Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người thắp sáng bản làng Xơ-đăng

PV - 10:33, 12/06/2018

Ở xã vùng cao Trà Nam, huyện Nam Trà My (Quảng Nam), nơi có gần 100% đồng bào dân tộc Xơ-đăng sinh sống, khó khăn, đói nghèo vẫn đeo đẳng từng ngày.

Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, cô giáo Lê Thị Hồng Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Trà Nam vẫn vượt mọi gian khổ, miệt mài với sự nghiệp trồng người. Và hơn thế, bằng tình thương và tấm lòng nhân ái cao cả, người giáo viên ấy còn cưu mang những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tiếp bước cho những ước mơ được cắp sách đến trường… Chị Thanh vinh dự là một trong những đại biểu điển hình dự Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018) được tổ chức trọng thể tại Hà Nội, ngày 3/6 vừa qua.

Miệt mài gieo mầm xanh

Nam Trà My, Quảng Nam những ngày tháng 5 nắng vàng rực rỡ như mật ong dát vàng trên khắp đường làng, ngõ xóm. Con đường từ Trung tâm huyện đến xã Trà Nam dài hơn 20km đã được rải nhựa nhưng xuống cấp nghiêm trọng. Đó cũng chính là con đường hằng ngày chị Thanh đến lớp. Ngôi Trường Mầm non Trà Nam khang trang, sạch đẹp nằm trên sườn núi. Niềm nở đón chúng tôi, chị Thanh khoe, đây là ngôi trường mới được xây dựng.

Chị Thanh thăm hỏi mẹ con em Hồ Văn Quân trong ngôi nhà mới. Chị Thanh thăm hỏi mẹ con em Hồ Văn Quân trong ngôi nhà mới.

 

Chị Lê Thị Hồng Thanh là người dân tộc Kinh, sinh năm 1980, quê ở Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm, tháng 9/2000, chị Thanh về công tác tại Trường Tiểu học Vừ A Dính, xã Trà Don, huyện Nam Trà My. Đến năm 2012, chị Thanh được điều động về làm công tác quản lý tại Trường Mầm non xã Trà Nam. Trường có gần 200 em học sinh, với 1 điểm trường chính và 9 điểm trường lẻ cách xa nhau vài giờ đi bộ. Nhiều điểm trường làm bằng cây rừng, tre, vách nứa, nền đất bụi. Trẻ em đến lớp, hầu hết thiếu thốn quần áo, dày dép, không có đồ dùng học tập…

Trước khó khăn đó, cùng với ngân sách của huyện, chị Thanh đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ hàng chục tỷ đồng để xây dựng, tu sửa lớp học và mua sắm cơ sở vật chất. Chị cũng vận động bà con nhân dân trên toàn xã góp hàng ngàn ngày công để chung tay vận chuyển nguyên vật liệu, sửa sang lớp học. Cho đến nay đã có 60% trường được xây dựng bán kiên cố, các điểm còn lại đều được làm bằng gỗ lợp tôn, nền gạch men và có sân chơi, nhà vệ sinh đảm bảo; 40% điểm trường được hỗ trợ, giúp đỡ phụ huynh xa trường ở lại trường chăm trẻ.

Theo chân chị Thanh đến điểm trường Tak Ta–Mang Liệt, chúng tôi vui mừng khi hơn 20 em nhỏ trong những bộ đồng phục sạch sẽ đang được cô giáo Huỳnh Viết Phương dạy múa, hát. Càng bất ngờ hơn, tại một điểm trường xa xôi, gian khó này, việc luyện chữ, rèn nết người cho các em được thực hiện rất bài bản.

Nằm bên cạnh lớp học khang trang là ngôi nhà gỗ-chỗ ở cho phụ huynh các em ở xa. Cùng với sự ưu tiên của Nhà nước đối với học sinh dân tộc thiểu số, chị Thanh đã vận động các tổ chức từ thiện đầu tư thêm cơ sở vật chất, hỗ trợ thêm bữa ăn tối và đồ dùng sinh hoạt, nuôi ăn ở cho các bậc phụ huynh. Thế nên, một điều đặc biệt, tại điểm trường này, các bậc phụ huynh và các em học sinh đến lớp không phải đóng góp bất kỳ một khoản tiền nào, từ ăn ở, sinh hoạt. Chị Thanh nói vui: đến xà phòng, khăn mặt, kem đánh răng… chị cũng trang bị đầy đủ cho phụ huynh.

