Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đem nhiệt huyết tuổi trẻ góp phần phát triển quê hương

Hồng Minh - 10:05, 30/09/2020

Tốt nghiệp chuyên ngành Công tác xã hội hệ Trung cấp của Trường Cao đẳng Lào Cai, cô gái sinh năm 1993 Giàng Mu Mạ, người Xa Phó (một nhánh dân tộc Phù Lá), xã Liên Minh, thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã lựa chọn con đường trở về quê hương để cùng bà con thay đổi cuộc sống khó khăn nơi vùng núi xa xôi.

Đội văn nghệ truyền thống thôn Nậm Sang. (Ảnh tư liệu)
Đội văn nghệ truyền thống thôn Nậm Sang. (Ảnh tư liệu)

Năm 2011, Giàng Mu Mạ trở lại quê hương sau những ngày tháng đi tìm “ánh sáng tri thức” trên thành phố. Từ đây, chị gắn bó với công tác phụ nữ của xã. Hiểu rõ được tâm lý của những người phụ nữ vùng cao thường hay rụt rè và gặp khó khăn trong phát triển kinh tế gia đình, chị Mạ luôn trăn trở phải làm sao để giúp chị em có thêm thu nhập.

Xuất phát từ tâm huyết đó, năm 2017, Giàng Mu Mạ đã đứng ra vận động chị em trong xã thành lập Câu lạc bộ (CLB) thổ cẩm Nậm Sài, với 50 chị em trong xã tham gia. Với phương châm “người cao tuổi dạy cho người trẻ tuổi, người biết nhiều dạy cho người người không biết”, cứ thế đến nay, tất cả các chị em trong CLB đều dệt thành thạo các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Xa Phó. 

CLB dệt thổ cẩm Nậm Sài hiện có 4 khung dệt, các thành viên trong CLB thường tập trung tại nhà văn hóa xã để cùng nhau làm. Hiện nay, một bộ váy áo thổ cẩm đang được bán với giá 3 triệu đồng tại khu du lịch thị xã Sa Pa. Ngoài ra, những món đồ lưu niệm như túi, ví, mũ… do các chị làm ra đều có giá trị từ 1 trăm nghìn đến vài trăm nghìn đồng.

“Mỗi sản phẩm thêu dệt tuy có giá trị cao, nhưng số lượng làm ra không nhiều, nên thu nhập của chị em cũng chưa có nhiều. Tuy nhiên, chị em chúng tôi khi đã tham gia vào CLB thì không chỉ muốn có thêm thu nhập, mà hơn hết là bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc”, chị Mạ chia sẻ.

Gắn bó với công tác phụ nữ suốt một thời gian dài, nhưng mới đây, vào đầu năm 2020 chị Mạ đã chuyển sang làm cán bộ Mặt trận thôn Nậm Sang do sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Dù ở vai trò nào, chị Mạ cũng đều phát huy được hết sức trẻ của mình trong mọi hoạt động. 

Thôn Nậm Sang có 100% dân số là đồng bào người Xa Phó. Những năm trước, người Xa Phó vẫn còn nhiều hủ tục như kết hôn cận huyết thống, tảo hôn, thách cưới cao… Để xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng, những người cán bộ thôn như chị Mạ luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện những chính sách của Đảng, Nhà nước.

Về công tác tại thôn, chị Giàng Mu Mạ tiếp tục thành lập được đội văn nghệ truyền thống thôn Nậm Sang với 16 chị em tham gia, vừa sưu tầm, bảo tồn và truyền dạy các điệu múa độc đáo của dân tộc. Đặc biệt là biểu diễn cho khách du lịch vào mỗi buổi tối thứ Bảy tại khu du lịch thị xã Sa Pa.

Là một trong những Đại biểu trẻ tuổi tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II sắp tới, chị Mạ gửi gắm những tâm tư, kỳ vọng vào một nhiệm kỳ mới với nhiều đổi thay. Những kỳ vọng của chị Mạ cũng chính là niềm tin của người dân Xa Phó vào một cuộc sống tốt đẹp hơn ở phía trước.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.