Ngay từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình OCOP, Lãnh đạo huyện đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành liên quan tham mưu trong việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ và du lịch có lợi thế tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Đồng thời, vận động các chủ thể sản xuất tích cực tham gia OCOP thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực như: Hướng dẫn các địa phương, cá nhân, tổ chức kinh tế lựa chọn ý tưởng, phát triển các sản phẩm OCOP trên cơ sở tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có; ưu tiên hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện về tổ chức bộ máy của các tổ chức kinh tế; đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; hướng quy trình, thủ tục và hồ sơ đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP…
Nhờ đó, đến hết tháng 8/2021, toàn huyện Mỹ Đức đã có 13 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng; trong đó, có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 7 sản phẩm đạt 3 sao và 3 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao. Nhiều sản phẩm OCOP đã và đang phát triển thị trường rất tốt như: Nấm Kim châm của Công ty TNHH XNK Kinoko Thanh Cao, các sản phẩm khăn mặt bông của Công ty Dệt may Thành Long, sản phẩm Khăn lụa tơ tằm, tơ Sen của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, …
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu Tằm Tơ Mỹ Đức, chia sẻ: Năm 2010, nhận thấy thị trường các sản phẩm làm từ lụa tơ tằm có tiềm năng phát triển, tôi đã đã bắt tay sản xuất thử nghiệm sản phẩm tơ tằm truyền thống. Khi sản phẩm làm ra được nhiều người ưa chuộng, tôi đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại phục vụ sản xuất. Đến nay, các sản phẩm của tôi làm ra không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn tiêu thụ ở các thị trường quốc tế như Đan Mạch, Nhật Bản, Hà Lan, Pháp, Mỹ, Đức, Ả Rập Xê út… Đến năm 2020, sản phẩm Khăn lụa tơ tằm, Khăn lụa tơ sen, Chăn bông tơ tằm của Công ty đã được công nhận sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao.
Hiện, trung bình mỗi tháng cơ sở sản xuất của bà Thuận đã xây dựng chuỗi liên kết, khép kín với nhiều hộ gia đình trên địa bàn từ chăn tằm, ươm tơ đến khâu chăn, quay tơ…. Theo đó, sản lượng hàng tháng đạt 3.000m với các sản phẩm như: khăn mặt, khăn quàng cổ, khăn tắm, vải may mặc, khẩu trang... Giá sản phẩm từ 150.000 – 350.000 đồng/m, có khi lên đến 600.000 đồng/m. Công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động ở địa phương với mức thu nhập trung bình từ 5 – 7 triệu/người/tháng.
Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức, mặc dù mới được triển khai, nhưng Chương trình OCOP đã hòa nhịp và có tác động tích cực vào kết quả xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Các sản phẩm OCOP không chỉ góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM mà còn góp phần thúc đẩy tích cực phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, làng nghề… Từ đó từng bước tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân khu vực nông thôn.
Ông Lê Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết: Năm 2021, để hoàn thành mục tiêu có thêm từ 3 - 8 sản phẩm OCOP cấp thành phố, hình thành điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các làng nghề, khu du lịch, khu trung tâm, huyện Mỹ Đức sẽ xem OCOP là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị có lợi thế của địa phương.
Trên cơ sở đó tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần bổ trợ cho lộ trình xây dựng NTM bền vững, nâng cao. Đối với các sản phẩm đã được công nhận OCOP, huyện sẽ tiếp tục đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng để được nâng hạng sao; duy trì, nhân rộng điểm giới thiệu và bán sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.