Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Làng Chờ thời hội nhập

PV - 10:45, 13/06/2019

Làng Chờ (xã Ya Ly, Sa Thầy, Kon Tum) có gần 100% dân cư là đồng bào Jrai. Hiện tại người dân làng Chờ đã biết bỏ lại sau lưng những hủ tục, những trông chờ, ỷ lại để vươn mình tiếp cận các mô hình kinh tế mới. Những ấn phẩm văn hóa, sách báo hướng dẫn làm du lịch trước đây xa lạ giờ thành “món ăn” tinh thần quen thuộc của nhiều người làng đang nung nấu ý định làm du lịch thời hội nhập.

Giữ gìn “đặc sản”

Bao mùa mưa nắng đã qua, nghệ nhân Y Mong không còn nhớ rõ nhưng đôi chân ông vẫn vẹn nguyên sự hăm hở, say mê như ngày đầu đi khắp các ngõ ngách thổ lộ vào tai từng người hãy giữ lấy tình yêu với cồng chiêng, múa xoang, hát giao duyên. Đó chính là “đặc sản”, nếu mai một đi thì làng Chờ sẽ khó vẫy gọi khách đến.

Hơn 10 năm trước, làng Chờ hắt hiu đến ám ảnh với những ngôi nhà lụp xụp, nay đường nhựa, đường bê tông đã hiện hữu, bao bọc lấy những căn nhà kiên cố. Từng chìm đắm trong rượu, anh A Thông từ giã hẳn những cơn say li bì vì điều ấy đã trở thành lạc hậu với làng Chờ. Nhẩm đọc lời bài hát truyền thống của dân tộc mình vừa thuộc xong, A Thông tâm tình: Lúc nông nhàn, lúc rảnh người ta đi tập chiêng, tập xoang hết rồi, mình uống rượu một mình thì buồn lắm. Nhiều người trẻ thỏa ước với nhau phải tập luyện thành thục các bài chiêng, điệu múa truyền thống rồi mới được tụ tập với nhau. Bên cạnh việc giữ “đặc sản” truyền thống, người già ở làng Chờ còn miệt mài trao truyền những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại trên vùng đất này như một cách làm cho đời sống văn hóa trở nên đa dạng hơn.

làng Chờ Đồng bào Jrai ở Làng Chờ luôn có ý thức giữ gìn các trị văn hóa truyền thống.

Nhớ những năm tháng xa xưa, già làng A Nhíu thổ lộ: Nổi bật ở đây là câu chuyện về nàng H’Ly và chàng Y Rốc. Từ các già làng trước cách đây hàng trăm năm đã truyền kể lại rồi. Rằng, có một vị tù trưởng quyền uy, giàu có nhưng công bằng và nhân từ sinh được cô con gái tên H’Ly. Đến tuổi lấy chồng những hai chàng trai đến là Y Rít và Y Rốc. Y Rốc nhiều tài nhưng nhà nghèo lại được H’Ly chọn. Để công bằng, vị tù trưởng kêu Rít và Rốc chèo thuyền, vượt sông qua cánh rừng rậm đi săn một con cọp về. Chỉ mình Rốc dũng cảm đi săn và mãi không thấy trở về. Thể hiện tình yêu sắc son, H’Ly khóc đợi đến héo hon mà tuyệt đối không lấy ai khác. Nước mắt nàng nhiều ngày tháng tuôn chảy thành dòng đó là thác Yaly ngày nay.

Không đắm chìm trong huyền tích, những người làng Chờ hôm nay ôn lại câu chuyện để nhắc nhở nhau về lòng dũng cảm, lẽ công bằng và sự thủy chung. Ông A Nhíu bảo: Có những ngày lễ, khách đến thăm quan thác Yaly, thăm quan hồ thủy điện và hòa mình vào đời sống của người dân nơi đây. Ai cũng thích thú khi nghe xong bài chiêng, xem xong điệu múa xoang lại thả hồn mình vào chuyện kể này giữa đêm lửa bập bùng và men rượu cần chếnh choáng.

