nhiều nơi đổi đời từ trồng cà phê, Y Chi liền bàn với chồng chuyển đổi 2 ha mì sang trồng cà phê.
“Thời điểm đầu chuyển đổi sang trồng cà phê, gia đình tôi nhận nhiều sự phản đối từ bà con làng xóm vì mọi người cho rằng cà phê lâu cho thu hái mà công sức bỏ ra nhiều. Nhưng với niềm tin của mình, tôi tích cực học hỏi cách chăm sóc cây cà phê từ sách, báo đến mô hình thực tế, từ đó đúc kết kinh nghiệm cho mình”, Y Chi bộc bạch.
Vài năm sau đó, thấy cây cao su cho giá thành cao, nhiều hộ đổi đời từ giống cây này, chị tiếp tục dùng tiền tích lũy từ trồng cà phê để đầu tư trồng thêm cao su. Đến thời điểm cao su cho thu hoạch, gia đình chị thu về khoảng hơn 100 triệu mỗi năm từ loại cây này.
Không chỉ tập trung trồng các loại cây như cao su, cà phê,… Y Chi còn mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để xây chuồng, chăn nuôi heo.
Đến nay, gia đình chị Y Chi có 2 ha cao su, 2 ha cà phê và hơn 40 con heo. Mỗi năm gia đình chị thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Nhờ nguồn thu nhập ổn định, gia đình chị Y Chi có điều kiện xây nhà khang trang; các con được đi học đầy đủ, có công ăn việc làm ổn định.
Không chỉ mạnh dạn làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, chị Y Chi còn là tấm gương sáng trong việc giúp đỡ bà con, làng xóm để vươn lên thoát nghèo. Gia đình chị Y Dêng và Y Dom là 2 hộ tiêu biểu được Y Chi chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng...
Gia đình chị Y Dêng trước đây chỉ biết trồng cây lúa, cây mì, nhờ Y Chi tận tình chỉ bảo, định hướng chuyển đổi từ trồng mì sang trồng cao su mà đời sống gia đình Y Dêng đã có nhiều thay đổi. Mỗi năm thu nhập từ cây cao su hơn 100 triệu đồng.
Chị Y Chon, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đăk Dục nhận xét: Y Chi là một tấm gương sáng điển hình trong việc làm kinh tế giỏi tại địa phương để cho chị em phụ nữ học tập và làm theo. Đồng thời, chị Y Chi cũng là tấm gương sáng trong việc giúp đỡ người dân bằng cách chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản xuất, chăn nuôi, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
(Bài viết thuộc chuyên đề Khuyến nông với đồng bào DTTS)