Biến khó khăn thành thế mạnh
Sở hữu địa thế khó khăn bậc nhất cả nước, với hơn 98% diện tích đồi núi dễ sạt trượt; chưa kể, địa bàn trải dài, với đường biên giới hơn 203km nên việc phát triển kinh tế ở Kỳ Sơn là điều không hề đơn giản.
Nhưng cán bộ, Nhân dân Kỳ Sơn đã làm gì để từng bước xóa đói giảm nghèo? Ấy là việc tận dụng diện tích hơn 98% là đồi núi, đồng bào Mông, Khơ Mú, Thái ở Kỳ Sơn đã tập trung chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng, trồng cây dược liệu và tiến tới phát triển du lịch trải nghiệm…
Bí thư Chi bộ bản Kim Đa, xã Phà Đánh - Moong Văn Khăm, bảo: Nhà mình đang nuôi 7 con bò, mỗi năm bán vài con để trang trải chi tiêu cuộc sống. Nhà mình cũng trồng thêm rừng để lấy ngắn nuôi dài. Nói đâu xa, cả bản Kim Đa này, bà con đều làm thế để ổn định cuộc sống và thoát nghèo.
Gia đình ông Trưởng bản - Cụt Văn Phòng cũng vậy, phát triển kinh tế chủ yếu là chăn nuôi trâu, bò. Ông Phòng nhẩm tính, cả bản Kim Đa có hơn 100 con bò và hơn 40 con trâu. Bản có 67 hộ, 309 khẩu, thì chỉ vài hộ là không chăn nuôi trâu, bò. Còn lại, nhà ít thì nuôi 6 -7 con, nhà nhiều nuôi 10 – 20 con trâu, bò…
Còn ở xã Huồi Tụ, người đàn ông dân tộc Mông - Vừ Vả Chống được xem như là cánh chim đầu đàn về phát triển kinh tế rừng, làm du lịch từ rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Ông Chống là người đầu tiên trong xã tiên phong trồng rừng pơ mu, sa mu phát triển kinh tế và đã có của ăn của để. Gia tài của ông Chống là hơn 10ha rừng pơ mu với những thân cây cao lớn. Dưới tán rừng pơ mu ông Chống trồng chè Shan Tuyết, thả gà, lợn rừng. Được tán cây pơ mu che nắng, cây chè tuyết san phát triển rất tươi tốt. Mỗi năm ông Chống có thu nhập thêm hàng trăm triệu đồng từ chè và bán gà, lợn.
Ông Chống kể: Nhiều khách du lịch đã về trải nghiệm dưới tán rừng pơ mu… Mình đang dự định xây dựng các hạng mục để phục vụ khách du lịch. Thực phẩm hằng ngày sẽ lấy từ những sản phẩm mà gia đình chăn nuôi được và mua thêm từ các hộ trong bản.
Trồng rừng, trồng dược liệu, chăn nuôi dựa vào thiên nhiên, phát triển du lịch trải nghiệm… đang là nền kinh tế xanh mà huyện Kỳ Sơn hướng đến. Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Viết Hùng cho biết: Cùng với phát triển chăn nuôi, huyện sẽ chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các mô hình kinh tế mang tính chất bền vững theo hướng tăng trưởng xanh. Đặc biệt, việc phát triển du lịch trải nghiệm, phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng… sẽ được chú trọng nhân rộng.
“Bàn đạp” để nền kinh tế xanh phát triển bền vững
Hiện nay, Kỳ Sơn đang đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ phù hợp, kết hợp xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của huyện. Đó là chè Shan tuyết, gừng, sâm Puxailaileng…
Nhận thấy tiềm năng, lợi thế của vùng đất cực Tây xứ Nghệ, ngày 26/7/2024, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 2561/QĐ-BNN-LN phê duyệt “Kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế nông lâm nghiệp huyện Kỳ Sơn đến năm 2030”. Đó là hành lang pháp lý, là bàn đạp chắc chắn để Kỳ Sơn phát triển nền kinh tế xanh từ nông nghiệp một cách bền vững nhất.
Nói là “bàn đạp” để nền kinh tế xanh nơi đây phát triển bền vững, bởi mục tiêu mà Quyết định số 2561/QĐ-BNN-LN đề ra chính là khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân. Điều này, hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế mà Kỳ Sơn đang thực hiện.
Theo đó, 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Quyết định số 2561/QĐ-BNN-LN đề cập, đó là: Phát triển rừng bền vững, nâng cao giá trị đa dụng của rừng; phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững; phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng chất lượng, an toàn thực phẩm, gắn với bảo vệ môi trường và bền vững; phát triển thủy sản có năng suất cao, chất lượng tốt và bền vững; phát triển mô hình kinh tế hợp tác, phát triển làng nghề, du lịch gắn với ngành nghề nông thôn và các giá trị văn hóa cộng đồng; ổn định dân cư, phòng chống thiên tai, xây dựng nông thôn mới.
Cả 6 nhiệm vụ trọng tâm này đã bao quát toàn bộ các lĩnh vực, xuyên suốt các thế mạnh của huyện. Và được xem như là “xương sống” cho những định hướng, kế hoạch cụ thể mà Kỳ Sơn đã và sẽ làm. Điều trăn trở, băn khoăn nhất để biến các nhiệm vụ trọng tâm này thành hiện thực, là nguồn kinh phí, thì cũng đã được quy định rõ trong Quyết định số 2561/QĐ-BNN-LN, là sử dụng ngân sách nhà nước kết hợp lồng ghép trong các chương trình MTQG cùng với chương trình, kế hoạch, dự án khác, thu từ dịch vụ môi trường rừng và các nguồn hợp pháp khác.
Có ai đó từng nói: Trong cái khó, ló cái khôn. Ngẫm ra, từ những khó khăn, trở ngại của vùng đất biên thùy; cán bộ, Nhân dân huyện Kỳ Sơn đã và đang tìm ra cho mình hướng đi, “lối thoát” phù hợp. Điều đó càng khẳng định thêm sự trăn trở, quyết tâm làm sao để hiện thực khát vọng thoát nghèo của địa phương và hiện nay khi có cơ chế, chính sách, đường hướng phát triển phù hợp, thì khát vọng ấy sẽ sớm trở thành hiện thực.