Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nắng phía làng Cheng Tông…

PV - 17:17, 06/10/2021

Bóng núi như ngả dài về phía làng Cheng Tông (thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Sau cơn mưa ngày hôm trước, ánh nắng xuyên qua mái nhà làng Xơ Đăng, nơi chúng tôi đang ngồi nhìn về phía trường học dưới chân núi. Những đứa trẻ hồn nhiên trở về nhà, từng bàn chân nhỏ bé bước nhanh về phía những chiếc xe máy chờ sẵn…

Bí thư Chi bộ Trương Thị Luôn (giữa) giúp sức cùng người dân hỗ trợ nông sản gửi tặng đồng bào bị ảnh hưởng bởi Covid-19. (Ảnh chụp trước ngày27/4/2021)
Bí thư Chi bộ Trương Thị Luôn (giữa) giúp sức cùng người dân hỗ trợ nông sản gửi tặng đồng bào bị ảnh hưởng bởi Covid-19. (Ảnh chụp trước ngày27/4/2021)

Thoáng chút giật mình bởi bàn tay ai đó vỗ vào vai mình, tôi kịp nhận ra, đó là Hồ Văn Quỳnh, một cư dân ở làng Cheng Tông. Lần trước, tôi gặp Quỳnh trong một chuyến công tác để ghi nhận câu chuyện nghĩa tình của cộng đồng người Xơ Đăng dưới chân núi Ngọc Linh dành riêng cho đồng bào miền xuôi. Chính xác là đợt vận động quyên góp lương thực, hàng nông sản ủng hộ bà con TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương... chống dịch. Câu chuyện giữa chúng tôi được tiếp nối. Lần này, Quỳnh kể nhiều hơn về những đổi thay ở vùng đất mới, mà hiện diện trước mặt là diện mạo của làng và nếp nghĩ của đồng bào địa phương về nữ Bí thư Chi bộ Trương Thị Luôn.

Nắng trên mái nhà làng

Thấp thoáng trong màn sương núi, bóng người tìm đến nhà làng (nhà sinh hoạt chung của làng) càng thêm đông đúc. Bí thư Chi bộ Trương Thị Luôn nói, hôm nay, người làng Cheng Tông tìm đến để bàn công việc. Việc chung, nên phải đông đủ thành phần tham dự. Bởi đó vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của mỗi người dân với cộng đồng.

Không chỉ là người tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội ở cộng đồng, chị Trương Thị Luôn còn là nữ Bí thư Chi bộ ở cơ sở có nhiều hành động nêu gương, đóng góp tích cực trong công tác xây dựng Đảng tại địa phương miền núi, đặc biệt là phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số. Ở miền núi cao như Nam Trà My, tìm được gương phụ nữ có đủ điều kiện về trình độ chuyên môn, khả năng đảm nhiệm vai trò bí thư chi bộ rất hiếm...

Ông Lê Thanh HưngBí thư Huyện ủy Nam Trà My

Buổi họp nhanh chóng được triển khai. Bí thư Trương Thị Luôn đứng dậy, thông báo một vài công việc trong làng, rồi phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Luôn nói, cuộc họp này, chị thay mặt Trưởng thôn xử lý công việc trong làng. Nhiều ngày trước, trong lúc thăm vườn sâm, anh Hồ Văn Lăng, Trưởng thôn 1 không may bị rắn độc cắn, phải nằm điều trị tại bệnh viện. Để chia sẻ khó khăn với gia đình Trưởng thôn, bên cạnh kêu gọi sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần, chị Luôn trực tiếp xử lý một số công việc, nhằm không để tồn đọng kéo dài. “Mai đúng 7 giờ, bà con tập trung tại nhà làng để đi. Mỗi người, tự mang theo nắm cơm để ăn trưa và cả cuốc, xẻng hoặc rựa để mở đường mới về khu sản xuất”, chị Luôn dặn dò, rồi kết thúc buổi họp chóng vánh.

Bí thư Trương Thị Luôn nói, trước khi được bầu làm Bí thư Chi bộ, chị có nhiều năm làm Trưởng thôn, nên rất hiểu tâm lý của người làng. Gần như, tất cả công việc chung, chưa bao giờ vắng mặt một ai, trừ trường hợp ốm đau hoặc công chuyện cần thiết. Tinh thần đoàn kết, được ví như những sợi mây trên nóc nhà làng, gắn chặt vào nhau cùng vượt qua một đời sương gió. Tôi hỏi về tỷ lệ nghèo, chị bấm ngón tay rồi đưa ra con số chỉ chưa tới 10, chủ yếu là hộ đơn thân, đau ốm.

“Hộ có lao động không thể ở hộ nghèo”, quan điểm đó được áp dụng khi Bí thư Trương Thị Luôn bắt đầu làm Trưởng thôn và duy trì cho đến bây giờ. “Ngày trước, vì sống biệt lập nên hủ tục đeo bám triền miên, kéo theo đó là đời sống người dân quanh năm nghèo khó. Ốm đau, bệnh tật người dân không đến trạm y tế, thay vào đó là mổ heo, mổ bò để cúng tế thần linh khiến “tiền mất tật mang”. Nhưng, đó là chuyện cũ, còn bây giờ thì mọi thứ đã khác rồi. Người dân đã dần tiếp cận với cuộc sống hiện đại, con cái được đến trường học tập, thanh niên không tụ tập rượu chè, cuộc sống đổi thay rất nhanh”, chị Luôn chia sẻ, ánh mắt hiện rõ niềm vui.