Thắp sáng những ước mơ

Ngoài công việc tại trường, chị Thanh còn tranh thủ kết nối với các nhà từ thiện, hảo tâm tạo nguồn lực để giúp bà con nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhờ chị Thanh kêu gọi các nguồn lực, đến nay, toàn bộ các hộ dân xã Trà Nam được hỗ trợ dụng cụ lao động để chăm lo sản xuất, hỗ trợ thực phẩm, đồ dùng, hạt giống..; hỗ trợ tôn làm nhà với số tiền lên đến trên một tỷ đồng. Bên cạnh đó, chị Thanh đã cưu mang, cứu sống nhiều em nhỏ, người có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật.

Chúng tôi không khỏi xúc động khi chứng kiến những phận đời bất hạnh đã được chị Thanh giúp đỡ. Xúc động nhất là trường hợp hai mẹ con em Hồ Văn Quân, ở nóc Long Túc, thôn 5. Quân bị dị tật chân, không đi lại được, phải di chuyển bằng cách bò dưới đất. Mẹ em cũng bị khuyết tật nặng, ảnh hưởng đến trí tuệ. Chị Thanh đã kêu gọi hỗ trợ mẹ con em Quân làm một căn nhà mới, ủng hộ 15 triệu đồng để tiết kiệm và hỗ trợ 400 ngàn đồng đồ ăn hằng tháng. Cùng với đó, chị Thanh đã đưa Quân đến trường để học chữ từ lớp 1.

Hay trường hợp em Hồ Thị Yến Nhi, sinh năm 2011, mồ côi cha mẹ, em bị gãy chân, nhưng do ông bà nội già yếu và quá khó khăn nên không đưa em đi bệnh viện mà lấy da khỉ đốt đắp trên da gây nhiễm trùng. Em phải chịu đựng cơn đau 12 ngày, đến khi chị Thanh phát hiện đã vận động dân làng cõng xuống đường, sau đó chị Thanh đưa em đi điều trị và kêu gọi hỗ trợ giúp em khỏi bệnh và còn dư 45 triệu đồng làm sổ tiết kiệm để em học tập…

Đặc biệt khi kể đến em Hồ Văn Gương, chị Thanh rưng rưng nước mắt. Chị bảo, đây là trường hợp chị rất thương cảm. Khi hay tin em Gương bị lao cột sống, chị Thanh đã vượt rừng đi bộ hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ đến tận nhà vận động gia đình và đưa em xuống thành phố chữa bệnh. Đến nay, em đã khỏi bệnh và thực hiện được ước mơ đến trường sau 6 năm bỏ học vì bệnh tật. Gia đình em cũng được chị kêu gọi hỗ trợ sổ tiết kiệm 140 triệu đồng, hỗ trợ 1 con bò, 2 con dê, 100 gốc sâm để phát triển kinh tế, tu sửa ngôi nhà khang trang hơn. Với dáng người nhỏ bé, đen đúa, lưng gù vì bệnh tật, Gương chia sẻ cùng chúng tôi: “Em vui lắm khi được cô Thanh đưa đi chữa bệnh và em lại được đến trường học chữ”.

Quả thực có quá nhiều mảnh đời được chị Thanh giúp đỡ mà chúng tôi không kể xiết. Hiện tại, chị Thanh đang giữ hàng chục cuốn sổ tiết kiệm do chị làm giám hộ với số tiền lên đến trên 500 triệu đồng để hỗ trợ học tập cho các em, giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn ổn định cuộc sống.

Không dừng lại ở đấy, cơn bão số 12 vừa qua, chị Thanh đã kết nối với các nhà từ thiện giúp đỡ hàng trăm triệu đồng cho những gia đình gặp nạn, rủi ro, mất nhà cửa. Chị Thanh cũng đã thành công trong việc vận động nhân dân loại bỏ cây lá ngón…

Nói về cô giáo Lê Thị Hồng Thanh, Hiệu trưởng trường mầm non của xã, ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch UBND xã Trà Nam bày tỏ: “Cô giáo Thanh thực sự là người vô cùng tâm huyết, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục của địa phương. Nhờ có cô, nhiều cháu học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn được tiếp tục cắp sách đến trường, nhiều gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn… Người dân nơi đây mang ơn cô giáo nhiều lắm”.

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.