Cũng bởi còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống nên huyện Sa Thầy đã đưa làng Chờ vào Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Tinh thần chung và chủ đạo của Đề án, làng sẽ thành một điểm du lịch hấp dẫn của huyện. Nhiều nét văn hóa đặc trưng sẽ được giữ gìn và phát huy đồng thời giao thoa và tiếp nhận những giá trị mới.

Là người trẻ mê chiêng, anh A Hải chia sẻ: Chiêng, rừng là linh hồn của buôn làng. Nếu mất đi chắc khách cũng không mặn mà đến nữa. Vậy nên, thanh niên ở làng hằng tuần vẫn tập chiêng đều đặn, muốn vươn mình đến cuộc sống mới thì không thể mãi thụ động được. Đã có nhiều đoàn khách hoặc chủ các khu du lịch dưới xuôi lên đây học chiêng, người làng sẵn sàng giao lưu, chỉ bảo để lan tỏa thêm. Người làng cũng sẵn lòng chèo thuyền đưa khách đi thăm thú lòng hồ thủy điện Yaly.

Năng động để thoát nghèo

Từ ngày biết tin, tương lai không xa làng sẽ thành điểm đến trong hành trình du lịch của khách trong và ngoài nước, nhiều người làng Chờ chăm chỉ học nghề, rèn luyện kỹ năng giao tiếp.

Anh A Tây tâm tình: Trừ những người già thì làng Chờ ai cũng đổi mới hết rồi. Có người còn đi học thêm tiếng Anh nữa. Chuyện này xưa kia có mơ cũng không dám nghĩ đến. Học ở trường không được thì người nọ bảo người kia, mượn sách báo ở thư viện về tham khảo. Nhiều đoàn khách đến làng cũng tặng cho sách hướng dẫn học tiếng Anh nên rất thích thú.

Không muốn lưu lại hình ảnh xác xơ trong lòng khách đến thăm, hơn một nửa làng Chờ học nghề trồng cà phê theo khoa học-kỹ thuật, nghề cạo mủ cao su. A Tây khẳng định: Cứ mãi sản xuất theo tập quán cũ thì chỉ đủ ăn thôi. Trên Phòng Lao động, Thương bing và Xã hội huyện xuống kêu gọi nên đi học nghề, có nghề mới chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất, thu nhập và làm giàu được. Giờ ở làng có hàng chục gia đình đã vươn lên khá giả, nhiều phương tiện nghe nhìn đã được trang bị đầy đủ.

Sau khi học nghề trồng và cạo mủ cao su, anh A Thanh cũng đã vươn lên làm giàu nhờ mô hình V-A-C-R (vườn-ao-chuồng-rừng) học được qua sách báo. Nhìn cơ ngơi tiền tỷ của mình, A Thanh bộc bạch: Từ những kiến thức học được từ các lớp dạy nghề và qua hàng trăm cuốn sách, báo mới thấy rõ tác dụng của việc tiếp cận kiến thức, kỹ năng mới. Ban đầu rất khó khăn nhưng cứ kiên trì mãi rồi cũng thành công. Điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng ở đây rất thích hợp trồng rừng và đào ao nuôi cá. Khi thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch thì chính những con cá, con gà “sạch” của làng là món ăn ấn tượng cho khách thăm quan. Từ đó kích thích được sự phát triển kinh tế của các hộ gia đình. Một số gia đình còn có dự định mở thêm cửa hàng đồ lưu niệm, nhà lưu trú để khách đến có thể thoải mái ở lại cùng làng.

Già làng A Nhíu tự tin: Có nhiều người học nghề, có kiến thức rồi, không sợ lạc hậu nữa. Người làng Chờ nhờ tiếp cận các ấn phẩm tuyên truyền nên cũng bỏ hẳn các thói quen lạc hậu cũ. Đám ma, đám cưới không tổ chức dầm dề nhiều ngày như trước. Tư tưởng “trời sinh voi, sinh cỏ” không tồn tại nên trẻ em cũng được chăm lo, cho đến trường đầy đủ. Giao thông của làng cả đường thủy và đường bộ đều thuận tiện nên nông sản hay lương thực vận chuyển dễ dàng.

ĐÔNG HƯNG

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.