Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kpă Meo làm kinh tế giỏi

Thùy Dung - 14:35, 10/11/2020

Từ ý chí cầu thị, chăm chỉ học hỏi, tiếp thu cái mới để ứng dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình từ loại cây phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương mà anh Kpă Meo, người Gia Rai ở làng Tung, xã Ia O, huyện Chư Prông (Gia Lai) đã trở thành tấm gương sản xuất giỏi và là 1 trong 50 nhà nông trẻ xuất sắc trên cả nước được nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIII, do Trung ương Đoàn trao tặng.

Với vườn cây ăn trái và thêm nguồn thu từ cây cao su, cà phê mỗi năm anh Kpă Meo mang về cho gia đình hơn 400 triệu đồng.
Với vườn cây ăn trái và thêm nguồn thu từ cây cao su, cà phê mỗi năm anh Kpă Meo mang về cho gia đình hơn 400 triệu đồng.

Kpă Meo vốn sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng Tung (xã Ia O, huyện Chư Prông). Vì điều kiện khó khăn nên anh chỉ theo học được đến lớp 9. Tuy nhiên, với ý chí kiên cường, cố gắng nên năm 2004, anh được bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã. Trong quá trình công tác tại địa phương, anh đã học bổ túc để có bằng THPT. Đồng thời anh học thêm bằng Trung cấp Luật, Trung cấp Lý luận chính trị, trở thành đảng viên. Đến nay, anh đã được bầu giữ nhiều chức vụ như: Phó Bí thư Đoàn xã, Bí thư Đoàn xã Ia O và hiện nay là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã.

Trong vai trò là cán bộ xã, anh không ngừng tuyên truyền giúp người dân vươn lên. Đặc biệt ở xã Ia O, hầu hết người dân biết đến anh vì anh biết làm kinh tế và có vai trò lớn trong việc giúp đỡ, hỗ trợ, hướng dẫn dân làng chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng năng suất và thoát nghèo.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Kpă Meo cho biết, năm 2003, anh lập gia đình và khởi nghiệp với 2ha đất cha mẹ cho, để trồng các loại hoa màu và trồng cà phê. Đến năm 2007, nhận thấy cây cao su mang lại giá trị cao, anh đầu tư 150 triệu để trồng thêm 4ha cao su. Năm 2009, anh mở rộng thêm 3ha cao su. Số tiền này anh vay dân làng và ngân hàng. Đến nay, qua thời gian phát triển và mở rộng anh đã có 7ha cao su và 1ha cà phê. Những năm cao su được giá, anh đã trả được hết nợ ngân hàng và dân làng.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây vì cao su rớt giá nên nhiều hộ dân gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Anh Meo lại nhiều đêm thức trắng để tìm hướng đi mới cho gia đình. Nhận thấy nhiều địa phương đã áp dụng mô hình cây ăn trái và mang lại hiệu quả cao, năm 2015, anh bàn với vợ mua thêm 4ha đất để trồng các loại cây như mít thái, nhãn, chuối, bơ, sầu riêng… trồng xen canh với nhau.

“Lúc đầu chuyển hướng qua trồng cây ăn trái tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Vì chưa có kinh nghiệm nên không tránh khỏi việc cây ăn trái bị sâu, côn trùng phá hoại. Việc nhận biết cây bị nhiễm bệnh là 1 khâu rất khó khăn”, anh Kpă Meo chia sẻ. Nhờ chăm chỉ học hỏi, trau dồi kiến thức để nâng cao chất lượng cây trồng nên vườn cây ăn trái mỗi năm mang về cho gia đình anh thu nhập hơn 200 triệu đồng, tổng thu nhập từ các loại cây đạt hơn 400 triệu đồng.

Vì diện tích vườn rộng, 2 vợ chồng không thể trang trải được hết nên buộc phải thuê bà con chăm sóc. Một ngày công anh trả cho dân làng vào khoảng 150.000 - 200.000 đồng. Nhờ vậy nhiều hộ gia đình trong làng có thêm việc làm để cải thiện kinh tế cho gia đình.

Không chỉ tạo việc làm cho dân làng, anh Kpă Meo còn hỗ trợ dân làng cách chuyển đổi cây trồng, bán cây giống tốt, chất lượng cho người dân. Hộ gia đình anh Rơ Ma Pheo nhờ học theo anh Kpă Meo mà đã trồng được 3 sào mít, ổi xen canh với nhau để phát triển kinh tế gia đình. Còn anh Rơ Ma Đăk thì trồng 1ha xen canh các loại cây ăn trái. 

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.