Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Buôn Đôn (Đăk Lăk): Hiệu quả từ các mô hình chuyển đổi kinh tế

Lê Hường - 11:01, 01/06/2020

Huyện biên giới Buôn Đôn đất đai cằn cỗi, nguồn nước khan hiếm, diễn biến thời tiết phức tạp thường xuyên tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp. Nhưng nhờ chính quyền địa phương định hướng đúng và triển khai hỗ trợ thiết thực nên người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào DTTS, đã chuyển đổi các mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập cao.

Mô hình trồng cây ca cao, cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gia cầm dưới tán cây của ông Lục Văn Tuyên (bìa phải)
Mô hình trồng cây ca cao, cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gia cầm dưới tán cây của ông Lục Văn Tuyên (bìa phải)

Gia đình ông Lục Văn Tuyên, 53 tuổi, dân tộc Tày, ở thôn 8, xã Ea Wen từng là một hộ nghèo thuộc diện kinh niên. Nhà có hơn 1ha đất sản xuất nhưng những năm trước, ông chỉ trồng cây ngắn ngày, thời tiết thất thường năng suất thấp, thu nhập hằng năm không đủ nuôi con ăn học.

Từ hướng dẫn của cán bộ địa phương, ông Tuyên thực hiện mô hình kết hợp chăn nuôi gia cầm dưới tán cây ca cao và cây ăn quả. Năm 2013, ông được hỗ trợ vay 7 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để trồng ca cao; sau đó tiếp tục vay thêm ngân hàng để đầu tư trồng xen canh cam, quýt đường và mua gà, bồ câu Pháp thả dưới tán cây. 

Nhờ nguồn thu từ mô hình nuôi, trồng kết hợp, gia đình ông có thu nhập khá, nuôi hai người con ăn học đến nơi, đến chốn, có việc làm ổn định. Đến nay, gia đình ông cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Cũng xuất phát từ hộ nghèo lâu năm, nay gia đình ông Y Đội Niê, buôn Drech A, xã Ea Huar cũng trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi của huyện. Năm 2014, gia đình ông được hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản từ Chương trình 135 và được vay 7 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện; đồng thời được tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc cây trồng, vật nuôi.

 Từ 1 con bò được hỗ trợ, nay ông đã có đàn bò 4 con. Tận dụng nguồn phân bò, ông trồng 2 sào rau xanh các loại, nhờ đó gia đình ông đã thoát nghèo. Hiện nay, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Y Đội thu hơn 50 triệu đồng.

Ông Y Si Thắt Ksơr, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết: Những năm qua, huyện khuyến khích và hỗ trợ người dân khó khăn phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển đổi các mô hình phù hợp, hiệu quả; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân, nhất là đối với đồng bào DTTS. Ngoài ra, huyện còn đứng ra liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ người dân con giống, thức ăn chăn nuôi và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm. 

Nhờ vậy, nhiều hộ đồng bào DTTS đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng đa canh, đa con, áp dụng khoa học - kỹ thuật để phát triển sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 27,6 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,7 lần so với năm 2013 (16,2 triệu đồng/người/năm). 

“Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung đầu tư cho vùng đồng bào DTTS; triển khai nhân rộng các mô hình, dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả; chú trọng công tác đào tạo nghề; cải thiện giao thông nông thôn, nước sinh hoạt, kỹ thuật canh tác, hỗ trợ tư liệu sản xuất, vốn đầu tư phục vụ phát triển sản xuất của đồng bào các DTTS”, ông Y Si Thắt Ksơr cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.