Nhưng, để Cheng Tông có được cuộc sống như hôm nay, chị Luôn và nhiều cán bộ thôn phải trải qua rất nhiều cuộc “thử nghiệm” cam go, đầy thử thách. Hành trình đó được ví như phận đời của hạt lúa trên cánh rẫy, bám lấy sương mai. Bởi họ đã chấp nhận đánh cược cả sự nghiệp của bản thân để hiện thực niềm ước làm thay đổi cuộc sống cộng đồng.

Chị Luôn nói với tôi, đó là những năm đầu 2010, lúc thời điểm những cư dân ở làng Cheng Tông này vẫn sống phân tán dọc sườn núi hiểm trở. Nghèo đói và lạc hậu bám lấy như màn sương giăng mắc trên miền non cao.

Hành trình đổi thay…

Chút thoáng buồn hiện trên gương mặt. Khi câu chuyện cũ được gợi nhắc, chừng như đã chạm vào khoảng lặng rất riêng của “người phụ nữ mạnh mẽ” nhất làng Cheng Tông. Chị Luôn nhìn tôi bằng ánh mắt rất lạ. Tôi hiểu, đó là niềm riêng của những cán bộ miền núi khi “dám” chống lại với nếp nghĩ cũ của cộng đồng, thậm chí nếp nghĩ đó có thể là những hủ tục cay nghiệt tồn tại suốt hàng trăm năm. Bất ngờ, câu chuyện như chùng xuống.

“Lúc đó, mình quyết tâm phải làm thay đổi cuộc sống của dân làng, nên dù khó đến mấy cũng không bỏ cuộc. Bắt đầu từ bản thân mình, mình tiên phong dời đi, làm nhà trước để dân làng thấy được cái lợi, cái ích mà theo chủ trương di dân, ổn định cuộc sống”, chị Luôn trải lòng.

Một góc làng Cheng Tông hôm nay
Một góc làng Cheng Tông hôm nay

Quyết tâm đến cùng, sau hành trình miệt mài tuyên truyền, vận động dân làng, cuối cùng chị Luôn cũng thành công. Tận mắt chứng kiến hàng chục hộ dân rời núi về sinh sống tại mặt bằng mới, chị rơi nước mắt vì hạnh phúc. Chị Luôn nói với tôi, đó là năm 2017, dấu mốc lịch sử ngày dân làng Cheng Tông định cư ở “vùng đất hứa” ngay sát con đường lớn, như bây giờ.

Nhưng, về làng mới, mục tiêu tiếp theo là thoát nghèo. Năm đó, chị Luôn được bầu làm Trưởng thôn và kiêm luôn Bí thư Chi bộ, chỉ cách nhau vài tháng. Dù được rất nhiều người tin tưởng, nhưng khi thực hiện chủ trương kêu gọi người dân xóa bỏ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, lần thứ 2 chị vấp phải sự “phản đối” từ cộng đồng. Chị Luôn rớt phiếu bầu Trưởng thôn.

Buồn tủi, nên khi hay tin có đoàn công tác của huyện về địa phương, chị Luôn tha thiết xin gặp lãnh đạo huyện để tâm sự và đề đạt nguyện vọng xin từ chức Bí thư Chi bộ. Mọi người khuyên Luôn cố gắng. Giữa lúc tâm trạng rối bời, may mắn, chị Luôn gặp được chị Phạm Thị Mỹ Hạnh - cán bộ tuyên giáo, bây giờ là Bí thư Huyện đoàn. Thấu hiểu câu chuyện, chị Hạnh động viên chị Luôn hãy mạnh mẽ, tiếp tục cống hiến cho dân làng.

“Em đang đi đúng hướng, em là người tiến bộ. Em nghĩ xem, bây giờ điều quan trọng nhất với em làm gì? Đó chính là quyết tâm làm thay đổi nếp sống của dân làng. Em đã làm được một chặng đường không ai làm được, vậy vì sao phải bỏ cuộc? Phải biết vượt qua để bước tiếp chặng đường phía trước. Em làm được không?”. Chị Hạnh vừa dứt lời, Luôn lặng lẽ rời đi…

“Lúc đó, tôi nghĩ, mình là đảng viên, lại là Bí thư Chi bộ. Chỉ vì cái tôi của mình mà từ bỏ tất cả, liệu có nên không. Rồi còn mặt mũi nào dám nhìn mặt những người đã tin tưởng, động viên mình”, chị Luôn kể.

Dặm dài theo từng câu chuyện của cô gái Xơ Đăng là hành trình “vực dậy” với những cuộc dân vận không mệt mỏi, ghi dấu ấn về cuộc đổi đời của dân làng Cheng Tông, lần lượt bằng các quy ước “Xóa nạn tảo hôn”; “Cộng đồng Xơ Đăng không vi phạm pháp luật”; “Thanh niên hạn chế uống rượu, chăm lo phát triển kinh tế”... Nhìn lại chặng đường đi qua, chị Luôn nói, bây giờ tỷ lệ hộ nghèo đã thực sự giảm dần. Vài năm nay, sâm Ngọc Linh được di thực, mở ra kỳ vọng mới cho cuộc sống đủ đầy nơi miền rừng Cheng Tông…

Thôn 1 (xã Trà Cang) có tổng cộng 204 hộ với 794 nhân khẩu, đều là đồng bào Xơ Đăng sinh sống lâu đời trên 8 nóc làng riêng biệt. Riêng làng Cheng Tông, trong số 37 hộ dân sinh sống, nay chỉ còn 8 hộ nằm trong diện nghèo chủ yếu là người già neo đơn, không có khả năng lao động. Cùng với duy trì tỷ lệ 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường, nhiều năm liền, Cheng Tông được công nhận là Làng văn hóa tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh tại địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.