Kết hợp trồng sắn với trồng cao su từ năm 2006 (hơn 1ha cao su và hơn 1ha sắn), gia đình ông Lý Văn Thịnh, thôn Đồng Tâm, xã A Dơi mỗi năm thu về khoảng 50 triệu đồng, nên đời sống kinh tế gia đình ông nhiều năm qua đã khấm khá hơn.
Ông Thịnh chia sẻ, những ngày đầu, khi quyết định chuyển đổi cây trồng, ông đã được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật từ khâu xuống giống, quá trình chăm sóc. Đặc biệt, khi cây cao su chuẩn bị cho khai thác mủ, gia đình ông tiếp tục được cán bộ nông nghiệp về tận nơi, hướng dẫn cách cạo mủ.
Thế nhưng, dù được hỗ trợ về kỹ thuật, bước đầu có thu nhập, nhưng việc tìm đầu ra ổn định cho cao su vẫn là bài toán khó đối với gia đình ông Thịnh, cũng như những hộ gia đình trồng cao su ở xã A Dơi. “Người dân làm ra, chỉ trông ngóng vào thương lái thu mua, nhưng năm được, năm mất, giá cả bấp bênh. Chúng tôi rất muốn mở rộng sản xuất, nhưng quan trọng hơn là đầu ra phải ổn định. Mong có một doanh nghiệp về đây liên kết sản xuất hoặc đứng ra thu mua mủ cao su cho người dân”, ông Thịnh chia sẻ.
Ông Hồ Xa Cách, Chủ tịch UBDN xã A Dơi cho biết: “Qua bao đời, người dân A Dơi chỉ bám lấy cây sắn để có nguồn thu. Nhưng từ 2006 đến nay, theo hướng dẫn của huyện Hướng Hóa, xã A Dơi đã vận động người dân chuyển một số diện tích sắn kém hiệu quả sang trồng cây cao su. Đặc biệt, từ 2018 tới nay, việc chuyển đổi mạnh mẽ hơn, có thêm hơn 180ha cao su được trồng mới”.
Thời gian qua, để phát triển cây cao su, xã A Dơi đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa tổ chức các lớp tập huấn chăm sóc, cách cạo mủ cao su. Mới đây, xã đã có văn bản gửi UBND huyện xin thành lập HTX chuyên về cây cao su. Đồng thời, vận động người dân vay vốn, đầu tư cây giống để sản xuất. Với 95% diện tích đất tự nhiên là sản xuất nông nghiệp, mỗi hộ ít nhất có khoảng 3ha đất để sản xuất, vì vậy, việc mở rộng phát triển cây cao su là hoàn toàn có cơ sở.
Theo ông Cách, tính đến cuối năm 2019, xã A Dơi đã tổng kết và đánh giá giá trị của cây cao su trên địa bàn là khoảng 3 tỷ đồng/năm. Điều đáng mừng là đồng bào DTTS đã ủng hộ chuyển đổi và tham gia sản xuất.
Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động 4 thôn chủ yếu là đồng bào DTTS thực hiện chuyển đổi sản xuất. Làm sao, diện tích cao su mỗi hộ đạt khoảng 2ha, từng bước xóa đói giảm nghèo.
Theo Chủ tịch UBDN xã A Dơi, khó nhất hiện nay là tìm đầu ra cho sản phẩm, xã đã từng đề nghị UBND huyện Hướng Hóa quan tâm, xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp về đầu tư tại địa bàn, trước mắt là thu mua, sơ chế, bảo quản mủ cao su cho người dân. Thế nhưng, vấn đề này vẫn chưa có kết quả.
Tuy nhiên từ thực tế, các hộ trồng cao su đều nhìn nhận rằng, trồng cao su đang có những hiệu quả khả quan hơn so với cây trồng trước đây.
Tính đến cuối năm 2019, xã A Dơi đã tổng kết và đánh giá giá trị của cây cao su trên địa bàn là khoảng 3 tỷ đồng/năm. Điều đáng mừng là đồng bào DTTS đã ủng hộ chuyển đổi và tham gia sản xuất”.
Ông Hồ Xa Cách, Chủ tịch UBDN xã A Dơi