Ông Nguyễn Thế Hanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Rau an toàn Hải Anh, xóm Ba, xã Vân Nội (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết, trước tình hình dịch bệnh phức tạp và thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại khó khăn, các thương lái không thể đến các cơ sở sản xuất để thu mua; trong khi các loại rau ăn lá đã đến kỳ thu hoạch. Chúng tôi đã đứng ra thu mua và tiêu thụ cho những nông dân liên kết sản xuất với Công ty, bằng cách đăng tải hình ảnh về nông sản, sản phẩm OCOP của đơn vị, rao bán thông qua website, các trang mạng xã hội... để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và đặt hàng an toàn trong mùa dịch bệnh. Nhờ vậy, mỗi ngày Công ty chúng tôi đã tiêu thụ được khoảng 5-6 tạ rau, củ cho người nông dân”.
Thời gian qua, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Thăng Long, cũng gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Anh Phan Trung Kiên, Giám đốc Công ty cho biết: Là đơn vị trồng và sản xuất cà gai leo lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 20 ha tại các địa phương: huyện Chương Mỹ (Hà Nội), Hoà Bình và Lạng Sơn. Thời điểm hiện tại, sản phẩm cà gai leo của Công ty, gần như bị “đóng băng” trên kênh bán hàng truyền thống. Vì không thuộc danh mục các mặt hàng thiết yếu nên nhiều tháng nay, Công ty không nhận được các đơn hàng lớn do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, khiến doanh thu HTX giảm nghiêm trọng.
“Trước tình trạng đó, chúng tôi kinh doanh chủ yếu thực hiện qua phương thức online và phối hợp với một số sàn thương mại điện tử để giới thiệu, cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng. Kể từ khi công ty đưa sản phẩm lên các trang điện tử, online và sàn TMĐT, đã giúp sản phẩm của chúng tôi có thể phủ khắp thị trường cả nước. Chúng tôi dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng hơn, khắc phục hạn chế về khoảng cách địa lý, hạ tầng giao thông và nguồn lực doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại...”, anh Kiên cho biết thêm.
Không chỉ 2 công ty nói trên đã tìm được hướng kinh doanh trong mùa dịch, thông qua bán hàng Online, livestream trên các trang mạng xã hội và hướng đến đưa sản phẩm lên sàn TMĐT; mà nhiều doanh nghiệp khác cũng đã triển khai phương thức bán hàng hiệu quả này. Điển hình như: Cơ sở kinh doanh hải sản Hoàng Chi ở Tổ dân phố Tế tiêu – TT Đại nghĩa Mỹ Đức; HTX Thủy sản ở Ngọc Động, Phương Tú, Ứng Hòa; HTX DV chăn nuôi và thủy sản Tri Phú ở Tri Trung - Phú Xuyên, Phú Xuyên,…
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống, sang bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến. Đây được xem là cơ hội để các doanh nghiệp, HTX và người nông dân tiếp cận với chuyển đổi số, đưa nông sản, sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng xây dựng Nông thôn mới Hà Nội cho biết: Dù biết việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử sẽ là kênh bán hàng chính thống, trong thời điểm hiện tại và tương lai, nhưng do hạn chế về nguồn lực kinh tế, con người, nên nhiều doanh nghiệp, HTX, chủ thể OCOP vẫn đứng ngoài cuộc.
Để tránh đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân, thì việc tiêu thụ thông qua các hình thức TMĐT, bán hàng online và livestream được xem là giải pháp hữu hiệu. Người dân sẽ thuận lợi hơn trong việc mua sắm thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày, bảo đảm giãn cách xã hội và an toàn phòng dịch Covid-19.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX, các chủ thể sản phẩm OCOP vượt qua khó khăn, thời gian qua, Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới Hà Nội đã tổ chức một số chương trình livestream, nhằm hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn Hà Nội; mở các lớp tập huấn trực tuyến miễn phí cho các chủ thể nhằm thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Khoá học với nội dung chuyên sâu về phương thức, kỹ năng bán hàng online, livestream để tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Hà Nội đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong việc đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hà Nội đã có nhiều giải pháp tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ số để tiêu thụ sản phẩm bằng cách mở ra kênh bán hàng mới trên mạng xã hội. Đây được xem là đòn bẩy để các doanh nghiệp, HTX và các chủ thể sản phẩm OCOP làm quen với sàn TMĐTtrong thời đại công nghệ số hiện nay.