Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia: Tạo động lực phát triển đặc sản địa phương

Thúy Hồng - 16:28, 18/06/2021

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) cấp quốc gia đang đề nghị ,Thủ tướng Chính phủ công nhận 20 sản phẩm đạt OCOP 5 sao; trong đó, có nhiều sản phẩm của vùng đồng bào DTTS và miền núi. Việc sản phẩm OCOP được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt 5 sao, không chỉ khẳng định chất lượng, thương hiệu của sản phẩm được nâng tầm quốc gia mà còn mở ra cơ hội tiêu thụ tốt sản phẩm ở thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.


Các thành viên của HTX Chế biến chè Phìn Hồ thu hoạch chè
Các thành viên của HTX Chế biến chè Phìn Hồ thu hoạch chè

Cà phê bột nguyên chất Bích Thao của HTX cà phê Bích Thao, TP. Sơn La, là 1 trong những sản phẩm đang được đề xuất công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia. Hiện nay, sản phẩm cà phê bột nguyên chất là 1 trong 28 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được công nhận OCOP 4 sao và là 1 trong 80 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam 2020. Sản phẩm cà phê Bích Thao hiện đã xuất khẩu sang thị trường các nước Đức, Pháp, Mỹ... tỷ lệ cà phê xuất khẩu của HTX chiếm tới 80% tổng sản phẩm xuất bán ra thị trường.

Nói về quá trình nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Xuân Thao, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) cà phê Bích Thao, cho biết: Để nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, áp dụng quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, UTZ…Toàn bộ 90 ha cà phê của HTX được sản xuất tuân thủ các quy định an toàn, không có dư lượng thuốc trừ sâu.

Nhờ chú trọng sản xuất cà phê chất lượng, đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Các sản phẩm cà phê nhân đặc sản từ 80.000 - 120.000 đồng/kg; cà phê bột đặc sản từ 450.000 - 700.000 đồng/kg; doanh thu của HTX, mỗi năm đạt trên 40 tỷ đồng, đảm bảo thu nhập ổn định cho 5 đến 11 lao động thường xuyên và từ 15-20 lao động thời vụ với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Hay sản phẩm hồng trà và trà xanh của HTX Chế biến chè Phìn Hồ, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) cũng đang được đề nghị, công nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Các sản phẩm của HTX đã tạo dựng được thương hiệu và khẳng định được giá trị sản phẩm bằng việc sản xuất chè hữu cơ đi đôi với chế biến sâu. 

Để tạo vùng nguyên liệu có chất lượng và ổn định, hàng năm HTX liên kết, hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho trên 900 hộ dân, với diện tích trên 600ha chè, trong đó có 100ha chè được cấp chứng nhận đạt theo tiêu chuẩn châu Âu. Doanh thu của HTX đạt từ 15 -20 tỷ/năm; bình quân mỗi ha chè cho thu nhập khoảng 35 - 40 triệu đồng, tăng hơn 3 lần so với 10 năm trước và các hộ dân trồng chè thôn Phìn Hồ 100% thoát nghèo.

HTX đã ký thành công hợp đồng bao tiêu sản phẩm và đưa hàng vào hệ thống siêu thị Vinmart năm 2019; bán hàng tại các sân bay Việt Nam và hệ thống cửa hàng Sài Gòn OCOP. HTX có 6 nhà phân phối với hơn 800 điểm bán hàng trong cả nước và 2 đơn vị xuất khẩu. HTX đã mang sản phẩm trưng bày giới thiệu quảng bá tại lễ hội trà ở Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật,

Theo chị Lý Mùi Mương, Phó Giám đốc HTX Chế biến chè Phìn Hồ, những năm qua, sản phẩm của HTX luôn được thị trường yêu thích, đánh giá cao. Vùng nguyên liệu chè Shan tuyết của HTX đã được chứng nhận vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn Oganic EU, nhà máy của HTX được chứng nhận an toàn thực phẩm Haccp.

Sản phẩm cà phê Bích Thao đang được đề xuất công nhận đạt sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia.
Sản phẩm cà phê Bích Thao đang được đề xuất công nhận đạt sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia.

Ngoài các sản phẩm trên, trong 20 sản phẩm được đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận sản phẩm đạt OCOP 5 sao lần đầu tiên, có nhiều sản phẩm của vùng DTTS và miền núi khác như: Sản phẩm trà tôm nõn Hảo Đạt (HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên); mắm tôm Lê Gia, của Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia, Thanh Hóa; cà phê rang xay DAKMARK, của Công ty TNHH MTV cà phê Nguyên Huy Hùng, Kon Tum; miến dong Tài Hoan, của HTX miến dong Tài Hoan, Bắc Kạn; Ladoatiso Cao ống, của Công ty cổ phần dược Lâm Đồng, tỉnh Lâm Đồng…

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau ba năm triển khai Chương trình OCOP, cả nước có 4.469 sản phẩm đạt từ ba sao trở lên. Việc đánh giá, phân loại nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, sẽ tạo động lực mạnh mẽ để phát triển đặc sản địa phương, thu hút thêm đầu tư của các chủ thể khác tại địa phương, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP quốc gia.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Chủ tịch Hội đồng OCOP Quốc gia, việc đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP cấp quốc gia đang được Chính phủ và các địa phương rất quan tâm. Sản phẩm OCOP sau khi được công nhận 5 sao OCOP quốc gia sẽ được đưa vào chương trình xúc tiến thương mại trong nước và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.